Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bê bối gián điệp từ thời Obama vẫn đeo bám ông Biden

Bê bối gián điệp năm 2013 trở lại đeo bám Tổng thống Joe Biden sau khi truyền thông của Đan Mạch tố cáo cơ quan tình báo nước này hỗ trợ Mỹ theo dõi các nhà lãnh đạo châu Âu.

Ngay trước thềm chuyến thăm châu Âu đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, truyền thông Đan Mạch đã đưa tin rằng các cơ quan gián điệp của nước này đã giúp đối tác Mỹ nghe lén các nhà lãnh đạo châu Âu.

Theo đài phát thanh Đan Mạch, Cơ quan Tình báo Quốc phòng (FE) đã phối hợp với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) để thu thập thông tin của các nhà lãnh đạo, bao gồm Đức, Pháp, Thụy Điển và Na Uy.

Politico nhận định bản tin đã đẩy cộng đồng châu Âu trở lại những ngày đen tối của năm 2013. Vào thời điểm ấy, Edward Snowden đã tiết lộ rằng các chương trình giám sát khổng lồ của Mỹ đang nghe lén điện thoại di động của các lãnh đạo đồng minh, bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Be boi gian diep cua My anh 1

Thủ tướng Đức nhiều lần đuợc nêu danh là đối tượng bị chính quyền Mỹ do thám. Ảnh: Reuters.

Ác mộng của Joe Biden

Vào thời điểm vụ việc bị phanh phui, chính Tổng thống Barack Obama rất khó xử khi trò chuyện với các nhà lãnh đạo EU về vấn đề do thám đồng minh. Khi đó, ông Joe Biden là phó tổng thống.

Ngày 11/6 tới, trong cuộc họp G7 tại Cornwall, Anh, ông Biden dưới tư cách tổng thống sẽ phải tìm cách trấn an người châu Âu. Lòng tin xuyên Đại Tây Dương đã rơi xuống mức cực kỳ thấp sau nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và vụ bê bối gián điệp.

Thời điểm công bố báo cáo của đài truyền hình công cộng Đan Mạch càng gây thêm khó khăn cho tổng thống Mỹ.

Washington và Brussels đang đàm phán một thỏa thuận dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới. Thỏa thuận trước đó đã bị Tòa Tối cao của EU hủy bỏ do lo ngại gián điệp của phía Mỹ.

Bản tin hôm 31/5 chắc chắn sẽ làm quan điểm của phía EU thêm cứng rắn. Vấn đề gián điệp, giới hạn pháp lý và đảm bảo an toàn dữ liệu cho người dân châu Âu sẽ được chú trọng hơn cả.

Be boi gian diep cua My anh 2

Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tại Fort Meade, bang Maryland. Ảnh: AP.

“Nếu những tiết lộ về hành động gián điệp giữa các đồng minh là chính xác, tôi muốn nhấn mạnh rằng điều đó rõ ràng là không thể chấp nhận được”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu vào hôm 31/5.

“Nó thậm chí còn khó được chấp nhận hơn giữa các đồng minh và đối tác châu Âu. Tôi luôn nghĩ rằng mối quan hệ giữa người Mỹ và người châu Âu được xây dựng dựa trên niềm tin. Vì vậy, không có khoảng trống nghi ngờ giữa chúng ta”, tổng thống Pháp nói.

Pháp đã yêu cầu Đan Mạch và Mỹ chia sẻ tất cả thông tin liên quan đến hoạt động gián điệp và đang chờ câu trả lời.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết các quốc gia châu Âu đã thảo luận rất nhiều về các vấn đề liên quan đến NSA. Về cơ bản, quan điểm của EU không thay đổi.

“Chúng tôi dựa vào mối quan hệ tin cậy lẫn nhau. Tôi đã yên tâm bởi chính phủ Đan Mạch đã thành thật về những điều này. Nó là cơ sở để làm sáng tỏ sự thật và thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng”, bà Merkel nói.

Snowden trở lại "sân khấu"

Các báo cáo khẳng định rằng cơ quan tình báo Đan Mạch đã cho phép đối tác Mỹ do thám thông qua hệ thống cáp mạng tại nước này. Các quan chức hàng đầu châu Âu đều là mục tiêu của NSA. Tại Đức, ngoài bà Merkel còn có cựu Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbrück và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier.

Hoạt động dò thám này có tên mã là "Chiến dịch Dunhammer". Nó cho phép NSA lấy dữ liệu bằng cách sử dụng số điện thoại của các chính trị gia.

Những tiết lộ của Snowden năm 2013 đã dẫn đến một cuộc tranh cãi lớn về an ninh và quyền riêng tư của người dân châu Âu. Thỏa thuận dữ liệu Privacy Shield và Safe Harbor sụp đổ. Quan hệ giữa Mỹ và EU cũng xuống cấp nghiêm trọng.

