Việc Trung ương thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước nhận được nhiều quan tâm của báo giới tại cuộc họp báo chiều 6/10 về thông tin kết quả Hội nghị Trung ương 8.
Theo ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nhìn rộng ra toàn thế giới người đứng đầu đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu chính phủ hoặc là nguyên thủ quốc gia hoặc cả hai.
"Không chỉ có những nước láng giềng của chúng ta như vậy mà đó là tập quán chính trị, thông lệ quốc tế. Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước nên hiểu là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân. Đây là việc tự nhiên trong đời sống chính trị của các nước trên thế giới, không phải là việc lạ hay càng không phải chúng ta học ai đó", ông Vĩnh nói.
Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh. Ảnh: Việt Linh. |
Cũng theo ông Vĩnh, Ban chấp hành Trung ương chưa bàn tới vấn đề này cho nhiệm kỳ tới. Điều đó tùy thuộc theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương và Quốc hội.
Liên quan tới bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh khẳng định không có chuyện sáp nhập. Việc vận hành bộ máy, theo ông Vĩnh, trong lịch sử thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch Đảng vừa là Chủ tịch nước, nên không có gì đáng ngại.
Bốn văn phòng gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội có quy chế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo cho hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
"Tổng bí thư làm Chủ tịch nước thuận lợi hơn cho công việc của Đảng, Nhà nước", ông Vĩnh khẳng định.
Nói về kết quả Trung ương thống nhất cao 100% giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh thông tin chi tiết là khi biểu quyết, 175/175 ủy viên Trung ương chính thức có mặt đều đồng ý (các ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng chưa có quyền biểu quyết).