Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, là nội dung quan trọng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022, sáng 30/6.
Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh đây là một hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến "chống giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị.
Xu thế không thể đảo ngược
Đánh giá về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022, Tổng bí thư khẳng định việc này có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả, để lại dấu ấn tốt và thực sự trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược.
Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, Tổng bí thư phủ nhận ý kiến cho rằng quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước.
“Hoàn toàn ngược lại", Tổng bí thư bác bỏ luận điệu rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là đấu đá nội bộ, phe cánh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Phúc Nguyên. |
Người đứng đầu Đảng một lần nữa nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm", thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
“Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây”, Tổng bí thư đúc kết, đồng thời phân tích nhiều yếu tố góp phần đạt kết quả này.
Phòng, chống tham nhũng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm", thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Dù vậy, Tổng bí thư nhận định việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị là khâu yếu.
Trong khi đó, tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội.
Xử lý cả tham nhũng và việc bao che, dung túng cho tham nhũng
Từ thực tiễn chống tham nhũng 10 năm qua, Tổng bí thư gợi mở nhiều vấn đề.
Trước hết, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, mỗi cơ quan nên phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022. Ảnh: Phúc Nguyên. |
“Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình”, Tổng bí thư nhấn mạnh mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.
Công tác phòng chống tham nhũng, theo Tổng bí thư, phải được tiến hành không ngừng nghỉ ở tất cả lĩnh vực với mục tiêu phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".
Trong phát hiện, xử lý tham nhũng, Tổng bí thư quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng hay can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.
Đề cập phương hướng cho giai đoạn tới, lãnh đạo Đảng nhắc đến giải pháp xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, Tổng bí thư nói.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của nhóm lợi ích, sân sau, tư duy nhiệm kỳ”, theo Tổng bí thư.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng. Việc này cần tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và có nhiều dư luận.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phúc Nguyên. |
Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, theo Tổng bí thư, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hoá".
Trong củng cố đội ngũ, Tổng bí thư quán triệt phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép của tổ chức, cá nhân hay bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.
“Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng bí thư một lần nữa nhấn mạnh.