Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viettel có dám thay đổi trong thời Facebook, Zalo?

Đó là câu hỏi được Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra với nhân viên tập đoàn Viettel trong lễ kỷ niệm 10 năm tập đoàn này đầu tư ra nước ngoài.

Nhận thức rõ thay đổi là khó khăn, đặc biệt khi ở vị trí số một, tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn viễn thông Viettel nhiều lần nhắn nhủ về tinh thần mơ lớn, nghĩ khác, làm khác của của doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ giờ đây tập đoàn của ông phải đối mặt với cạnh tranh khác trước. "Cạnh tranh đã không còn là cạnh tranh trong nước mà còn là cạnh tranh quốc tế, không chỉ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống mà còn cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ mới như Facebook, Viber, Zalo", ông Hùng nói.

Doanh nghiệp hơn 50.000 người của ông có thể phải cạnh tranh với những doanh nghiệp 1 người có khát vọng, và đam mê. 

Chúng ta sẽ sợ hãi hay dũng cảm đối với thách thức, cạnh tranh, ông Hùng nêu câu hỏi.

Viettel 10 nam dau tu ra nuoc ngoai anh 1
Thủ tướng nhắn nhủ Viettel bảo vệ thương hiệu của mình như tài sản quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà.

Thay vì vai trò của một tập đoàn viễn thông, Viettel định vị mình trong giai đoạn 10 năm tới sẽ là một tập đoàn công nghệ viễn thông toàn cầu, trong đó doanh nghiệp sẽ đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao, bao gồm cả vũ khí chiến lược. Từ công ty dịch vụ, Viettel muốn trở thành một tập đoàn công nghệ.

Hãng này đặt mục tiêu 10 năm tới sẽ trong danh sách 20 tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất thế giới. 

"Viettel phải trở thành một tập đoàn công nghệ cao, sản xuất thiết bị viễn thông, sản xuất được vũ khí công nghệ cao, đủ sức răn đe và bảo vệ hoà bình lâu dài cho đất nước", ông Hùng nói.

Tập đoàn nêu tham vọng không chỉ cung cấp dịch vụ mà quan trọng hơn, bảo vệ an toàn và an ninh không gian mạng cho Việt Nam và các đối tác mà mình đầu tư. 

Nhắn nhủ với nhân viên, lãnh đạo tập đoàn Viettel nhắc lại hành trình 10 năm trước, khi nhóm đầu tiên của Viettel qua Campuchia với chỉ 6 người. Khi đó, Viettel chỉ là doanh nghiệp nhỏ, có 2 triệu thuê bao, đứng thứ 4 tại thị trường Việt Nam. Doanh thu và lợi nhuận bằng 1/30 so với hiện tại.

"Là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng Viettel đã có giấc mơ lớn: Ra nước ngoài để học hỏi, cạnh tranh, làm mình mạnh hơn, để mang câu chuyện doanh nghiệp Việt nước ngoài, và để bảo vệ đất nước từ xa", ông Hùng nói.

10 năm sau, tập đoàn này cho biết đã có 35 triệu thuê bao ở nước ngoài. Hãng đã xuất hiện tại 11 quốc gia với quy mô dân số gần 350 triệu dân, gấp 4 lần dân số Việt Nam, phục vụ 90 triệu khách hàng di động, Internet băng rộng, điện thoại cố định và không dây.

Viettel 10 nam dau tu ra nuoc ngoai anh 2
Không chỉ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống mà Viettel còn cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ mới. Ảnh: Hoàng Hà.

Doanh thu từ viễn thông nước ngoài của Viettel gần 1,5 tỷ USD. Con số lũy kế doanh thu đạt 6,5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm, cao gấp 10 lần tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông thế giới.

Đặt hàng của Thủ tướng

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự thành công của tập đoàn Viettel đã tạo cảm hứng để các doanh nghiệp Việt khác cùng tự tin đầu tư ra nước ngoài.

Thủ tướng cho rằng đây chính là một mẫu hình tăng trưởng mới của Việt Nam: Không thể dựa vào khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ mà phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao.

“Trong thời đại hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách mở rộng thị trường của mình, tham gia sâu vào thị trường quốc tế, phải học cách kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn quốc tế”, Thủ tướng nói.

Viettel 10 nam dau tu ra nuoc ngoai anh 3
Thủ tướng đặt hàng Viettel phải không chỉ cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt mà làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh hoạt của con người. Ảnh: Hoàng Hà.

Thủ tướng nhắn nhủ tập đoàn cần liên tục sáng tạo và khởi tạo những không gian phát triển mới, đặc biệt phải đóng vai trò trung tâm thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp, trước hết là ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

Nhắc lại việc trên thế giới có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt mà quan trọng hơn, họ đã làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh hoạt của con người, Thủ tướng đặt hàng Viettel làm được điều đó.

Ghi nhận thương hiệu Viettel là một tài sản quốc gia, người đứng đầu Chính phủ nhắn tập đoàn cần phải chú trọng công tác dự báo, phân tích và quản trị rủi ro để bảo vệ tốt tài sản ấy. Ông cũng hy vọng, trong 10 năm tới quy mô thị trường của Viettel sẽ tăng gấp 2-3 lần, vượt ngưỡng 1 tỷ người.

Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam xuất ngoại. Hiện nhiều tên tuổi CNTT, viễn thông trong nước đã có mặt ở các thị trường khác nhau. Việc "đem chuông đi đánh xứ người" của Viettel, Zalo cho thấy khát vọng vươn lên phát triển, để khẳng định Việt Nam không chỉ được nhắc đến như một thị trường mà các tập đoàn quốc tế đến chinh phục.



Hoàng An

Bạn có thể quan tâm