Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào việc thực hiện chiến lược vaccine bằng nhiều phương thức khác nhau. Và Chính phủ sẽ không yêu cầu các doanh nghiệp phải trả kinh phí tiêm vaccine cho người lao động.
Vaccine về Việt Nam chưa nhiều vì nguồn cung khan hiếm
Khẳng định nguyên tắc của Chính phủ là huy động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch, Phó thủ tướng nhấn mạnh vaccine là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch. Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vaccine sớm nhất, tiêm được cho nhiều người một cách an toàn nhất, sớm có miễn dịch cộng đồng giúp cuộc sống quay lại bình thường.
Xác định chỉ khi nào có vaccine hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo đàm phán, chuẩn bị nguồn kinh phí mua vaccine.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý “Chính phủ không yêu cầu doanh nghiệp phải trả kinh phí tiêm vaccine cho người lao động”. Ảnh: VGP. |
“Vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hóa mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vaccine nói riêng”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Trong lúc vaccine là giải pháp chống dịch hữu hiệu nhưng đang khan hiếm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tâm lý chung mọi người, mọi doanh nghiệp đều muốn được tiêm trước.
“Nhưng không thể vì doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vaccine mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn, cần được ưu tiên tiêm trước theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc”, ông Đam nhấn mạnh.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhập khẩu vaccine
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150 triệu đến 170 triệu liều vaccine, tuy nhiên, quan trọng là tiến độ giao vaccine cũng như khả năng điều phối để các nguồn vaccine khác nhau không về cấp tập, dồn dập trong cùng một thời điểm.
“Làm sao chúng ta phải có vaccine càng sớm, càng nhiều càng tốt, nhất là trước thời điểm tháng 10/2021”, Phó thủ tướng đặt vấn đề.
Ông Đam yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi, không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được. Nếu Bộ Y tế không tháo gỡ được vướng mắc, cần trình ngay lên Chính phủ giải quyết.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, tất cả doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất. Ảnh: VGP. |
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định vaccine là giải pháp mà họ đang rất trông chờ để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, nhấn mạnh tinh thần không phải các doanh nghiệp trả tiền để được ưu tiên được tiêm vaccine phòng Covid-19 hay muốn tự nhập khẩu vaccine. Các doanh nghiệp vẫn tuân thủ theo các chính sách về tiêm phòng vaccine của Chính phủ.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng khẳng định tuân thủ chính sách của Chính phủ về thứ tự nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm. Các doanh nghiệp mong Bộ Y tế sớm hướng dẫn các bước chuẩn bị để tiêm vaccine cho người lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, tất cả vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu. Ông khẳng định tất cả doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất.