Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy định hàng 'made in Vietnam': Tỷ lệ nội địa hóa 30% có hợp lý?

Các chuyên gia cho rằng dự thảo thông tư quy định hàng "made in Vietnam" còn một số bất cập. Bên cạnh đó, quy định tỷ lệ nội địa hóa 30% cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Mới đây, Bộ Công Thương ban hành dự thảo thông tư quy định điều kiện hàng hóa được ghi nhãn mác sản xuất ở Việt Nam (made in Vietnam) với mong muốn loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về xuất xứ. Thông tư sẽ giải quyết vấn đề hàng hóa nhập nhèm xuất xứ xảy ra thời gian qua.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie, cho rằng về bản chất, dự thảo thông tư "made in Vietnam" không khác nhiều Nghị định 31/2018 hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Vị này đánh giá nếu áp dụng vào thực tiễn, thông tư mới vẫn sẽ bộc lộ những mặt hạn chế.

“Nếu không đáp ứng tiêu chí sản xuất ở Việt Nam thì ghi xuất xứ ở đâu?"

Luật sư Trần Ngọc Trung cho biết việc xác định xuất xứ không phải yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp và luật cũng cho phép có những tình huống xuất xứ không xác định. Tuy nhiên, với quy định về nhãn dán, doanh nghiệp buộc phải xác định nguồn gốc hàng hóa.

“Nếu đạt đủ tiêu chí về quy định xuất xứ của thông tư, hàng hóa sẽ được ghi "made in Vietnam’". Vậy khi không đáp ứng yêu cầu, hàng hóa sẽ ghi sản xuất ở đâu?”, luật sư Trung đặt câu hỏi.

Ông Trung khẳng định dự thảo thông tư của Bộ Công Thương chưa đề cập đến tình huống này, nên chưa giải quyết được câu chuyện đang tồn tại.

Du thao Made in Vietnam: Ty le noi dia hoa 30% co hop ly? anh 1
Tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm xuất xứ diễn ra rải rác trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Lấy ví dụ giả sử một doanh nghiệp nhập linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó chế biến, gia công đơn giản và gắn mác “made in Vietnam”. Ông Trung giả định doanh nghiệp này nhập linh kiện từ Nhật Bản về gắn nhãn “made in Japan” theo nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu, chắc chắn khách hàng Việt vẫn sẽ cảm thấy bị lừa dối.

Ngoài ra, luật sư Trần Ngọc Trung cho rằng việc doanh nghiệp phải dán nhãn hàng hóa trong khi chưa xác định được xuất xứ có thể dẫn đến xung đột giữa các quốc gia.

Cụ thể, ghi “made in” thể hiện thương hiệu của một quốc gia. Bản thân các nước làm chủ thương hiệu sẽ không đồng tình với việc nước nhập khẩu nguyên liệu rồi ghi xuất xứ hàng hóa tại nước họ.

“Thực tế, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng gặp phải vấn đề tương tự Việt Nam, chỉ khác là họ chi tiết hơn ở bước giải quyết những sản phẩm không đạt tiêu chí ghi "made in" ở nước họ. Như vậy, vừa đảm bảo tính minh bạch, vừa gỡ rối cho doanh nghiệp”, đại diện Công ty Luật Baker & McKenzie nói.

Tỷ lệ nội địa hóa 30% có là con số hợp lý?

Trong bản dự thảo thông tư Bộ Công Thương công bố, một hàng hóa được coi là có xuất xứ Việt Nam khi tỷ lệ nội địa hóa hay trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm ít nhất 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó và phải vượt qua khâu gia công đơn giản.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho rằng hàm lượng giá trị gia tăng 30% là tỷ lệ hợp lý và không mới. Con số này từng xuất hiện tại các nghị định và thông tư hướng dẫn xuất xứ hàng hóa không ưu đãi từ Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường mà Việt Nam chưa có FTA.

Du thao Made in Vietnam: Ty le noi dia hoa 30% co hop ly? anh 2
Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy chia sẻ một số doanh nghiệp kêu khó, cũng không ít doanh nghiệp có phản hồi tích cực về dự thảo Made in Vietnam. Ảnh: Báo Công Thương.

Bà Thùy cho biết trường hợp doanh nghiệp không đạt được tỷ lệ nội địa hóa là 30%, họ có thể sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa. Bà này cũng đánh giá đây là điểm ưu việt của dự thảo thông tư "made in Vietnam" mà Bộ Công Thương đưa ra.

“Doanh nghiệp có thể lựa chọn linh hoạt giữa sử dụng hàm lượng giá trị gia tăng là 30% hoặc tiêu chí chuyển đổi mã HS ở cấp độ 2 số, 4 số và 6 số”, bà Thùy nói.

Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng con số 30% hàm lượng giá trị gia tăng chưa thực sự hợp lý cho tất cả mặt hàng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thừa nhận đối với mặt hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thì hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30% không khó. Hiện tại, ngành hàng dệt may đạt 45-48% trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ Việt Nam so với giá trị xuất xưởng của hàng hóa.

Tuy nhiên, theo ông Trường, một số ngành sử dụng ít lao động nhưng chi phí nguyên vật liệu lớn, có thể vấn đề về hàm lượng giá trị gia tăng lại trở thành trở ngại cho doanh nghiệp.

Thực tế, tỷ lệ nội địa hóa 30% trong dự thảo thông tư Made in Vietnam thấp hơn nhiều so với quy định gắn nhãn “made in…” của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Italy, Pháp (100%) hay Thụy Sĩ (60%). Tại khu vực Đông Nam Á, hàng hóa đủ điều kiện ghi xuất xứ Thái Lan phải đạt tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 50%.

Bộ Công Thương ban hành dự thảo thông tư Made in Vietnam

Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo thông tư Made in Vietnam, quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam.



Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm