Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tổng lãnh sự New Zealand tiết lộ với Việt Nam chiến lược tạo khác biệt

Tổng lãnh sự New Zealand cho biết Việt Nam là đối tác thương mại ngày càng quan trọng, đồng thời đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong chiến dịch “Made with Care” của nước này.

Made with Care anh 1

Chia sẻ với Zing News, Tổng lãnh sự Joseph Nelson cho biết New Zealand là quốc gia nhỏ với khoảng 5 triệu dân, vì vậy “thương mại rất quan trọng, chúng tôi cần giao thương với phần còn lại của thế giới”. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại quan trọng ở thời điểm hiện tại, mà còn trong tương lai”.

Trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, New Zealand đã triển khai chiến dịch “Made with Care”, mang đến những sản phẩm an toàn, ngon, bổ dưỡng, chất lượng và đúng chuẩn mực đạo đức kinh doanh cho người dùng Việt.

Qua chiến dịch này, “chúng tôi muốn kể câu chuyện của mình để thương hiệu New Zealand được định hình rõ nét với người tiêu dùng Việt. Từ đó, chúng tôi muốn chia sẻ thông điệp mua một loại thực phẩm hay đồ uống của New Zealand không chỉ tốt cho bạn mà còn tốt cho cả thế giới”, ông nói.

Đối tác quan trọng trong hiện tại và tương lai

- Ông đánh giá thế nào về những tiến triển trong thương mại song phương Việt Nam - New Zealand cho đến nay?

- Chúng tôi không những coi Việt Nam là đối tác thương mại rất quan trọng ở thời điểm hiện tại, mà còn trong tương lai. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand, với giá trị thương mại song phương đạt khoảng 1,46 tỷ USD/năm.

Chính phủ Việt Nam và New Zealand đặt mục tiêu dài hạn là đưa thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2024. Cả hai bên đều đang có nhiều tiến triển trong việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng này.

Bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chúng tôi có hai hiệp định thương mại tự do khác với Việt Nam. Tuy nhiên, CPTPP là hiệp định quan trọng khi chuẩn hóa nhiều điều khoản thương mại giữa hai nước. Tôi nghĩ ba hiệp định thương mại tự do mà chúng tôi có với Việt Nam đều thể hiện thiện chí trao đổi thương mại giữa hai nước.

Made with Care anh 2

Tổng lãnh sự New Zealand Joseph Nelson trong buổi trò chuyện với Zing News chiều 17/11.

- Nhìn lại những gì đã đạt được đến nay, đâu là thành tựu nổi bật nhất? Chính phủ New Zealand có kế hoạch nào để tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế, cũng như quan hệ đối tác với Việt Nam trong thời gian tới hay không?

- Vào tháng 7/2020, Thủ tướng Jacinda Ardern và Thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược. Điều này thiết lập cam kết tăng cường liên kết song phương, tập trung vào thương mại, nông nghiệp, giáo dục, phát triển và hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chúng tôi tự hào khi Thủ tướng New Zealand có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong tuần này. Điều đó một lần nữa thể hiện mong muốn của New Zealand trong việc thúc đẩy mối quan hệ thương mại với Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu Damien O'Connor cũng có mặt. Việc hai chính khách cấp cao của New Zealand đến thăm Việt Nam thể hiện mong muốn của chúng tôi trong việc củng cố mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

- New Zealand và Việt Nam quyết tâm đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD vào năm 2024. Theo ông, Việt Nam và New Zealand có thể hợp tác như thế nào để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước?

- Cán cân thương mại giữa Việt Nam và New Zealand rất tốt. Trong khi New Zealand nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm nội thất, đồ điện tử, sản phẩm giày dép và may mặc, Việt Nam lại có nhu cầu cao đối với thực phẩm và đồ uống, gỗ và các sản phẩm từ sữa.

New Zealand rất mạnh về đổi mới sáng tạo và có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao.

Tổng lãnh sự New Zealand Joseph Nelson

Mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD của hai nước là đầy tham vọng. Chúng ta cần đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch bởi kim ngạch hiện tại chỉ ở mức dưới 1,5 tỷ USD. Những lĩnh vực chúng tôi nhìn thấy các cơ hội rõ ràng bao gồm nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, đổi mới và giáo dục.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai nước về nông nghiệp. Trong đoàn doanh nghiệp thăm Việt Nam lần này có một đại diện của New Zealand là Plant and Food Research - Viện Nghiên cứu khoa học thuộc sở hữu của Chính phủ. Họ tin rằng khoa học có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn. Thông qua nguồn viện trợ của Chính phủ New Zealand, chúng tôi đã đầu tư vào những ý tưởng sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp.