Sau bản tin hôm 30/5 của truyền thông Đan Mạch, Edward Snowden đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden "dính dáng đến vụ bê bối nghe lén này ngay từ đầu".

Be boi gian diep cua My anh 3

Edward Snowden trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến năm 2016. Ảnh: Reuters.

"Chúng ta cần có một yêu cầu rõ ràng về việc phải tiết lộ công khai đầy đủ, không chỉ từ Đan Mạch, mà cả từ đối tác cấp cao của họ. Ông Biden nên chuẩn bị tốt câu trả lời khi đến thăm châu Âu", Edward Snowden viết trên Twitter.

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết nước này "đang liên lạc với tất cả các cơ quan quốc gia và quốc tế có liên quan để làm rõ vấn đề này". Ông từ chối bình luận về các vấn đề tình báo.

“Thủ tướng đã biết về cuộc điều tra hiện tại thông qua các nhà báo”, ông cho biết.

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định bà Margrethe Vestager, Giám đốc kỹ thuật số của châu Âu, không giám sát các vấn đề tình báo trong giai đoạn đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Đan Mạch. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết liệu bà có nhận thức được các hoạt động gián điệp được nêu trong báo cáo hay không.

Gián điệp là "chuyện thường"

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan tình báo châu Âu bị phát hiện do thám lẫn nhau.

Các hồ sơ được Snowden công bố cho thấy các cơ quan tình báo của Vương quốc Anh cũng có các hoạt động gián điệp tương tự. Sở Chỉ huy thông tin của chính phủ Anh (GCHQ) đã xâm nhập vào hệ thống công ty viễn thông nhà nước Belgacom của Bỉ vào năm 2013.

Vào năm 2018, các nhà điều tra Bỉ kết luận người Anh đứng sau vụ tấn công.

Mặc dù có bằng chứng cho thấy các quốc gia đồng minh do thám lẫn nhau, nhưng không có luật pháp quốc tế nào trừng phạt hoạt động gián điệp phục vụ mục đích tình báo.

Be boi gian diep cua My anh 4

Một bức tranh graffiti mỉa mai hành động gián điệp gần trụ sở GCHQ tại Anh. Ảnh: Reuters.

“Do thám chính trị không bị cấm bởi luật pháp quốc tế. Thực tế nó không thú vị và không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Tuy nhiên, nó không gặp phải vấn đề gì khi được xem xét dựa trên luật pháp quốc tế”, Bart Groothuis, một nghị sĩ Hà Lan thuộc Nghị viện châu Âu, cho biết. Ông Groothuis phụ trách việc đệ trình dự luật an ninh mạng mới lên Nghị viện châu Âu.

Theo ông Groothuis, mặc dù không phạm pháp nhưng hành động do thám là một “quả bom” làm suy yếu sự hợp tác giữa các quốc gia châu Âu. Ông nhấn mạnh các nước đối tác bên trong EU không nên theo dõi nhau và ông ủng hộ đưa điều này vào luật tình báo.

Ngăn chặn hành động do thám của Mỹ

Vụ bê bối xảy ra vào thời điểm Liên minh châu Âu đang xem xét vấn đề chia sẻ dữ liệu với nước Mỹ.

Ủy ban châu Âu đang đàm phán một thỏa thuận mới cho phép các công ty chuyển dữ liệu của EU sang Mỹ nhưng vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật.

EU cố gắng gây áp lực lên Mỹ để xem xét lại luật tình báo trong nước. Đây là công cụ chính trong hoạt động giám sát và gián điệp của Washington. Không rõ liệu Mỹ sẽ làm gì để giải quyết các mối quan tâm của phía châu Âu.

Ủy ban châu Âu cho biết các cuộc thảo luận về thỏa thuận chuyển dữ liệu “rất quan trọng”. EU đã tăng cường các cuộc đàm phán với các đối tác phía Mỹ.

EU cũng đang sửa đổi các quy tắc nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin của các chính phủ và các dịch vụ công cộng cần thiết khỏi các cuộc tấn công mạng.

Dự luật mới được đưa ra nhằm chống lại các nhóm hacker được hậu thuẫn bởi Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông một lần nữa đã cho thấy Mỹ cũng cố gắng nhòm ngó vào trung tâm chính trị EU.

“Đây là bài học cho các chính trị gia”, ông Groothuis nói. “Cách tốt nhất để bảo vệ quyền riêng tư là sử dụng các công cụ mã hóa và bảo mật phần cứng thích hợp”.

Tình báo Mỹ tái khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất

Báo cáo mới công bố của tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục các hoạt động gián điệp, tấn công mạng và tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.

Bệnh lạ bí ẩn bủa vây nhân viên ngoại giao Mỹ

Điều này thúc giục chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện các cuộc điều tra quyết liệt hơn khi hàng loạt gián điệp, nhà ngoại giao, binh lính gặp bệnh liên quan đến não.

Tuấn Đạt

Theo Politico

Bạn có thể quan tâm