Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm khu di tích Tân Trào

Sáng 29/8 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Trong không khí cả nước kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 29/8 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tổng bí thư đã đến thăm, thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945, chỉ đạo việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; tham quan đình Tân Trào, nơi Quốc dân đại hội đã họp ngày 18 và 19/8/1945, thông qua lệnh khởi nghĩa giành chính quyền và 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tại Đình Tân Trào, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Sau khi tham quan khu di tích, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi lưu bút tại đây: “Tôi rất vui mừng trở lại thăm khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào - nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ từng làm việc; nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của dân tộc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao và mãi mãi biết ơn những đóng góp to lớn, ân tình sâu nặng, son sắt của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đối với Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam”.

Những điều làm được và chưa làm được sau 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng tại hội thảo được tổ chức sáng 29/8 ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hội thảo do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Báo chí và tuyên truyền phối hợp thực hiện.

Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, ThS Nguyễn Thúy Đức (quyền giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) cho rằng bên cạnh việc đánh giá lại những giá trị của Di chúc thì việc thiết thực nhất chính là làm rõ việc “45 năm qua Đảng ta, nhân dân ta đã thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào, những thành quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại và những giải pháp để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện xuất sắc điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà và cử nhân Trần Thị Thái (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích: Trong tổng số 1.431 chữ trong Di chúc, Người đã dành 108 chữ để nói về Đảng.

Trong 5 nội dung chính của Di chúc, Người dành để nói về Đảng đầu tiên. Còn về việc riêng, về bản thân mình, Người chỉ viết vỏn vẹn 79 chữ, lại để ở nội dung cuối cùng. Điều đó cho thấy sự suy nghĩ tâm huyết, sự mong mỏi cháy bỏng của Người về sự nghiệp cách mạng của dân tộc, về việc làm thế nào để duy trì và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cân nhắc từng câu, từng chữ khi dặn dò lại: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, với cán bộ, đảng viên của Đảng, với vai trò là người lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc cũng chính là mong mỏi của toàn dân trong tình hình hiện nay khi mà sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề nhức nhối và ngày càng nghiêm trọng” - bản tham luận nêu rõ.

Cùng ngày, tối 29/8, Ban tuyên giáo Thành ủy và Đài truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và nhiều lãnh đạo TP đã đến tham dự chương trình.

Phát biểu tại chương trình, bà Thân Thị Thư, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy, nhấn mạnh: “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân TP cùng nhân dân cả nước đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực vượt qua khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực theo di huấn của Người. Bản di chúc của Người có sức sống trường tồn soi rọi trên mọi chặng đường lịch sử của dân tộc ta, các thế hệ sau quyết tâm mang ngọn cờ cách mạng của Bác đi đến cùng, phấn đấu hết sức mình để thực hiện lời dặn của Bác trước lúc đi xa”.

45 năm đã qua, những ký ức về thời khắc cuối cùng trước lúc Người đi xa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người đã chứng kiến. Qua các clip chia sẻ của những người từng sống trong những ký ức khó quên của mùa thu lịch sử cùng các tác phẩm nghệ thuật về Người được thể hiện trong chương trình mang lại sự sâu lắng trong lòng mỗi khán giả, mỗi người con Việt Nam.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/625728/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-khu-di-tich-tan-trao.html

Theo Báo Thông Tấn Xã - Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm