Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng Thanh tra Chính phủ gợi ý cách phòng chống tham nhũng

Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng công tác phòng chống tham nhũng cần đi sâu vào biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc quản lý chặt kê khai tài sản

Tổng Thanh tra Chính phủ nói về quản lý kê khai tài sản của cán bộ Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng quản lý chặt kê khai tài sản sẽ phòng ngừa hiệu quả tham nhũng

Phát biểu tại tổ góp ý Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vào chiều 11/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng tham nhũng hiện rất phức tạp, người tham nhũng là những công chức, viên chức có trình độ, có hiểu biết, có ý đồ giấu giếm thì việc phát hiện rất khó khăn.

Cần chuyển đổi vị trí công tác cán bộ

Theo quan điểm của ông Khái, việc phòng tham nhũng là chính và thiết kế làm sao có khuôn khổ pháp lý để làm sao người có ý đồ muốn tham nhũng không thể tham nhũng. Không nên để xảy ra rồi mới phát hiện, xử lý cũng hết sức đau lòng. "Như vậy, mình vừa mất cán bộ, tù tội. Rơi vào cảnh đó buộc chúng ta phải làm thôi, thực ra về nhân văn thì không muốn", ông Khái nói.

Theo phân tích của Tổng Thanh tra, nội dung trình và thẩm tra dự án luật rất quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa. Ông cho rằng biện pháp phòng ngừa có nhiều và mong muốn các đại biểu quan tâm đến cái này để thảo luận, phân tích rất kỹ để thiết lập khuôn khổ pháp lý nhằm phòng ngừa thật chặt, để muốn tham nhũng, thậm chí lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi thì không thể tham nhũng vì đã có cơ chế kiểm soát.

"Đầu tiên là thiết kế quy chế làm việc hết sức chặt chẽ, rồi có tiêu chuẩn định mức, công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác. Một vị trí công tác làm nhiều năm, làm lâu năm thì có mối quan hệ để phối hợp với nhau. Hay trong mối quan hệ xã hội thì cái nào được phép làm, cái nào không được tiếp xúc thì trong luật cũng nên quy định", người đứng đầu Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Kiem soat tai san de phong chong tham nhung anh 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại tổ. Ảnh: Thắng Quang.

Ông Khái cũng phân tích trong luật cũ đã quy định kê khai tài sản, đối tượng kê khai. Theo luật cũ, đối tượng kê khai gần 1,2 triệu người phải kê khai tài sản, nhưng kê khai rồi, kiểm tra thì đánh giá còn hình thức. Cơ quan nào có thẩm quyền đi kiểm tra sự trung thực việc kê khai tài sản đó thì cái đó rất quan trọng để phòng ngừa tham nhũng.

"Trong tờ trình, thẩm tra lần này, khi sửa phải tập trung trí tuệ tập thể, tính toán đối tượng để làm sao quản lý được và làm sao kê khai không trung thực thì buộc phải trung thực và phải báo cáo nguồn gốc rõ ràng. Nếu làm tốt thì vừa phòng ngừa, vừa ngăn chặn xử lý kịp thời", vị Tổng Thanh tra nói.

Kiểm soát đường đi của đồng tiền

Đồng quan điểm trên, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng dự thảo luật có mấy điểm "chốt" và phải nhấn mạnh được yếu tố "phòng".

Tướng Vương cho rằng đây là một luật hết sức quan trọng, phải thiết kế sao cho xứng với cái tên của luật và cần nhấn mạnh việc phòng rồi mới chống, còn khi có tham nhũng xảy ra thì trách nhiệm điều tra, xử lý đã thuộc cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra.

Kiem soat tai san de phong chong tham nhung anh 2
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Bảo Lâm.

“Hãy suy nghĩ về vấn đề phòng.Thứ nhất, thế nào là tham nhũng, thì luật đã nêu 12 hành vi, gần như cơ bản đã được đưa vào Bộ luật Hình sự, như các hành vi: tham ô, hối lộ, môi giới hối lộ, lạm dụng chức vụ...

Vấn đề thứ hai là xác định được đối tượng, thông thường từ trước nay chúng ta đều xác định là người có chức vụ, có quyền hạn, tức là có điều kiện để tham nhũng", ông Vương phân tích.

Tuy nhiên theo vị lãnh đạo này, vừa qua kiểm tra, một số địa phương thì ngay cả nhân viên kế toán của trường cũng thông đồng với hiệu trưởng làm sai lệch để rút tiền, quyết toán khống. Vị thứ trưởng cho biết: "Trong quản lý kinh tế thì giữa ông trưởng và ông kế toán gắn bó với nhau. Nếu không có kế toán thì không thể lấy tiền ra. Do đó, quy định đối tượng thế nào thì phải rất cân nhắc".

Ngoài ra, thứ trưởng Lê Quý Vương cũng đề nghị cần quản lý chặt chẽ việc kê khai, kiểm soát thu nhập. "Đã kê khai rồi nhưng kiểm soát thế nào? Phải kiểm soát đường đi của đồng tiền. Tất cả các nhân viên nhà nước phải thực hiện trả lương qua tài khoản, giao dịch qua tài khoản", tướng Vương nói.

'Cần xác minh tài sản của ông Phạm Sỹ Quý có bất hợp pháp hay không?'

Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, cần xác minh nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý có bất hợp pháp hay không, lúc đó mới có cơ sở xử lý hình sự.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm