Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng cục Hải quan báo cáo về Asanzo

Tổng cục Hải quan cho biết đã xác định 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo, trong đó có nhiều doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động.

Trong thông cáo phát đi ngày 5/9, Tổng cục Hải quan cho biết ngày 27/8 đã tham mưu Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin về việc Asanzo có lừa dối khách hàng hay không.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm và kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp liên quan Asanzo không hoạt động

Về mối quan hệ giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo với các công ty có chữ “Asanzo”, Tổng cục Hải quan cho biết từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”.

ket luan vu asanzo anh 1
Nhiều doanh nghiệp liên quan đến Asanzo không hoạt động, hoặc thay đổi địa chỉ kinh doanh. Ảnh: Lê Quân.

Danh sách bao gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ cao Asanzo, Công ty Cổ phần truyền thông và giải trí Asanzo, Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Điện Tử Asanzo, Công ty Cổ phần Viễn thông Asanzo, (6) Công ty Cổ phần Đầu tư Asanzo, Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phương Nguyên Asanzo, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo.

Tổng cục Hải quan cũng đã tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế và xác minh tại UBND phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng về 58 công ty mua bán linh kiện, hàng hóa với Asanzo.

Theo đó, trong 58 doanh nghiệp có 14 công ty bỏ trốn. Có 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh. Số lượng công ty ngừng hoạt động là 7. Có một công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Còn lại 32 doanh nghiệp đang hoạt động.

Hải quan cho biết có tình trạng công ty treo biển nhưng không có hoạt động; địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật; một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên Cổng thông tin chưa cập nhật thông tin.

Có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ.

Asanzo trực tiếp nhập khẩu 171 triệu đồng

Tổng cục Hải quan cũng cung cấp thông tin về việc kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Theo đó, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Công ty làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu 171 triệu đồng.

Các mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp tivi, cáp tín hiệu, lo go bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu TV… Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.

ket luan vu asanzo anh 2
Asanzo làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu 171 triệu đồng. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Công ty không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh một tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hong Kong, Trung Quốc, số lượng 5 chiếc, trị giá 5,8 triệu đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) gửi Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia ngày 31/8, từ năm 2017 đến nay, Asanzo đã chi tổng cộng hơn 1.800 tỷ đồng để mua linh kiện sản xuất tivi, bếp hồng ngoại, ấm đun nước, bếp từ, máy lạnh…

Cụ thể, năm 2017, Asanzo đã nhập gần 3 triệu linh kiện, phụ tùng trị giá 552,8 tỷ đồngNăm 2018, Asanzo tiếp tục nhập linh kiện từ 16 công ty khác nhau, với tổng giá trị linh kiện là 1.075 tỷ đồng. Trong năm 2019, Asanzo đã nhập 1,022 triệu linh kiện với giá trị 235 tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Quản lý Thị trường, mỗi năm Asanzo đưa ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm chủ yếu là tivi, bếp từ, bếp hồng ngoại, ấm đun nước, điều hoà...  Theo xác minh của Tổng cục Quản lý Thị trường, tỷ lệ nguyên vật liệu chính chi phí giá thành sản xuất ở mức 95-99% tuỳ sản phẩm.

Khởi tố vụ án buôn lậu của Công ty Sa Huỳnh

Cũng trong thông cáo hôm nay, Tổng cục Hải quan cho biết đã đề nghị khởi tố vụ án buôn lậu đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh. Doanh nghiệp này liên quan đến Asanzo trong việc nhập khẩu hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.

Qua điều tra, xác minh, Tổng cục Hải quan đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án "buôn lậu" về việc Công ty Sa Huỳnh khai nhập khẩu hàng hóa là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh nhưng khi kiểm tra phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt.

Toàn bộ lò nướng trong container không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” đối với doanh nghiệp này.

Trước đó, theo phản ánh của báo chí, Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam bị nghi nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường. Vụ việc thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận.Trao đổi báo chí chiều 23/6, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam cho biết TV của Asanzo nhập khẩu từ Trung Quốc khung sườn, màn hình và bo mạch, chiếm 70% sản phẩm.

Với 30% còn lại, Asanzo chủ động thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV phù hợp với thị trường Việt Nam, bộ nguồn phù hợp với điện 220 V cũng như điện từ ắc-quy để có thể hoạt động trên ghe thuyền của các vùng sông nước và các phần phụ trợ.

Về hình ảnh công nhân trong nhà máy Asanzo lột con tem "Made in China", ông Tam khẳng định đó là con tem trên một bộ phận linh kiện, chứ không phải dán lên chiếc TV thành phẩm.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm