Câu chuyện về kỷ luật cán bộ một lần nữa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập sáng 23/6, khi ông cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng sau kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV.
Lắng nghe ý kiến của cử tri, người đứng đầu Đảng xin tiếp thu để báo cáo Quốc hội và cơ quan liên quan. Tổng bí thư dành thời gian để giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm.
"Không lo thiếu cán bộ làm việc"
Nhắc đến công tác phòng chống tham nhũng, xử lý tiêu cực, Tổng bí thư cho biết vừa rồi đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long do liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á và kỷ luật cả ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Hà Nội, cựu Bộ trưởng KH&CN.
Người đứng đầu Đảng khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng rất kiên trì, rất nhân văn, có lý, có tình.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ về việc kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 23/6. Ảnh: Hồng Phong. |
Ông Chu Ngọc Anh là Ủy viên Trung ương 3 khóa, từng là Bộ trưởng KH&CN, sau đó về làm Chủ tịch UBND Hà Nội, nhưng đã bị khai trừ ra khỏi Đảng rồi bãi nhiệm chức vụ.
“Còn anh Long cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Y tế, đang lúc dịch dã như thế này phải tập trung chống dịch, nhưng tại sao lại bị khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức bộ trưởng, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội?”, Tổng bí thư nói.
Về quy trình kỷ luật, Tổng bí thư khẳng định hai từ “chặt chẽ”, “bài bản”. Sau kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, chỉ trong 1,5 ngày, Bộ Chính trị họp xem xét kỷ luật và 100% biểu quyết yêu cầu kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bằng hình thức cách tất cả chức vụ.
Hôm sau, Bộ Chính trị triệu tập Ban Chấp hành Trung ương họp bất thường và thảo luận, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu gần như tuyệt đối với quan điểm phải khai trừ ra khỏi đảng với cán bộ sai phạm.
Sau kỷ luật Đảng, Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với ông Nguyễn Thanh Long. Trước đó, Chính phủ cũng họp đề nghị Quốc hội cách chức Bộ trưởng Y tế.
“Cả hai anh lúc đầu chưa nhận thức hết, nhưng cuối cùng đều nhận và hứa sửa chữa”, Tổng bí thư chia sẻ với cử tri.
Ông Chu Ngọc Anh (trái) và ông Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo Tổng bí thư, sau khi công an bắt giam, khởi tố ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, sự việc trong giai đoạn tiếp tục điều tra.
Còn về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng bí thư khẳng định không lo thiếu cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý.
"Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Đảng, Trung ương vừa qua quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Một số tỉnh đã triển khai. Tới đây sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kể từ khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành lập. Hội nghị sẽ tổng kết trong giai đoạn 10 năm xử lý được bao nhiêu, từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm và bài học cho giai đoạn sắp tới.
Nói thêm về việc kỷ luật cán bộ, Tổng bí thư chia sẻ đây là bài học chung để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo những người khác “đừng đi vào vết xe đổ”.
"Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Rất đau xót, điều này nhiều lần tôi nói rồi, nhưng buộc phải làm. Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây, nếu để lan ra sẽ rất nguy hiểm”, Tổng bí thư nói.
Không phủ nhận công lao của hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế
Đề cập kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết dù chỉ làm việc trong ít ngày, kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Trước đó, các cử tri phát biểu đã ghi nhận những kết quả này.
Cử tri kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành có giải pháp cụ thể trong điều hành để phục hồi và phát triển nền kinh tế, kiềm chế lạm phát; sử dụng giải pháp về thuế, về nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát và xử lý trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý.
Cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đánh giá cao việc xử lý nhiều vụ án lớn vừa qua như vụ Việt Á, vụ thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.
Bà Phạm Thị Hồng Sim (cử tri phường Quán Thánh, quận Ba Đình), đánh giá việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là rất kịp thời, khắc phục tình trạng đẩy trách nhiệm lên Trung ương, “trên nóng dưới không nóng”.
Lên án mạnh mẽ hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đặc biệt khi có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, cử tri Nguyễn Trần Quyên (quận Đống Đa) cho rằng việc này làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Bên cạnh việc đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện công, cử tri mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.
Cử tri Nguyễn Duy Nhiên (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) nhìn nhận ngành y tế vừa qua có một số cá nhân sai phạm, bị xử lý, đa phần là cán bộ quản lý. Song, không thể phủ nhận công lao to lớn của hàng vạn cán bộ nhân viên y tế trong sạch, tận tâm tận lực, chịu đựng gian khổ, hy sinh cùng với lực lượng khác để ngăn chặn đại dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.