Tuần này, chúng tôi nhấn mạnh sự tiến triển của dự án thanh long - một dự án tuyệt vời khi chúng tôi chứng kiến sự phát triển của các giống thanh long mới. Dự án này có cùng khái niệm mà chúng tôi đã áp dụng đối với trái kiwi New Zealand. Chúng tôi thực sự muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành nông nghiệp sáng tạo của riêng mình.

Hôm 15/11, tôi đã thử 3 loại thanh long khác nhau, chúng đều rất ngon và một trong số đó có màu đỏ tuyệt vời. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những trái cây nhiệt đới tuyệt vời khác như chanh dây. New Zealand rất mạnh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyên môn để có thể chia sẻ với Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ vào việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Vai trò dẫn đầu của New Zealand

- Ông đánh giá Việt Nam có thế mạnh gì trong mảng thực phẩm và đồ uống (F&B) để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp New Zealand đầu tư?

- Hiện nay, thị trường F&B Việt Nam rất phát triển và còn nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu New Zealand. Người tiêu dùng Việt ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm trong lĩnh vực F&B.

Chúng tôi dự đoán vào năm 2023, lĩnh vực F&B tại Việt Nam sẽ cán mốc 66 tỷ USD. Đây là thị trường rất hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu F&B New Zealand. Bên cạnh đó, Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Họ quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, điều mà những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng của New Zealand có thể đáp ứng được.

Việt Nam và New Zealand có sự khác biệt về khí hậu và thời tiết. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, thích hợp trồng các loại cây nhiệt đới. Trong khi đó, khí hậu ở New Zealand phù hợp với các loại quả như táo, kiwi để xuất khẩu. Mặt khác, New Zealand cũng mong muốn nhập khẩu các loại quả như cam, quýt và sắp tới là thanh long từ Việt Nam.

- New Zealand có thể làm gì để giúp Việt Nam tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực F&B?

- New Zealand muốn thiết lập các mô hình hợp tác mẫu với Việt Nam, chẳng hạn thiết lập quan hệ đối tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó chia sẻ giải pháp về công nghệ nông nghiệp. Nhìn chung, chúng tôi có vị thế rất tốt để hỗ trợ Việt Nam phát triển trong lĩnh vực F&B.

Made with Care anh 3

Tổng lãnh sự New Zealand cho biết nước này có thể chia sẻ nhiều giải pháp công nghệ nông nghiệp.

- Lĩnh vực F&B đang phát triển mạnh tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều công ty lớn. Theo ông, yếu tố nào giúp doanh nghiệp New Zealand cạnh tranh thành công trên thị trường?

- Trong khoảng hai năm vừa qua, chúng tôi đã thực hiện chiến dịch “Made with Care” nhằm thúc đẩy các nhãn hàng, thương hiệu trọng tâm của New Zealand, trong đó tập trung vào các sản phẩm F&B an toàn, ngon và được sản xuất theo đúng chuẩn mực đạo đức kinh doanh thực phẩm.

Chúng tôi biết người tiêu dùng Việt Nam rất quan tâm đến những sản phẩm như vậy. Các nhà sản xuất F&B của chúng tôi cũng theo đuổi hướng sản xuất này. Chúng tôi luôn có sự gắn kết với tài nguyên đất đai, nước và sử dụng chúng với sự trân trọng. Tôi tin rằng khi nhắc đến New Zealand, người Việt sẽ nhớ đến thiên nhiên và điều kiện sống tốt. Chính điều kiện tự nhiên này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất F&B New Zealand.

Điểm đặc biệt của các doanh nghiệp F&B của chúng tôi là sự kết nối độc đáo với thiên nhiên, đất và nước. Theo văn hóa Maori (văn hóa của người dân bản địa ở New Zealand), sự kết nối này xuất phát từ nguyên tắc “Nếu thiên nhiên tươi đẹp, con người cũng sẽ khỏe mạnh”.

Kể chuyện qua từng sản phẩm "Made with Care”

- Có câu chuyện đặc biệt nào phía sau khẩu hiệu “Made with Care” mà New Zealand lựa chọn không?

