Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tốn tiền triệu để xác định là F0

Chị Hương Thi tốn một triệu đồng mới có thể xác định được bản thân mắc Covid-19. Còn Dương Linh tự test nhanh 5 lần từ khi có triệu chứng mới biết mình là F0.

4 lần tự test nhanh ở nhà đều chỉ hiển thị một vạch, cho tới khi tới trung tâm làm test rRT-PCR vào ngày thứ 7 có triệu chứng mới cho kết quả dương tính - đó là trường hợp của chị Trần Hương Thi (31 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Hiện, ở TP.HCM, số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày chiếm tỷ lệ cao. Nhiều người ngay khi có triệu chứng như đau họng, ho… đều tự kiểm tra bằng test nhanh tại nhà. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tự test không cho kết quả chính xác.

Một triệu đồng để xác định dương tính

Ngày 5/3, chị Thi có biểu hiện hơi đau cổ họng, sau đó chị thấy nhức mỏi người. Nghi ngờ mình mắc Covid-19, chị Thi dùng kit test tự kiểm tra thì vẫn hiện một vạch.

Hôm sau, một người cùng phòng của Thi bị sổ mũi và test nhanh dương tính. Người bạn này của Thi ngay lập tức được cách ly riêng sang phòng khác.

Tuy xác định tinh thần đã là F0 và điều trị như một người mắc bệnh, Thi cũng muốn biết chính xác bằng phương pháp y tế nên vẫn liên tục tự test 3 ngày tiếp theo. Tuy nhiên, cả 4 lần đều âm tính.

“Tôi cứ đau họng và mỏi người kéo dài tiếp 2 ngày sau đó, không sổ mũi, không ho. Song, sang ngày thứ 4 thì tôi sổ mũi, hắt hơi và nóng 38 độ C. Ngày thứ 5 thì không còn sổ mũi, hắt hơi và chuyển sang ho khan, nóng lạnh", Thi kể.

Cô uống thuốc hạ sốt, uống mật ong nước ngấm, uống gừng, xông lá giải cảm, uống vitamin, ăn nhiều trái cây... và ngưng test 2 ngày tiếp theo.

Song, nghĩ nếu như test nhanh cứ mãi một vạch thì tới khi khỏi bệnh cũng sẽ không biết làm thế nào để chắc chắn, do đó, Thi tới trung tâm y tế để làm xét nghiệm rRT-PCR. Lúc này chị mới chắc chắn mình đã gia nhập "hội F0".

"Một phần là tôi đọc nhiều thông tin và biết việc test nhanh có thể có sai sót trong quá trình lấy mẫu nên đi trung tâm y tế cho chắc. Mất thêm 550.000 đồng. Vậy là tổng cộng tôi tiêu tốn khoảng một triệu đồng để biết mình là F0. Đó là chưa kể tiền điều trị, quá tốn kém", Thi tính toán.

2 tuần - 7 kit test

Dương Linh (29 tuổi, ngụ quận 4) cũng là một trường hợp mắc Covid-19 tốn kém khác.

Ngày 28/2, Linh bị rát họng khi mới thức dậy. Lúc này chị chưa nghĩ đây là triệu chứng Covid-19, mà nghĩ do mình uống nước lạnh nhiều trong những ngày TP.HCM nắng nóng. Tuy nhiên, Linh vẫn chủ động test nhanh vì còn phải ra ngoài đi làm.

Trong 4 ngày liên tiếp, các triệu chứng Covid-19 đã rõ ràng hơn. Cô gái này ho và hắt hơi nhiều, kèm theo đau đầu, chóng mặt, không sốt. Thế nhưng, mỗi ngày Linh test nhanh vẫn âm tính.

"Tôi hỏi nhiều người quen từng là F0 về các triệu chứng và thời gian họ phát hiện nhiễm để đối chiếu, mỗi người một khác. Đa số họ bảo nếu có thêm dấu hiệu sốt và mất vị giác, khứu giác thì mới cần test nhanh. Cho đến ngày thứ 5, tôi thử test lần cuối với suy nghĩ nếu lần này vẫn âm tính thì mặc kệ. Thế rồi, ngày 4/3, tôi cũng trở thành F0, hai vạch hiện lên rõ mồn một", Linh kể.

Thiệt hại sau 5 lần test nhanh của Linh hết 600.000 đồng (120.000 đồng/kit test).

ton kem xet nghiem F0 anh 3

Chị Dương Linh tốn nhiều kit test để phát hiện Covid-19. Ảnh: D.L.

Bị F0, Linh "dự định" sẽ bệnh ít nhất 3 ngày, trong mấy ngày này sẽ khỏi cần test nhanh để đỡ tốn tiền. Đến ngày thứ 4 kể từ khi phát hiện dương tính, cô gái này tự test nhanh nhưng vẫn là 2 vạch mờ.

Tới ngày 11/3 là tròn một tuần, Linh test lần cuối và thở phào vì đã âm tính.

"Trong những ngày bị triệu chứng và mắc Covid-19, bên cạnh sự mệt mỏi tôi còn gánh thêm nỗi thấp thỏm và tiếc tiền khi test nhanh. Lúc chưa nhiễm thì test mãi không ra, lúc bị F0 rồi thì lại hồi hộp test đợi ngày âm tính", Linh chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc test thường xuyên gây tốn kém không cần thiết, ảnh hưởng tâm lý. Bác sĩ khuyến cáo người không có triệu chứng thì không cần xét nghiệm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người có triệu chứng như ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi mới nên test. Nếu dương tính, tự cách ly điều trị tại nhà, liên hệ y tế để được bác sĩ tư vấn. Ai đã tiêm đủ vaccine, 5 hoặc 7 ngày sau phát hiện dương tính thì test lại, kết quả âm tính là có thể đi học, đi làm.

Trường hợp vẫn còn dương tính thì đợi đủ 10 ngày, không cần xét nghiệm lại, có thể hoàn thành cách ly vì không còn khả năng lây nhiễm. Người chưa tiêm đủ vaccine, đến ngày thứ 10 kể từ khi dương tính cần test lại, nếu kết quả âm tính thì hoàn thành cách ly, nếu vẫn dương tính thì đợi đủ 14 ngày, không cần xét nghiệm, có thể hòa nhập cộng đồng.

Quá trình tự test nhanh ở nhà có thể cho kết quả không chính xác. Thứ nhất, nhiều người thật sự không mắc Covid-19 và kết quả test nhanh cũng âm tính nhưng họ cứ nghĩ bản thân mình nhiễm bệnh. Cùng với đó, thời tiết hiện nay dễ gây ra bệnh đường hô hấp trên, đặc biệt khu vực phía Bắc.

Thứ hai, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kit xét nghiệm của nhiều hãng sản xuất, do đó độ nhạy và độ đặc hiệu của mỗi loại sẽ khác nhau. Và thứ ba, kết quả xét nghiệm nhanh còn phụ thuộc thời điểm và quy cách lấy mẫu.

Người TP.HCM chi tiền triệu vào kit test Covid-19

Chị Lan Vy bỏ ra hàng triệu đồng mua sẵn hộp kit test để tự kiểm tra tại nhà mỗi ngày "cho chắc". Còn Bảo Duy chi gần 3 triệu mua kit test lẻ khi liên tục tiếp xúc với F0.

Tốn 7 triệu đồng trong một tuần thành F0

Trong khi gia đình Quỳnh Mai tốn nhiều tiền vào việc xét nghiệm, anh Tấn Minh lại chi phí vào ăn uống và bồi bổ khi trở thành F0.

Bảo Anh

Bạn có thể quan tâm