Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 2 vào tối 12/10, Tổng thống Macron cho biết học thuyết hạt nhân của Pháp dựa trên "lợi ích cơ bản của quốc gia", mà điều này "sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine hoặc trong khu vực", theo Financial Times.
Phát biểu trên của ông Macron được xem là ngoại lệ, vì hiếm khi nhà lãnh đạo của các quốc gia có vũ khí hạt nhân nói rõ khi nào loại vũ khí này sẽ được sử dụng. Điều này có thể vi phạm nguyên tắc “mơ hồ chiến lược”.
Phát biểu hôm 13/10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tổ chức này sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về cách các thành viên phản ứng ra sao trong trường hợp vũ khí hạt nhân được sử dụng.
“Chúng tôi sẽ không đi sâu vào việc trả lời chúng tôi sẽ phản ứng như thế nào”, ông Stoltenberg nói.
Tàu ngầm hạt nhân Suffren lớp Barracuda của Pháp. Ảnh: Reuters. |
Khi được hỏi về tuyên bố vừa qua của tổng thống Pháp, bà Kasja Ollongren, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, cho biết: “Một phần trong biện pháp răn đe của chúng tôi là không suy đoán công khai về việc các bên phải chịu loại biện pháp phản ứng nào, trong bất cứ tình huống nào”.
Trong cuộc họp báo hôm 13/10, một quan chức tại Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết tổng thống Pháp sẽ đánh giá sự cần thiết của việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Vị quan chức này cũng cho biết các lợi ích quan trọng của Pháp sẽ được xác định dựa trên hoàn cảnh khi đó và quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân là lựa chọn của tổng thống, không liên quan đến NATO. Người này cũng khẳng định cần phải tuân theo nguyên tắc “mơ hồ chiến lược”, theo Bloomberg.
Pháp là một trong ba thành viên NATO có trang bị vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nước này không tham gia vào các cơ chế hợp tác vũ khí hạt nhân chính thức của NATO và sẽ không tham gia các cuộc tập trận hạt nhân thường niên của liên minh này vào tuần tới.