Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Biden gấp rút đảo ngược di sản của ông Trump

Di sản của ông Trump, phần nhiều được tạo nên từ các sắc lệnh tổng thống, đã nhanh chóng đổ vỡ khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

"Chúng tôi đã cùng nhau hoàn thành rất nhiều điều. Chúng tôi không phải là một chính quyền bình thường", ông Trump nói trong bài phát biểu cuối cùng dưới cương vị tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 vừa qua.

Ông Trump, cũng như nhiều tổng thống khác, mong muốn di sản và chính sách của mình có thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, nhiều thành tựu của ông đã nhanh chóng bị đảo ngược khi người kế vị Joe Biden nhậm chức.

Một di sản kém bền vững

Trong vòng 48 giờ đầu tiên nắm quyền, ông Biden đã đưa ra 30 sắc lệnh hành pháp, trong đó 14 sắc lệnh nhằm thay đổi hoặc đảo ngược các sắc lệnh đầy tranh cãi của người tiền nhiệm.

"Tôi không nghĩ có thể đảo ngược các chính sách của ông Trump trong một buổi chiều. Phải tốn ít nhất 10 ngày để làm điều đó", John Podesta, cựu cố vấn của Tổng thống Obama, cho biết.

Di san khong ben vung cua ong Trump anh 1

Rất nhiều di sản của chính quyền Trump có thể bị đảo ngược ngay trong tuần đầu tiên ông Biden nắm quyền. Ảnh: AP.

Theo ông Podesta, ông Trump dường như "tin rằng quyền hạn của tổng thống khiến ông trở nên toàn năng". Tuy nhiên, ông Trump sẽ nhận ra điều đó "chỉ đúng cho một vài chính sách như cắt giảm thuế và đối ngoại, và số còn lại sẽ khó tồn tại lâu dài", ông Podesta cho biết thêm.

Một cựu cố vấn giấu tên của ông Trump đồng ý với quan điểm trên. Theo người này, "rất ít những điều ông Trump làm có thể tồn tại lâu dài, và với tốc độ hiện tại, ông Biden có thể đảo ngược phần lớn di sản của ông Trump trước ngày thứ hai tuần tới".

Theo CNN, Tổng thống Biden sẽ chạy nước rút trong 100 ngày đầu tại nhiệm để đảo ngược 4 năm di sản của ông Trump.

Thông qua các sắc lệnh vừa mới ký, ông Biden đã đảo ngược hàng loạt chính sách của ông Trump, bao gồm việc tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris, bãi bỏ lệnh cấm nhập cảnh từ một số nước Hồi giáo, ngừng xây bức tường biên giới và bãi bỏ dự án đường ống Keystone XL.

Vì sao di sản của ông Trump dễ đổ vỡ?

Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông Trump đã ký tới 220 sắc lệnh tổng thống - chỉ ít hơn chút ít so với số sắc lệnh được người tiền nhiệm Obama ký trong 8 năm.

Sắc lệnh tổng thống, hay sắc lệnh hành pháp, là văn bản luật do tổng thống ban hành mà không cần sự thông qua của lưỡng viện quốc hội. Vì thế, chúng có thể tạo ra thay đổi dễ dàng hơn, song lại khó tồn tại lâu dài hơn việc tạo ra luật, vốn cần quốc hội phê chuẩn.

Điều này có thể được minh chứng rõ nét nhất thông qua Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền, hay còn được biết đến phổ biến với tên gọi Obamacare.

Di san khong ben vung cua ong Trump anh 2

Ông Obama ký ban hành Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) vào năm 2010. Ảnh: AP.

Chính quyền Obama đã rất vất vả mới có thể thông qua đạo luật trên vào năm 2010. Với sự thông qua của quốc hội, Obamacare vẫn tồn tại cho đến ngày nay, mặc cho nhiều nỗ lực của ông Trump nhằm xóa bỏ nó.

