Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tổn hại kinh tế có khiến phương Tây rạn nứt?

Phương Tây đến nay cho thấy sự đoàn kết đáng kinh ngạc trong nỗ lực trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu khó khăn kinh tế có làm liên minh rạn nứt?

nga tan cong ukraine anh 1

Trong nỗ lực buộc Nga phải trả giá vì phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, các nước phương Tây đến lúc này đã cho thấy sự đoàn kết vững chắc và phản ứng mau lẹ hơn nhiều so với bất cứ ai có thể hình dung.

Thế nhưng, thực tế chiến sự kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, là một thách thức cho quyết tâm của phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh hai bờ eo biển Đại Tây Dương đang có những tính toán chiến lược khác nhau.

Tổn thất kinh tế

Giá hàng hóa, thực phẩm, nhiên liệu đang là bài toán khó cho các nước phương Tây. Vật giá leo thang đã là một vấn đề từ cuối năm 2021, nhưng tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi xung đột bùng phát ở Ukraine.

Tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro, giá hàng hóa tiêu dùng đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, theo cơ quan thống kê EU. Đây là con số kỷ lục kể từ khi EU bắt đầu thống kê về sự thay đổi giá hàng hóa năm 1997.

So với tháng 3/2021, giá năng lượng đã tăng 44,7%. Chi phí năng lượng đắt đỏ là nguyên nhân chính khiến lạm phát ở châu Âu ở mức cao kỷ lục. Chi phí thực phẩm ở châu Âu đã tăng 5% so với cùng kỳ 2021.

Tại Mỹ, giá thực phẩm tháng 4 tăng 0,9% so với tháng 3. Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden "cực kỳ quan ngại" về tình trạng nguồn cung thực phẩm toàn cầu, đồng thời cảnh báo 275 triệu người khắp thế giới có nguy cơ chết đói.

nga tan cong ukraine anh 2

Giá hàng hóa, nhiên liệu tăng cao là thách thức lớn cho quyết tâm của phương Tây. Ảnh: Reuters.

"Chiến dịch do Nga phát động đã cắt đứt nguồn cung thực phẩm quan trọng. Các nông dân của chúng ta đang giúp giảm giá thực phẩm trong nước cũng như mở rộng sản xuất để mang thực phẩm tới người dân thế giới", Tổng thống Biden nói trong chuyến thăm các trang trại ở Illinois tuần qua.

Các chuyên gia nhận định Điện Kremlin có thể đang tính toán rằng phương Tây sẽ kiệt sức trước khi Nga gặp bất lợi ở Donbas, đặc biệt nếu lạm phát tăng cao, gián đoạn nguồn cung năng lượng, tài chính công cạn kiệt và người dân mệt mỏi vì suy thoái kinh tế.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Arvil Haines hôm 9/5 cảnh báo Thượng viện rằng Moscow đang tính toán cho cuộc đọ sức trường kỳ, trông đợi "quyết tâm của Mỹ và EU xói mòn khi tình trạng thiếu hụt thực phẩm, nhiên liệu và lạm phát trở nên tồi tệ hơn".

"Tôi lo rằng phương Tây sẽ mệt mỏi. Đó là lý do lãnh đạo các nước cần hành động quyết liệt hơn nữa ngay lúc này để sớm chấm dứt xung đột", cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cảnh báo.

Manh nha rạn nứt

Đến nay, Mỹ, EU và các đồng minh phương Tây đã cho thấy mức độ đồng lòng cao trong nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine, giúp quân đội nước này đứng vững, bảo vệ thành công thủ đô Kyiv và thậm chí bắt đầu phản công ở một số mặt trận như Kharkiv, Kherson.

Nhưng, khi nói về vấn đề năng lượng, câu chuyện hoàn toàn khác. Hôm 11/5, EU một lần nữa thất bại trong nỗ lực đạt được đồng thuận cấm vận dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Nguyên nhân đến từ sự chống đối của Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban giữ lập trường trái ngược với phần còn lại của EU. Budapest đã ngăn cản khối thông qua nghị quyết cấm vận dầu mỏ Nga, với lý do biện pháp này tương đương "bom nguyên tử" đánh vào nền kinh tế Hungary.

Thủ tướng Orban vẫn quyết "phá ngang" nỗ lực chung ngay cả khi EU hứa cho phép Hungary lùi thời hạn dừng nhập khẩu dầu của Nga, bất chấp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm cách thuyết phục.

"Chúng tôi sẽ chỉ ủng hộ đề xuất nếu Brussels đưa ra một giải pháp cho vấn đề mà họ sẽ tạo ra", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói, cho biết thêm Hungary sẽ cần hàng tỷ USD để hiện đại hóa ngành năng lượng nếu cấm vận dầu mỏ của Nga.

nga tan cong ukraine anh 3

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters.

Về tổng thể, cũng đã bắt đầu xuất hiện sự chia rẽ trong mục tiêu của Mỹ và EU đối với chiến sự ở Ukraine.