- Trước khi đưa ra khẩu hiệu chiến dịch “Made with Care”, chúng tôi thực hiện khá nhiều nghiên cứu dựa trên điều gì làm nên nét độc đáo của New Zealand và khiến chúng tôi khác biệt.

Với “Made with Care”, chúng tôi muốn kể câu chuyện về thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe được tạo ra từ môi trường tuyệt vời này và được sản xuất có đạo đức. Điều đó có nghĩa việc mua một loại thực phẩm hay đồ uống của New Zealand không chỉ tốt cho bạn mà còn tốt cho cả thế giới.

Made with Care anh 4

Chiến dịch “Made with Care” giúp người dùng Việt hiểu những gì New Zealand đang theo đuổi.

- Vì sao New Zealand lựa chọn Việt Nam là thị trường triển khai chiến dịch?

- Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng thứ 15 của New Zealand, và trong tương lai sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng, đặc biệt với các nhà xuất khẩu thực phẩm và đồ uống.

Chẳng hạn trong lĩnh vực F&B, Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu táo lớn thứ hai của New Zealand. Nhu cầu tiêu thụ hoa quả tươi như kiwi, táo, việt quất, anh đào, cũng ngày càng tăng. Chúng tôi tin rằng người Việt thực sự yêu thích các sản phẩm của New Zealand. Vì vậy, chúng tôi muốn kể câu chuyện của mình để thương hiệu New Zealand được định hình rõ nét với người tiêu dùng Việt.

Made with Care anh 5

Ngài Tổng lãnh sự có niềm tin rằng người Việt thực sự yêu thích các sản phẩm của New Zealand.

Bên cạnh đó, người Việt rất thích sử dụng sản phẩm của chúng tôi, chẳng hạn mua một hộp anh đào, táo New Zealand hay kiwi để làm quà tặng. Điều đó tạo ra một thông điệp đáng mến: Món quà này được làm bằng sự tận tâm (Made with Care) và tôi thực sự quan tâm đến bạn.

- Chiến dịch “Made with Care” tại Việt Nam tập trung vào các sản phẩm tiêu biểu như rượu vang, trái cây và thịt cừu. Trong tương lai, những sản phẩm nào “Made with Care” muốn giới thiệu đến khách hàng Việt?

- Trong chương trình này, hiện tại chúng tôi giới thiệu rất nhiều sản phẩm trái cây của New Zealand như táo, kiwi... thông qua 6 nhà bán lẻ lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đối mặt với một số hạn chế. Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán, thương thảo với Chính phủ Việt Nam để có thể xuất sang thị trường này những sản phẩm mới và là thế mạnh như bí ngô, các loại bí, dâu tây, mật ong manuka...

- Đến hiện tại, các sản phẩm nào của “Made with Care” đã thuyết phục và thu hút khách hàng mới dùng thử?

- Có rất nhiều sản phẩm đại diện cho chiến dịch “Made with Care”. Tôi có thể kể đến Công ty T&G xuất khẩu táo Envy, Bostock xuất khẩu táo Dazzle, Zespri xuất khẩu quả kiwi hay các sản phẩm sữa từ Fonterra. Những công ty này đang làm việc chăm chỉ để hướng tới sự phát triển bền vững, nên họ là ví dụ tiêu biểu cho chiến dịch “Made with Care” của New Zealand.

Made with Care anh 6

Thủ tướng New Zealand và Phái đoàn Doanh nghiệp New Zealand trong chuyến thăm Việt Nam 14-17/11.

- Theo ông, chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand tới Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển bền vững ra sao?

- Tôi rất vui khi chứng kiến sự kết nối giữa doanh nghiệp New Zealand và Việt Nam trong chuyến thăm này. Doanh nghiệp hai nước có rất nhiều điểm tương đồng, chung niềm khát khao trong ước muốn chia sẻ kinh nghiệm, thông tin hợp tác.

Bản thân Thủ tướng New Zealand cũng có những cam kết mạnh mẽ về vấn đề phát triển bền vững và quan tâm, chăm sóc con người. Những giá trị này tương đồng với giá trị của Việt Nam.

Trong những sự kiện mà Thủ tướng tham dự tại Việt Nam, bà đã có những lời phát biểu từ tận đáy lòng. Những lời này chắc hẳn đã có tác động nhất định đối với người Việt Nam.

Phương Ngọc Hải Vân - Quỳnh Danh

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm