Theo Guardian, vụ việc xảy ra trong ngày Quốc khánh Pháp hôm 14/7. Một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội Facebook cho thấy hàng chục người biểu tình đã tiến lại gần và bao vây vợ chồng Tổng thống Macron, bất chấp sự hiện diện của các vệ sĩ. Người biểu tình đã lớn tiếng chỉ trích và yêu cầu ông Macron từ chức.
Dưới sự bảo vệ của vệ sĩ, Tổng thống Macron đã tiến lại gần và trao đổi cùng những người biểu tình. Hình ảnh từ video cho thấy những người biểu tình chỉ tay vào mặt Tổng thống Macron và phàn nàn về tình trạng bất bình đẳng kinh tế, cũng như chính sách cứng rắn với các phong trào biểu tình.
Tổng thống Pháp Macron bị bao vây tại công viên Tuileries hôm 14/7. Ảnh: Kouliomj Richard. |
Vụ việc diễn ra trong khoảng 6 phút, khi Tổng thống Macron nhiều lần đề nghị người biểu tình "bình tĩnh". Nhà lãnh đạo nước Pháp cho biết ông thấu hiểu "cảm giác chịu sự bất công" mà người biểu tình nêu ra. Ông Macron cũng chỉ ra việc cảnh sát mạnh tay trấn áp một phần xuất phát từ những hành động bạo lực của phong trào biểu tình.
"Hôm nay là một ngày nghỉ lễ (Quốc khánh), tôi đang đi bộ với vợ mình, và các bạn đang cản trở chúng tôi", Tổng thống Macron nói với một người biểu tình.
Vợ chồng Tổng thống Macron và những người biểu tình đều không đeo khẩu trang như khuyến nghị phòng chống virus corona của nhà chức trách Y tế Pháp.
Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo đảng Cộng hòa đối lập Christian Jacob đã lên tiếng gọi đây là "một vấn đề an ninh thực sự".
"Làm thế nào mà tổng thống có thể chấp nhận một nguy cơ về an ninh như vậy?", ông Jacob nói.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng La France insoumise, ông Jean-Luc Mélenchon, cho rằng Tổng thống Macron đáng ra cần "cẩn trọng hơn" khi đi bộ tại một địa điểm công cộng có nhiều người qua lại.
Hôm 15/7, người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal tuyên bố vụ việc xảy ra tại công viên Tuileries cho thấy Tổng thống Macron "tuyệt đối cởi mở về đối thoại", qua đó bác bỏ luận điểm của phe đối lập thường chỉ trích nhà lãnh đạo nước Pháp "quá xa cách với người dân".