Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ quán triệt nhiều nhiệm vụ cụ thể để tập trung cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trong tháng 5, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã tập trung chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, xử lý, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, cần thiết để chống dịch.
Cắt giảm 50% kinh phí hội nghị và tiết kiệm 10% chi thường xuyên
Sau phiên họp, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.
Nhiệm vụ này được Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể cho Thủ tướng trước ngày 20/6.
Chính phủ kêu gọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Ảnhh: VGP. |
Song song với đó, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi những khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện; thu hồi khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết.
Những khoản kinh phí sẽ thu hồi nêu trên được bổ sung vào nguồn dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vaccine.
Căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, Bộ Y tế là đơn vị được giao rà soát, quyết định bổ sung đối tượng khác được ưu tiên tiêm vaccine theo quy định.
Chính phủ kêu gọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19; huy động mọi nguồn lực để chiến thắng đại dịch.
Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa ở những nơi có ổ dịch.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm phương châm “vaccine + 5K” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vaccine là yếu tố quyết định, do đó cần khẩn trương triển khai nhanh, hiệu quả chiến lược vaccine.
Thực hiện ngay việc giảm giá điện, giãn tiền điện
Để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu.
Bên cạnh việc bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Bộ Công Thương cần hướng dẫn, triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giãn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các địa phương không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh. Ngược lại, những lãnh đạo này phải xem khó khăn, thách thức là động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành, phát triển.
Chính phủ cũng quán triệt nhiều nhiệm vụ liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Theo đó, cần kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Chính phủ khẳng định quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công; chấm dứt tình trạng xin cho, chạy dự án trong đầu tư công làm cho đầu tư công chậm trễ, dàn trải, kém hiệu quả.
Đặc biệt, với tác động của dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động hỗ trợ hiệu quả, thiết thực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.