Trong tuyên bố hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Mỹ sẽ bảo đảm chiến sự mà Moscow châm ngòi ở Ukraine sẽ làm suy yếu Nga đến mức nước này không thể lặp lại điều tương tự trong tương lai.

Lập trường được Mỹ thể hiện ngày càng rõ trong bối cảnh tình hình chiến sự đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng có lợi cho quân đội Ukraine.

Ngược lại, EU không muốn chiến sự kéo dài có nguy cơ leo thang. Châu Âu đang tập trung tìm kiếm một lệnh ngừng bắn lập tức, quân đội Nga rút về ranh giới ít nhất là trước ngày 24/2.

EU tin rằng duy trì đối thoại qua kênh ngoại giao với chính quyền Tổng thống Putin là điều rất quan trọng cho hòa bình và an ninh của châu Âu.

"Chúng ta không bao giờ được phép bị cám dỗ bởi viễn cảnh làm xấu mặt (nước Nga), hay tâm lý phục thù, bởi trong quá khứ những thứ đó đã tàn phá cơ hội đi đến hòa bình", Tổng thống Macron tuyên bố hồi tuần trước.

Nhà lãnh đạo nước Pháp khẳng định EU không muốn chiến tranh với Nga, các nỗ lực của EU nhằm khôi phục chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, tái lập hòa bình trên lục địa châu Âu.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng lên tiếng quyết liệt trong cuộc gặp với Tổng thống Biden hôm 10/5, lặp lại thông điệp của Tổng thống Macron.

"Chúng ta phải hỗ trợ Ukraine, nhưng đồng thời cần bắt đầu thảo luận về hòa bình. Tất cả bên phải nỗ lực ngồi vào bàn đàm phán, kể cả Mỹ. Chúng ta không cố chiến thắng, bởi không có định nghĩa cho chiến thắng. Với Ukraine, đó có thể là đẩy lùi cuộc chiến, nhưng với những nước khác thì sao?", Thủ tướng Draghi nói.

NATO chuẩn bị mở rộng?

Bất chấp những khác biệt, đang có ngày càng nhiều hơn dấu hiệu sự đoàn kết giữa các nước đồng minh phương Tây trên khía cạnh an ninh.

Hôm 11/5, Phần Lan và Thụy Điển tiến thêm một bước tới viễn cảnh gia nhập NATO với việc hai nước lần lượt ký kết thỏa thuận phòng thủ chung với Anh, nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 của NATO.

Anh cam kết sẽ hỗ trợ quân sự cho Thụy Điển và Phần Lan nếu hai nước bị tấn công trong thời gian đơn gia nhập NATO đang được xem xét.

"Các quốc gia có chủ quyền phải được tự do lựa chọn mà không phải sợ hãi hoặc không bị đe dọa trả thù. Hiệp ước phòng thủ chung sẽ cho phép chúng ta chia sẻ hơn nữa tin tức tình báo, tăng cường diễn tập quân sự và cùng phát triển công nghệ", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.

nga tan cong ukraine anh 4

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin ngày 12/5 ra tuyên bố chung cho biết nước này muốn sớm nộp đơn gia nhập NATO. Tuyên bố này cho thấy Helsinki sẽ thúc đẩy tiến trình ga nhập NATO. Nước láng giềng Thụy Điển cũng sẽ ra quyết định xin gia nhập NATO trong những ngày tới.

Khi được hỏi liệu Helsinki có khiêu khích Moscow khi nộp đơn gia nhập NATO hay không, Tổng thống Niinisto nói Điện Kremlin là bên phải chịu trách nhiệm cho quyết định gia nhập liên minh quân sự của Phần Lan.

Phát biểu trên kênh SVT ngày 5/5, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói NATO có nghĩa vụ rất lớn trong đảm bảo an ninh cho Thụy Điển và sẽ tăng cường hiện diện ở quanh quốc gia Bắc Âu cũng như khu vực biển Baltic trong quá trình xử lý đơn xin gia nhập.

"Tôi tin rằng chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp đáp ứng nhu cầu an ninh của Thụy Điển trong giai đoạn chuyển tiếp”, ông Stoltenberg cho biết.

Cũng trong ngày 5/5, Nhà Trắng tuyên bố có thể giải quyết mọi mối quan ngại về an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan nếu 2 nước này nộp đơn gia nhập NATO.

"Chúng tôi tự tin có thể tìm ra cách giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào của hai quốc gia trong khoảng thời gian từ lúc nộp đơn vào NATO đến khi chính thức trở thành thành viên của liên minh”, phát ngôn viên của Nhà Trắng Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo.

NATO tập trận ở nước thành viên mới nhất

Binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tập trận tại Bắc Macedonia nhằm thể hiện sự sẵn sàng hành động dọc biên giới phía đông của khối.

Lãnh đạo Phần Lan muốn gia nhập NATO 'ngay lập tức'

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin ngày 12/5 ra tuyên bố chung cho biết nước này muốn sớm nộp đơn gia nhập NATO.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm