Sáng 11/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, kể từ đầu năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã chủ động chỉ đạo sát sao, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, tích cực để ngăn chặn dịch bệnh.
Chủ động ứng phó với mọi tình huống
Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, khó lường, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có những chỉ đạo căn cơ, để phòng, chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Người đứng đầu Đảng đánh giá việc làm của chúng ta là khá sớm, kịp thời, liên tục chứ không hề buông lỏng. “Vừa qua, chúng ta cũng khá nhạy bén, chủ động, có nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả và cả hệ thống chính trị, toàn dân ủng hộ công cuộc chống dịch”, Tổng bí thư nhận định.
Nhắc đến hình ảnh những cụ già, em bé đi ủng hộ, các đơn vị đóng góp cho cuộc chiến này, Tổng bí thư cho rằng tình nghĩa đoàn kết rất quan trọng trong việc động viên tinh thần bên cạnh các giải pháp về chuyên môn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu trong phòng, chống dịch. Ảnh: TTXVN. |
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt của lực lượng y, bác sỹ, quân đội, công an, đội ngũ cán bộ ở cơ sở, Tổng bí thư biểu dương tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân ta.
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các ngành, các cấp đã quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng có dịch, phải cách ly y tế; bước đầu tháo gỡ một số cơ chế về sản xuất và mua vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19, thu hút sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch.
Một lần nữa nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Tổng bí thư yêu cầu các lực lượng tiếp tục triển khai giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương đang có ổ dịch lớn, để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Trong thời gian tới, Tổng bí thư yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu; phải ngăn chặn, không để dịch lan rộng và bùng phát trong cộng đồng; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh việc mua và tiêm vaccine, tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, cung cấp vaccine, nhất là đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu, ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vaccine; xem xét và sớm tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến lựa chọn, mua vaccine.
Nghiên cứu thí điểm hộ chiếu vaccine
Tổng bí thư lưu ý cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh như hiện nay. Các cơ quan chức năng cần bảo đảm an ninh, an toàn các lĩnh vực, địa bàn quan trọng và khu vực sản xuất tập trung nhiều lao động; phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời nguy cơ gây lây nhiễm dịch bệnh và mất an ninh trật tự.
Trong kết luận vừa được ban hành, Bộ Chính trị yêu cầu triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch.
Bộ Chính trị cũng nêu quan điểm nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).
Cùng với đó, Bộ Chính trị yêu cầu xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vaccine ngừa Covid-19, để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vaccine cho người dân. Trong đó, các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp cần được ưu tiên; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vaccine cho trẻ em.
Song song đó, Bộ Chính trị cho rằng cần sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình, thời gian cụ thể.
Đến nay, cả nước đã có trên 9.000 ca mắc Covid-19, trong đó gần 4.000 người đang điều trị, 55 trường hợp tử vong.
Bộ Chính trị cho rằng nước ta đang phải ứng phó đợt bùng phát dịch lần thứ tư với quy mô, mức độ lây lan nhanh, lớn nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận người dân còn có hiện tượng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch.