Tại cuộc tọa đàm "Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới", Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về con đường ra nước ngoài của doanh nghiệp này, cùng với đó là một số triết lý thú vị về cách người Việt Nam ra nước ngoài và thành công.
"Đối với chúng tôi, những gì được xem là dở tệ nhất của người Việt Nam khi ra nước ngoài lại chính là thế mạnh. Nghèo là thứ khiến chúng ta tự ti nhất từ trước đến nay, nhưng chúng tôi coi nghèo cũng chính là một thế mạnh. Viettel thành công ở nước ngoài chính vì nghèo", ông Hùng mở đầu câu chuyện.
Tổng giám đốc Viettel cho biết đối thủ cạnh tranh của hãng viễn thông này ở các thị trường quốc tế đều đến từ các cường quốc như Anh, Mỹ, Pháp, Na Uy... Viettel nghèo nhất về mọi phương diện: sinh ra ở một nước nghèo, vốn ít, nhưng theo ông Hùng, nghèo chính là sức mạnh vì từ đó họ có khát khao lớn hơn. Ngoài ra, vì nghèo nên khi làm bất cứ việc gì, họ cũng cố gắng bỏ ra chi phí thấp nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng tin rằng những gì nhiều người vẫn thường chê người Việt Nam lại chính là thế mạnh khi xuất ngoại. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Không có kỷ luật cũng là một điểm yếu khác của người Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó yếu tố linh hoạt được đẩy lên cao tối đa", ông Hùng cho hay.
Ông so sánh một công ty Mỹ nếu muốn xâm nhập thị trường như Haiti sẽ phải mất một năm để làm quen từ văn hóa, ngôn ngữ, cách ăn uống, sinh hoạt, trong khi người Việt Nam sang những thị trường này xây dựng bộ máy từ bàn tay trắng. "Tôi đem máy bay thả hắn xuống. Hắn phải tự lo mọi vấn đề dù không biết tiếng. 6 tháng sau quay lại, tôi bất ngờ thấy hắn chỉ huy 100 người bản địa, nói tiếng bản địa", ông Hùng kể câu chuyện về một nhân viên của mình và khẳng định đó chính là sức mạnh của người Việt Nam.
"Trong trường hợp này, những người 'pro' nhất cũng không làm được. 'Pro' chỉ tốt khi nằm trong một tổ chức ổn định, còn mình là tổ chức khởi tạo. Thế giới biến động nhanh tới mức không thể lường trước, linh hoạt chính là điểm mạnh của người Việt Nam.
Chúng ta hay tự ti nghèo, ít học nhưng nhìn ở góc độ nào đó, đây chính là thế mạnh. Thế giới hiện đảo chiều, những gì đi ngược với quy luật mới có cơ hội tạo khác biệt. Khi có học, chúng ta thường che giấu và chỉ thể hiện những cái đẹp đẽ. Đôi khi không biết gì lại có lợi vì chúng ta chẳng e ngại gì cả".
Thế giới đảo chiều, những gì đi ngược với quy luật mới có cơ hội tạo khác biệt.
Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel
Ông Hùng cũng nhấn mạnh một thế mạnh khác của người Việt Nam là cá thể hóa. Việt Nam có 40.000 thôn khác nhau về phong tục. Không có đất nước nào đa dạng như Việt Nam. "Đã đến thời nhanh nhẹn, linh hoạt, cá thể hóa lên ngôi. Nếu tận dụng tốt, chúng ta chẳng thua kém gì nước Mỹ", CEO Viettel tự tin khẳng định.
Theo ông Hùng, việc doanh nghiệp Việt Nam tìm đường ra nước ngoài không khác gì việc tự đẩy mình vào chỗ chết để tìm đường sống: "Bản chất của người Việt Nam là nước đến chân mới nhảy và khi nước đến chân, người Việt Nam có thể nhảy kinh hoàng, không ai có thể bứt phá như thế".
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra nước ngoài, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp không nên đóng khuôn một công thức thành công nào cả, cũng đừng quá chú trọng đến vấn đề kỹ thuật hay công nghệ.
"Điểm mấu chốt là xác định nhu cầu và giải quyết nhu cầu. Chỉ cần một sản phẩm nhỏ nào đấy nhưng xuất sắc, chúng ta hoàn toàn có thể đi ra thế giới. Xuất sắc nghe thì kinh khủng nhưng thực ra rất đơn giản, chỉ cần chúng ta phục vụ đúng khách hàng", ông Hùng chia sẻ.
Hãy làm cho mình thỏa mãn. Mình có nỗi đau và giải quyết được thì xã hội cũng sẽ có lợi.
Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel
Tổng giám đốc Viettel dẫn chứng bằng câu chuyện về một người bà con ở Yên Bái ngày xưa đã cho ông trọ học. Xuất phát từ mong muốn mỗi năm gửi lên biếu 1-2 triệu đồng nhân dịp lễ Tết, nhưng gặp trở ngại là để nhận được khoản tiền đó, người bà con của ông phải đi 200 km mới đến được ngân hàng gần nhất, Viettel đã nghĩ ra dịch vụ "chỉ cần bấm một cái là có người mang tiền đến tận nhà". "Cả thế giới chưa có ai làm được việc này", ông Hùng khẳng định.
Ông cũng nhắc đến sự ra đời của mạng xã hội Facebook, xuất phát từ một nhu cầu của Mark Zuckerberg. Ban đầu, Mark tạo ra một mạng xã hội cho bạn bè dùng chơi, sau đó lan rộng ra phạm vi trường rồi cuối cùng là toàn cầu.
"Đừng quá chú trọng việc nghiên cứu thị trường. Hãy làm cho mình thỏa mãn. Mình có nỗi đau và giải quyết được thì xã hội cũng sẽ có lợi", ông Hùng kết luận.