Trong chuyến thăm hôm 1/6, Tổng thống Biden dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân. Trước đó, ông gặp ba người từng sống trong khu vực xảy ra vụ thảm sát và tham quan một bảo tàng dành riêng cho các nạn nhân, theo Reuters.
"Đồng bào Mỹ của tôi, đây không phải là một cuộc bạo động. Đây là một cuộc thảm sát, và là một trong những điều tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng ta. Nhưng không phải là duy nhất", Tổng thống Biden nói trong chuyến thăm.
Khi gặp mặt tổng thống Mỹ, những nạn nhân sống sót trong cuộc thảm sát - giờ đã ở tuổi từ 101 đến 107 tuổi - yêu cầu quốc hội đòi "công lý" cho họ trong năm nay.
Nói với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 1/6 cho biết: “Những gì mà các nạn nhân này phải chịu đựng thực sự bi thảm và tàn khốc".
Tổng thống Joe Biden tại Trung tâm Văn hóa Greenwood hôm 1/6 trong chuyến thăm kỷ niệm 100 năm kể từ cuộc thảm sát năm 1921 ở Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Chuyến đi của Tổng thống Biden đến Tulsa là sự tương phản rõ rệt với người tiền nhiệm Donald Trump. Một năm trước vào ngày này, ông Trump lên kế hoạch cho một cuộc vận động cử tri ở Tulsa vào ngày 19/6, ngày kỷ niệm kết thúc chế độ nô lệ của Mỹ năm 1865.
Sự kiện vận động này về sau bị hoãn lại do vấp phải làn sóng chỉ trích.
Trong những năm gần đây, nhận thức về vụ thảm sát ngày càng được lan rộng. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ trước đó, người dân Mỹ không được học lịch sử về vụ thảm sát ở Tulsa vào ngày 31/5 và ngày 1/6/1921.
Vụ việc xảy ra sau khi một phụ nữ da trắng tố cáo một người đàn ông da đen hành hung mình, nhưng không có bằng chứng. Vụ việc khiến người Mỹ da trắng bắn chết 300 người da đen, đốt phá nhà cửa và cơ sở kinh doanh, tàn phá một cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Tulsa.
Các công ty bảo hiểm đã không chi trả cho thiệt hại sau vụ việc này, và cũng không ai bị buộc tội phải chịu trách nhiệm cho vụ bạo lực.