Tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) trả lời nhiều câu hỏi sau thông tin công ty không thông báo sự việc cho UBND Hà Nội, dẫn đến xảy ra sự cố nước nhiễm styren.
Ông Tốn giải thích việc không báo cáo Hà Nội là do hôm xảy ra sự việc ông đang ở Hòa Bình, sự việc cũng xảy ra tại đầu nguồn khu vực nhà máy ở Hòa Bình nên ông chỉ báo cáo cơ quan chức năng ở đây.
"Công ty đã gọi điện cho cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình ngay trong ngày phát hiện váng dầu nhưng đến sáng hôm sau họ mới xuống", ông Tốn nói.
Tiếp tục cấp nước vì đã tham khảo chuyên gia?
Về việc văn bản báo cáo ngày 10/10 trong khi công ty phát hiện sự việc ngày 9/10, ông Tốn nói do "toàn bộ nhân viên, kể cả văn thư và công nhân nhà máy đều lo vớt dầu nên sáng hôm sau chúng tôi mới có thể báo cáo sự việc".
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần nước sạch sông Đà trả lời báo chí về trách nhiệm của công ty trong sự việc nước sạch ở Hà Nội nhiễm hóa chất. Ảnh: Mỹ Hà. |
Theo ông, đến đêm 9/10, công ty đã cho xúc xả toàn bộ khu vực bể chứa và điểm xả (tổng cộng 10 km bao gồm khu vực suối Kun) nhưng đến hôm sau vẫn nghe phản ánh của người dân. Đến ngày 11/10, khi đoàn liên ngành lên kiểm tra nước ở khu vực đầu nguồn nhà máy thì thấy nước không có mùi, do đó công ty không thể dừng cấp nước và cũng "không biết báo cáo gì với Hà Nội".
"Khi nắm bắt sự việc, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Trong thâm tâm, 80% là tôi muốn dừng việc cấp nước lại vì chất lượng nước có thể có vấn đề. Nhà tôi cũng dùng nước này và tôi không bao giờ mang tính mạng của người dân ra đánh đổi. Công ty chúng tôi cũng là nạn nhân", ông Tốn nói.
20% quyết định tiếp tục cấp nước được ông giải thích là do tham khảo ý kiến chuyên gia. "Nhiều người phản biện tôi là tại sao phải dừng cấp nước trong khi nước không có vấn đề gì. Tôi cũng họp lại với tổng công ty và quyết định tiếp tục cấp nước cho người dân", lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà giải thích.
Ông Tốn biện giải thêm rằng trước đây nhiều lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ khiến người dân Hà Nội thiếu nước nghiêm trọng. Vì vậy, ông không đưa ra quyết định ngưng cấp nước là "có trách nhiệm với người dân".
Không biết xử lý sạch hóa chất styren như thế nào
Sau nhiều lần bị chủ tọa cuộc họp nhắc nhở về việc trả lời câu hỏi vòng vo, ông Tốn đưa ra lời xin lỗi với lý do "công ty không đáp ứng được các nhu cầu mà khách hàng cần".
Trả lời câu hỏi về việc xử lý hóa chất styren trong nước, ông Tốn cho biết không dám đưa ra lời khẳng định có xử lý được hay không vì đây là lần đầu tiên công ty đối mặt với sự việc này.
"Công ty đã phục vụ người dân thủ đô trong vòng 10 năm qua, chúng tôi không hề đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe người dân. Chúng tôi sẽ họp rút kinh nghiệm vì không xử lý được kịp thời phản ánh của khách hàng, để xảy ra sự việc như vậy", ông Tốn nói.
Trong khi đó, trả lời về trách nhiệm của Sở, ngành thành phố và việc xử lý trách nhiệm công ty, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra và sẽ có kết luận cụ thể trong thời gian tới.
Từ này 10/10, nhiều người dân ở các khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai… phản ánh nước sinh hoạt có mùi hóa chất nồng nặc, khó chịu. Đây là địa bàn người dân sử dụng nước sinh hoạt do Công ty CP Viwaco cung cấp. Nguồn nước sạch này được sản xuất tại Viwasupco, chuyển về TP qua hệ thống đường ống nước sạch sông Đà.
Một ngày sau, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác vận hành cung cấp nước trên địa bàn, đồng thời đi kiểm tra, lấy mẫu nước tại ba địa điểm: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất và tại Nhà máy nước sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình).
Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.