Song, có lẽ, ông Trump đã không học hỏi từ người tiền nhiệm của mình.

Trong hai năm đầu cầm quyền, ông Trump có nhiều thuận lợi khi đảng Cộng hòa nắm đa số ở cả hai viện tại quốc hội. Tuy nhiên, thay vì cố gắng tạo ra sự đồng thuận từ đó đưa ra những chính sách có thể tồn tại lâu dài, ông đã quyết định sẽ hành động đơn phương thông qua việc ký các sắc lệnh tổng thống.

Di san khong ben vung cua ong Trump anh 3

Trong hai năm đầu nhậm chức, ông Trump đã ký 92 sắc lệnh tổng thống. Ảnh: New York Times.

Trong khoảng thời gian 2 năm đó, ông Trump đã ban hành 92 trong tổng số 220 sắc lệnh mà ông ký trong toàn bộ nhiệm kỳ của mình.

Nhiều di sản gây tranh cãi của ông, như việc xây dựng bức tường biên giới hay cấm nhập cảnh từ các nước Hồi giáo, được tạo ra thông qua những sắc lệnh. Chúng cũng không được sự đồng thuận của quốc hội, vậy nên những di sản trên đã nhanh chóng biến mất một khi ông không còn nắm quyền.

Bài học cho chính quyền Biden

Việc liệu ông Biden có lệ thuộc vào sắc lệnh tổng thống như ông Trump hay không còn là một câu hỏi lớn.

Tuy nhiên, một số thành viên thân cận với ông đã sử dụng một nghiên cứu năm 2001 của Thẩm phán tối cao Elena Kagan, trong đó nhấn mạnh sắc lệnh tổng thống là một công cụ để quản lý thay vì tạo ra các di sản lâu dài.

Di san khong ben vung cua ong Trump anh 4

Ông Biden ký một sắc lệnh hành pháp. Ảnh: New York Times.

Hai quan chức khác trong chính quyền Biden cho biết việc sử dụng sắc lệnh của ông không nhằm mở rộng quyền hành pháp, mà là nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và thay đổi các chính sách của ông Trump.

Họ cũng cho biết việc sử dụng sắc lệnh hành pháp sẽ giảm dần một khi quốc hội được ổn định và vào guồng làm việc.

Điều đó cũng phần nào được chứng minh thông qua lịch sử chính trị của ông Biden, khi ông giành 36 năm làm việc tại quốc hội với cương vị thượng nghị sĩ và 8 năm với vai trò phó tổng thống kiêm chủ tịch thượng viện.

Giới chuyên gia dự đoán rằng chính sự quen thuộc và những mối quan hệ của ông Biden tại quốc hội, cùng với việc đảng Dân chủ giờ đây đang nắm đa số tại cả Hạ viện và Thượng viện, sẽ giúp cho những chính sách của ông được thông qua, và trái với người tiền nhiệm, chúng sẽ để lại di sản lâu dài.

Chặng đường đến Nhà Trắng đầy thăng trầm của ông Biden Cuộc đời thăng trầm của tổng thống đắc cử Joe Biden cho thấy sự nỗ lực bền bỉ và ý chí của ông, từ những ngày một mình nuôi con cho tới khi đối mặt với thách thức trong sự nghiệp.

Phe Cộng hòa sẽ giúp ông Trump?

Ngày càng có nhiều đảng viên Cộng hòa bày tỏ sự tin tưởng rằng đảng này sẽ giúp cựu Tổng thống Donald Trump được tha bổng trong phiên tòa xét xử tại Thượng viện sắp tới.

Di sản khó lường nhất của Tổng thống Trump

Dưới thời ông Trump, nợ liên bang tăng 7.800 tỷ USD và đạt mức cao kỷ lục lên tới gần 28.000 tỷ USD. Đây là mức cao nhất kể từ Thế chiến II và cao hơn cả GDP của Mỹ.

Quốc Tuệ

Bạn có thể quan tâm