Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Điều gì đẩy Sri Lanka vào tình cảnh vỡ nợ?

Hàng nghìn người biểu tình ở Sri Lanka yêu cầu tổng thống từ chức sau hàng loạt chính sách kinh tế sai lầm đẩy đất nước vào tình trạng khốn đốn.

Tong thong Sri Lanka bi yeu cau tu chuc anh 1

Vào tháng 3, trong khi người dân Sri Lanka phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để mua nhiên liệu, chịu đựng những đợt cắt điện mỗi ngày và thu nhập giảm sút, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã kêu gọi người dân cả nước “vững tin” vào sự dẫn dắt của ông.

Giờ đây, hàng chục nghìn người biểu tình đang tràn ra các đường phố ở thủ đô Colombo và đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài dinh thự của vị tổng thống. Họ yêu cầu nhà lãnh đạo từ chức.

Sri Lanka vốn được kỳ vọng trở thành một nền kinh tế phát triển nhanh chóng sau nhiều thập kỷ xung đột. Thế nhưng giờ đây, quốc đảo đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do các chính sách sai lầm, theo New York Times.

Tong thong Sri Lanka bi yeu cau tu chuc anh 2

Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua gas ở Colombo tháng 3/2022. Ảnh: New York Times.

Đưa người thân vào nội các

Khi vận động tranh cử vào năm 2019, ông Rajapaksa cam kết sẽ khôi phục an ninh và khả năng thanh toán nợ của Sri Lanka, đất nước vừa trải qua một loạt các cuộc đánh bom liều chết đẫm máu.

Bản thân khi đó là bộ trưởng bộ Quốc phòng cùng anh trai Mahinda Rajapaksa làm tổng thống, ông Rajapaksa và gia đình được ca ngợi vì đã chấm dứt cuộc nội chiến của đất nước vào năm 2009 và tạo ra một nền kinh tế mẫu mực cho các quốc gia đang phục hồi khác.

Ông Rajapaksa sau đó giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống.

Sau khi lên nắm quyền, để đảm bảo tương lai chính trị cho gia đình mình, Tổng thống Rajapaksa đã làm suy yếu hệ thống tư pháp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến ​​và dập tắt phe đối lập.

Theo New York Times, ông đã sử dụng quyền lực mới có của mình để biến chính phủ Sri Lanka thành một thứ giống như một tổ chức gia đình, bổ nhiệm 3 người anh em vào các chức vụ nội các quan trọng nhất: Ông Mahinda làm thủ tướng, ông Chamal làm Bộ trưởng Quốc phòng và ông Basil làm Bộ trưởng Tài chính.

Nạn đói nhân tạo

Khi ông Basil Rajapaksa đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tài chính, nền kinh tế Sri Lanka đã phải gánh khoản nợ lớn. Nước này lúc bấy giờ cũng đang dần cạn kiệt đồng USD để mua các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như thuốc và nhiên liệu.

Thế rồi, Đại dịch ập đến, hai nguồn thu USD chính của Sri Lanka - du lịch và kiều hối từ những người Sri Lanka sống ở nước ngoài - đã sụp đổ.

Để bảo tồn nguồn dự trữ ngoại hối, chính phủ ra lệnh cấm nhập khẩu. Tháng 4/2021, ông Rajapakas tuyên bố Sri Lanka sẽ ngay lập tức chuyển sang canh tác hữu cơ và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu phân bón.

Ông Muditha Perera, Chủ tịch Hiệp hội những người trồng lúa, cho biết: “Người ta nói rằng nạn đói xuất hiện sau dịch bệnh. Tuy nhiên, nạn đói sắp tới đây là do chính phủ gây ra chứ không phải tự nhiên mà có. Chính phủ đã phá hủy nền nông nghiệp của đất nước”.

Tong thong Sri Lanka bi yeu cau tu chuc anh 3

Bãi biển Mirissa ở Sri Lanka tháng 3/2022. Sri Lanka đã đóng cửa với khách du lịch trong gần một năm rưỡi do đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Giờ đây, Sri Lanka đang cố gắng tiết kiệm tiền mặt để mua nhiên liệu khẩn cấp và các hàng hóa cơ bản khác.

Đội xe tải giao hàng của anh Shathurshan Jayantharaj, 25 tuổi đã phải ngừng hoạt động khi nguồn cung dầu diesel cạn kiệt. Gần như ngày nào anh cũng tham gia biểu tình chống lại sự kém cỏi của chính phủ do Rajapaksa dẫn dắt.

“Sri Lanka đáng lẽ đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng giờ đây chúng tôi đang mất tất cả. Nhà Rajapaksa không biết họ đang làm gì và họ đang kéo cả đất nước ngã xuống cùng họ”, anh Jayantharaj bức xúc.

Tong thong Sri Lanka bi yeu cau tu chuc anh 4

Bức xúc với các đợt cắt điện và thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, hàng nghìn người ở Sri Lanka đã xuống đường biểu tình. Ảnh: New York Times.

Vỡ nợ

Trước khi chính phủ tuyên bố vỡ nợ, ông Rajapaksa thừa nhận rằng đất nước đang "đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại hối nguy hiểm".

Tuy nhiên, ông phớt lờ lời kêu gọi của các nhà kinh tế về việc tìm kiếm sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông cũng từ chối trả lời câu hỏi của các thành viên Quốc hội Sri Lanka về bảng cân đối chi tiêu của đất nước.

Khi giá trị của đồng rupee, đơn vị tiền tệ của Sri Lanka, tiếp tục lao dốc, chính phủ đã cố gắng hạn chế chi phí nợ ngày càng tăng của mình bằng cách cố định đồng rupee với đồng USD. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra một thị trường chợ đen song song, nơi đồng rupee có giá trị chỉ bằng khoảng 2/3 tỷ giá hối đoái chính thức.

Đến ngày 12/4, chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD và đang chờ gói cứu trợ từ IMF.

Khi các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước, gia đình nhà Rajapaksa ngày càng dễ bị tổn thương.

Theo New York Times, nhiều người thân của tổng thống đã đồng loạt từ chức khỏi các chức vụ trong chính phủ nhằm xoa dịu người biểu tình.

Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn tiếp tục tụ tập, dựng lều và nhà vệ sinh di động dọc theo một công viên ven biển ở Colombo để chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước.

Chuyện gì xảy ra khi Sri Lanka vỡ nợ?

Việc Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ xuất phát từ chính sách quản lý tài chính yếu kém của chính phủ, cũng như ảnh hưởng từ Covid-19 và "bẫy nợ" Trung Quốc.

Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm toàn quốc

Cảnh sát Sri Lanka thông báo áp lệnh giới nghiêm kéo dài 36 tiếng để đối phó với cuộc biểu tình chống chính phủ, theo AFP.

Mam mong bat on moi hinh anh

Mầm mống bất ổn mới

0

Xung đột ở Ukraine khiến giá nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu leo thang. Điều đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị ở nhiều nơi, Sri Lanka, Pakistan và Peru là những ví dụ gần nhất.

Lê Ngọc

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm