Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN. |
Quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo sớm điều tra, truy tố, xét xử nhiều đại án được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu kết luận cuộc họp ngày 18/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ; quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống.
Vừa xử nghiêm sai phạm, vừa thay thế cán bộ uy tín thấp
Tổng bí thư tiếp tục quán triệt chủ trương xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".
Kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất. Sắp tới cũng phải làm như vậy, kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, Tổng bí thư lưu ý phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống".
“Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, UBND tỉnh”, Tổng bí thư dẫn chứng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp ngày 18/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN. |
Giống như những phát biểu trước đó, Tổng bí thư tiếp tục khẳng định việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên.
Việc này chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
“Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm", Tổng bí thư nói.
Lãnh đạo Đảng khẳng định càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Tổng bí thư đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác.
Đẩy nhanh tiến độ vụ Vạn Thịnh Phát, AIC
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, Tổng bí thư cho rằng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự họp. Ảnh: TTXVN. |
Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Tổng bí thư nhận định các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn.
Những hành vi này không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà cả ở khu vực ngoài Nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các "nhóm lợi ích", không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty AIC.
Phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đã có 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (gồm: 5 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 2 chủ tịch, nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh; 4 nguyên phó bí thư thường trực tỉnh ủy; 20 sĩ quan cấp tướng).
Cũng tính từ đầu nhiệm kỳ, có 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý hình sự.
Về hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Tổng bí thư ghi nhận nhiều kết quả tích cực khi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý.
Nhiều địa phương đã khởi tố cả phó chủ tịch UBND tỉnh viên Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh...
“Điều này cho thấy tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’ đã giảm dần. Trên làm nghiêm dưới cũng phải nghiêm, không làm cũng không được”, Tổng bí thư nói.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.