Tại điều 3 của dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đang được đưa ra bàn tại Hội nghị Trung ương 8 nêu rõ 9 nội dung mà trước hết từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Nội dung đầu tiên được đề cập là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, "tư duy nhiệm kỳ", công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, "đánh bóng" tên tuổi, hứa suông, nói không đi đôi với làm, nói trong hội nghị khác, ngoài hội nghị khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến việc "có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân". Ảnh: Đoàn Bắc. |
Thứ hai, từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải kiên quyết chống đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, cơ hội, thực dụng, nịnh trên, nọt dưới; quan liêu, xa dân, gây phiên hà, hách dịch với nhân dân; lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện ý đồ cá nhân.
"Lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách để trục lợi; lợi ích cục bộ, thông đồng, thỏa hiệp, tạo cơ chế xin - cho, duyệt - cấp. Can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt dự án...", dự thảo có đoạn.
Mục đích của quy định là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.
Quy định nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu từng ủy viên kiên quyết chống lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập "sân sau, lợi ích nhóm"; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với doanh nghiệp để trục lợi. Đồng thời chống sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ...
Thứ năm là kiên quyết chống tham nhũng hối lộ dưới mọi hình thức, đưa nhận phong bì, phí bôi trơn, lại quả, quà biếu không trong sáng. Lợi dụng việc cưới, tang, giỗ, lễ tết, sinh nhật lên chức, thăng hàm để trục lợi…
"Để bố, mẹ (đẻ), bố, mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột của bản thân, vợ (chồng), người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, chi phối, thao túng các công việc của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như công tác cán bộ, xin dự án, cấp đất, đấu thầu, mua cổ phần...; sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội. Đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài", dự thảo quy định nêu rõ các hành vi cần kiên quyết chống.
Từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải kiên quyết chống đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài. Ảnh: TTXVN. |
Ngoài ra, cán bộ cấp cao cũng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống "nạn" chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm. Cùng với đó kiên quyết chống can thiệp, gây áp lực trong công tác cán bộ, nhất là lợi dụng quy trình để bổ nhiệm, bố trí người nhà, "thân quen, cánh hẩu" vào các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý và nơi có nhiều lợi ích...
Từng đồng chí ủy viên cũng không được lãng phí thời gian làm việc, nhân lực, công quỹ, tài sản, phương tiện công; tổ chức đoàn đi công tác trong và ngoài nước nội dung không cần thiết, không đúng thành phần, thời gian kéo dài, kém hiệu quả.
Cuối cùng, điều 3 dự thảo yêu cầu từng cán bộ kiên quyết chống việc lợi dụng uy tín, mượn danh người khác để nói, viết, đăng tin bài sai sự thật, tạo dư luận, gây ảnh hưởng nhằm đề cao cá nhân mình, tô hồng thành tích hoặc bôi nhọ, hạ thấp uy tín tập thể, cá nhân khác.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) quy định được chuẩn bị từ đầu năm 2018, qua nhiều công đoạn như tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến trước khi hoàn thiện để trình Trung ương.
"Đây là quy định về nêu gương, do vậy mang tính khuyến khích, răn đe và cảnh báo; còn các chế tài mang tính kỷ luật của Đảng và quy định pháp luật thì vẫn thực hiện theo hiện hành. Cá nhân nào vi phạm thì đã có pháp luật điều chỉnh, còn chế tài của quy định nêu gương là gắn với công tác kiểm điểm cá nhân hàng năm và bình xét thi đua”, ông Sơn nói.
Các quy định đã có, cụ thể như quy định 155 về những điều đảng viên không được làm; quy định 101 (năm 2012) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... tiếp tục có hiệu lực.