Tổng thống Chakwera ngày 20/3 cho biết một nửa đất nước chịu thiệt hại bởi bão Freddy, cơn bão nhiệt đới dài nhất trong lịch sử đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Guardian, nhà lãnh đạo Malawi khẩn cầu sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, đồng thời ông thông tin thêm rằng cơ sở vật chất ở quốc gia Đông Nam châu Phi bị thiệt hại nặng nề.
Biến đổi khí hậu là có thật
“Đây là bằng chứng thiết thực nhất, chứng tỏ vấn đề biến đổi khí hậu là hoàn toàn có thật và chúng ta đang hướng đúng đến kết cục này”, ông Chakwera nêu bật vấn đề, đồng thời nhấn mạnh rằng khủng hoảng khí hậu có thể khiến “một quốc gia như Malawi chìm trong nghèo đói vĩnh viễn”.
Tổng thống Chakwera đến thăm các nạn nhân lũ lụt ở Blantyre, Malawi. Ảnh: Reuters. |
Tính đến ngày 20/3, số nạn nhân thiệt mạng vì trận bão ở Malawi là 438 người. Gia đình các nạn nhân cũng như lực lượng cứu hộ dành cả cuối tuần qua đào bới trong đống đổ nát, chủ yếu bằng tay không, để tìm kiếm những người mất tích.
Tổng thống Chakwera cho biết: “Thiệt hại tại 13 quận, gần một nửa đất nước, là những thiệt hại trầm trọng về người và của”.
Dù cho hệ thống cảnh báo sớm của chính phủ đã giúp nhiều người ở một số khu vực trũng thấp thoát nạn, nhưng thất bại ở những khu vực khác và trận lở đất ở thành phố Blantyre đã gây ra những thiệt hại ngoài dự kiến.
Cố gắng vươn mình rồi lại bị đánh gục
“Chúng tôi cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của mọi người để giảm thiểu thiệt hại”, ông nói. “Chúng tôi rất đau buồn vì mất mát và không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Dù chúng tôi đã dựng các trại cứu nạn tạm thời, có thức ăn và chỗ ở, nhưng phải nhanh chóng tiếp cận các khu vực khác và xây dựng chắc chắn hơn”.
Bão Freddy gây ra nhiều thiệt hại vật chất nặng nề. Ảnh: NPR. |
“36 tuyến đường bị hỏng, 9 cây cầu bị cuốn trôi, vẫn còn trường hợp người dân mắc kẹt, còn vài ngôi làng chúng tôi không thể tiếp cận được”, vị tổng thống cho hay.
"Khắp cả nước đang phải hứng chịu hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu”, ông khẳng định.
“Tôi cảm thấy chúng ta cần tiếp tục nói đến vấn đề này, không để sự việc này chìm xuống. Vấn đề không phải là việc kêu gọi từ thiện, đây là việc liên quan đến thiệt hại và mạng sống con người, nên không cần những phản hồi chỉ mang tính hình thức”.
Nhà lãnh đạo 67 tuổi từng là mục sư công bố Malawi đã bị ba cơn bão tấn công trong vòng 13 tháng qua.
“Chúng tôi đã cố gắng phục hồi trở lại sau Cơn bão Idai vào năm 2019, sau đó là đại dịch, giờ là Freddy”.
“Chúng ta đang ở trong vòng luẩn quẩn cố gắng vươn mình rồi lại bị đánh gục”.
Bão Freddy gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: PBS. |
Bão Freddy lần đầu hình thành ngoài khơi Australia vào đầu tháng 2, di chuyển gần 5.000 dặm qua Ấn Độ Dương, đổ bộ hai lần vào phía đông nam châu Phi, mang theo những trận mưa xối xả, gió lớn và cướp đi sinh mạng hơn 700 người trên khắp Mozambique, Madagascar, Zimbabwe và Malawi, bao gồm 16 người trên một con tàu của Đài Loan.
Khi bão tan vào ngày 15/3, các nhà khí tượng học ghi nhận đây là cơn bão nhiệt đới kéo dài và di chuyển nhiều nhất trong lịch sử.
Tổng thống Chakwera đã đến thăm các bệnh viện ở Blantyre vào ngày 17/3 vừa qua. Ông nói: “Sẽ có những vấn đề tâm lý cũng như xã hội vì những tổn thương sâu sắc mà mọi người đã phải chịu đựng. Ngay cả bác sĩ cũng cần hỗ trợ sau khi đối mặt với quá nhiều chấn thương”.
“Sau khi mưa tạnh, chúng tôi cần giúp những gia đình này đứng vững trên đôi chân mình. Chúng ta sẽ cần đường sá, bệnh viện và trường học, nếu không sẽ là một rắc rối lớn. Người Malawi được biết là những chiến binh kiên cường. Rất nhiều người lớn lên trong nghèo khó, điều đó hiển nhiên trở thành một phần cuộc sống của họ”.
Nhiều người dân Malawi phải hứng chịu hậu quả do bão Freddy gây ra. Ảnh: WSAU. |
“Đây là những gì chúng tôi cố gắng thay đổi. Mang đến hy vọng rằng Malawi có thể trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, mang đến tương lai cho những người trẻ tuổi, có nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Viễn cảnh mà chúng tôi muốn hướng tới là một quốc gia có thể tự đứng vững trên đôi chân chính mình”.
Tháng trước, ông Nick Hepworth, giám đốc điều hành của Water Witness International, đã chỉ trích chính phủ Anh vì đã cắt giảm khoản đóng góp cho chương trình “Chống chịu và thích ứng với các điều kiện khí hậu và thiên tai” trị giá 90 triệu bảng Anh, được gọi là BRACC ở Malawi. Động thái này là một phần trong kế hoạch cắt giảm ngân sách viện trợ từ 0,7% xuống 0,5% GDP vào năm 2021 của Vương quốc Anh.
Ông Chakwera cho hay: “Chúng tôi hiểu rằng chính phủ Anh cũng có những vấn đề của riêng mình. Nhưng từ năm 2015 đến nay, sự giúp đỡ đến từ chính phủ Anh đã giảm đi đáng kể”.
“Chúng tôi cần sự giúp đỡ, đến từ mọi người, nhưng chúng tôi không nhất thiết phải chỉ tay vào một chính phủ bất kỳ vì chúng tôi hiểu mỗi quốc gia đều có khó khăn riêng”.
“Đây là cơn càn quét khủng khiếp nhất từng được chứng kiến - nhiều người đã nói họ chưa bao giờ thấy thứ gì kinh khủng như thế này trong đời”.
Theo lời vị tổng thống, ông hiểu rằng thế giới đang đối mặt nhiều vấn đề, và cũng không ai xa lạ gì với thiên tai, song ông kêu gọi mọi người đừng ái ngại với việc dang tay giúp đỡ đồng loại.
Hôm 18/3, Bộ trưởng Bộ Phát triển châu Phi của Anh, Andrew Mitchell, cho biết 27 thành viên của Đội Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc tế Vương quốc Anh cùng 6 nhân viên y tế khẩn cấp đã rời sân bay Birmingham đến Malawi.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.