“Tình hình ở Ukraine thực sự rất chông gai, vì vậy tôi đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho nó”, ông Macron nói. “Thật khó để đếm được đã có bao nhiêu cuộc trò chuyện với Tổng thống Vladimir Putin kể từ tháng 12/2021”.
“Chúng tôi đã nói chuyện với nhau ít nhất 100 giờ”, tổng thống Pháp cho biết, nói thêm các cuộc đàm phán được tổ chức theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo TASS.
“Khi mọi sự thù địch chấm dứt vào một ngày nào đó, chúng ta có thể mở đường thoát khỏi khủng hoảng thông qua ngoại giao”, ông Macron nhấn mạnh, cho rằng Pháp nên đóng vai trò trung gian hòa giải.
Tổng thống Nga Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Pháp Macron tại Moscow ngày 7/2. Ảnh: Reuters. |
Hôm 2/6, AFP cho biết Tổng thống Macron đang chịu sức ép và những lời chỉ trích tại sao ông không đến Kyiv kể từ khi chiến sự bùng phát, trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã đến thăm thủ đô Ukraine, và ông đã kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống vào hôm 25/4.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 31/5 bày tỏ “thật tốt nếu ông Macron đến Kyiv trong nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp (sẽ kết thúc vào tháng 6)”.
Trả lời báo chí, ông Macron cho biết sẽ đến Kyiv “vào thời điểm và điều kiện phù hợp”. Ông nói việc gửi pháo hạng nặng và tên lửa chống tăng, cũng như nhất trí các lệnh trừng phạt Nga đã thể hiện sự ủng hộ Ukraine từ Paris. Ngoài ra, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colona cũng đã đến Ukraine ngày 30/5.
Trái ngược với một vài quốc gia phương Tây chỉ trích gay gắt hành động của Nga, Pháp chọn hướng đi có phần ôn hòa và muốn trở thành cầu nối giữa Kyiv và Moscow.