Một lá thư chung của nhiều chính trị gia nhiều nước cáo buộc các cuộc biểu tình người ủng hộ Tổng thống Bolsonaro dự kiến tổ chức vào ngày 7/9 là nhằm chống lại Tòa án Tối cao và Quốc hội Brazil.
Các cuộc tuần hành - được cho là do các nhóm cực đoan da trắng, cảnh sát quân sự và các quan chức chính phủ các cấp tổ chức - làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính ở nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới, Guardian đưa tin ngày 6/9.
Lá thư trên cũng bày tỏ nghi ngại rằng cuộc tuần hành sẽ là một cuộc bạo động Điện Capitol thứ hai, ám chỉ việc người ủng hộ Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ để ngăn cản việc thông qua kết quả cuộc bầu cử năm 2020.
Trong số các chính khách ký tên có cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Rodriguez Zapatero, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, cựu lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn, cựu Tổng thống Paraguay Fernando Lugo, Nghị sĩ đảng Xanh của Anh Caroline Lucas.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị nghi ngờ là đang thực hiện âm mưu đảo chính quân sự. Ảnh: Reuters. |
Theo nhóm chính khách này, vào ngày 10/8, Tổng thống Bolsonaro đã “chỉ đạo một cuộc diễu hành quân sự chưa từng có qua thủ đô Brasília", trong khi các thân cận của ông trong Quốc hội thúc đẩy cải cách sâu rộng hệ thống bầu cử Brazil trước thềm bầu cử tổng thống vào năm tới.
Vào ngày 21/8, Tổng thống Bolsonaro khẳng định các cuộc biểu tình là "đối sách cần thiết" chống lại Quốc hội và Tòa án tối cao Brazil. Ông Bolsonaro cũng cho rằng Hiến pháp Brazil đã tước đi quyền lực của ông và cáo buộc "cơ quan tư pháp, phe cánh tả và cả một bộ máy có lợi ích đằng sau” âm mưu chống lại ông.
Hơn 5.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ Quốc hội Brazil. Các nhà lãnh đạo cánh tả kêu gọi những người ủng hộ không dính líu vào các vụ đụng độ. Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ yêu cầu người dân tránh xa vụ việc.
Trước đó, Chánh án Tòa tối cao Brazil Luiz Fux cảnh báo: “Mọi người nên nhận thức được những hậu quả pháp lý cho hành vi của mình. Quyền tự do ngôn luận không thể dẫn đến bạo lực và các mối đe dọa khác”.
Các cuộc thăm dò cho thấy 60% cử tri sẽ không bỏ phiếu cho ông Bolsanaro trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới vì tức giận đối với cách xử lý vấn đề dịch bệnh Covid-19 tồi tệ thời gian qua.