Suốt tuần qua, ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), liên hệ nhiều đầu mối thu mua thủy, hải sản ở TP.HCM và các tỉnh trong khu vực nhưng chưa tìm được giải pháp tốt nhất để tiêu thụ hàng nghìn tấn tôm càng xanh của địa phương này.
Theo ông Nguyên, Vĩnh Thuận là thủ phủ tôm càng xanh của tỉnh Kiên Giang, các huyện lân cận nông dân thả nuôi với diện tích nhỏ. Trong 29.000 ha đất nuôi tôm của Vĩnh Thuận, nông dân nuôi tôm càng xanh chuyên canh đến 15.000 ha, còn lại thả xen tôm sú, thẻ và đào ao nuôi tôm công nghiệp.
Tồn đọng 2.400 tấn tôm càng xanh
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thuận, giá tôm càng xanh ngày càng “tệ” vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 liên tục từ ngày 19/7 đến nay khiến cho các vựa tôm ở các chợ đầu mối ngưng thu mua. Trong khi đó, tôm càng xanh ở Kiên Giang có tỷ lệ tiêu thụ nội tỉnh rất ít.
Ngoài việc nuôi càng xanh, nông dân Vĩnh Thuận còn tận dụng đất ao tôm để trồng một vụ lúa. Những năm trước, khi học sinh chuẩn bị đến trường, nông dân Vĩnh Thuận và các vùng giáp ranh của huyện Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu) đã thu hoạch xong tôm càng xanh để rút nước, xả mặn, cải tạo đất trồng lúa.
Tôm càng xanh thiên nhiên loại 8 con/kg. Ảnh: Việt Tường. |
Riêng năm nay, đến đầu tháng 9, nông dân Vĩnh Thuận vẫn còn tồn đọng 2.400 tấn tôm càng xanh. Bình quân 1 ha nông dân thu hoạch 500 kg tôm càng xanh. Với sản lượng tồn đọng như hiện nay, địa phương này còn gần 5.000 ha thủy sản chưa thể thu hoạch để nhường đất cho cây lúa.
Theo ông Võ Hoàng Nguyên, gần một tháng trước tôm càng xanh loại 15-20 con/kg giá khoảng 120.000 đồng/kg nay giảm còn 60.000 đồng/kg. Tôm loại nhất 8-10 con/kg từ 160.000 đồng/kg nay còn 80.000 đồng/kg.
Trong một tháng rưỡi giãn cách, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang nhận được một số đơn hàng nhưng đối tác yêu cầu các quy cách nông dân khó đáp ứng.
"Tôm vào siêu thị phải được truy xuất nguồn gốc, nuôi theo mô hình VietGAP. Người dân nuôi tôm bình thường, đâu có giấy xác nhận mà vô siêu thị. Người mua ngoài siêu thị chỉ vài trăm ký mỗi ngày thì dân khó bán vì thu hoạch là phải bắt hết tôm trong ao, không thể bắt 100 kg. Số lượng tôm họ mua ít nhưng yêu cầu vận chuyển xa, qua TP.HCM hoặc chuyển An Giang”, ông Nguyên chia sẻ.
Ngoài các tiêu chí nông dân không đáp ứng được yêu cầu của đối tác, có những lô hàng 10 tấn về TP.HCM nhưng bên mua yêu cầu người bán phải đóng gói loại 10-20 kg/gói. Trong khi đó, nông dân có thói quen bán tôm oxy và thương lái tự vận chuyển, chưa lần nào bán theo hình thức đóng gói.
“Mỗi ngày bà con bán cho thương lái địa phương chỉ 10-15 tấn nên khi nghe có người ở TP.HCM đặt hàng, bà con cũng mê lắm nhưng khó thực hiện theo yêu cầu của họ. Hi vọng vài hôm nữa gỡ Chỉ thị 16, nhà hàng mở lại, bà con mình bán được cho các chợ đầu mối lớn. Nhìn tôm càng xanh tồn đọng nhiều mình thấy xót xa lắm nhưng ngoài khả năng xử lý, chỉ biết động viên bà con ráng hết ngày 6/9 có thể tỉnh sẽ nới lỏng giãn cách”, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận nói.
Hải sản đánh bắt giảm giá 30%
Trao đổi với Zing, chủ vựa hải sản ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết tôm càng xanh thiên nhiên được ngư dân đánh bắt dưới sông Hậu giá bình ổn. Trong tháng 7 âm lịch có nhiều người ăn chay nên có vài hôm giá tôm càng xanh giảm nhưng không nhiều như tôm nuôi tại Bạc Liêu và Kiên Giang.
Ngày 5/9, tôm càng xanh tươi sống tại khu vực đường Nam Sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng là 350.000 đồng/kg đối với loại 4-6 con/kg. Tôm “xô” từ 20-25 con/kg, giá 260.000 đồng/kg.
Nếu như tôm càng xanh nuôi giảm giá một nửa thì tôm thiên nhiên đánh bắt dưới sông Hậu giá ổn định. Ảnh: Việt Tường. |
Cua biển thiên nhiên được ngư dân đánh bắt ven biển Sóc Trăng giá 350.000 đồng/kg đối với loại có gạch, kích cỡ 1-2 con/kg; cua thịt (còn gọi là cua y) giá 350.000 đồng/kg loại 1-2 con/kg. Tại huyện Vĩnh Thuận của Kiên Giang, cua biển thịt dao động 120.000-150.000 đồng/kg, cua gạch 200.000-220.0000 đồng/kg. Giá này giảm 25-30% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong tuần qua cảng cá Tắc Cậu bình quân mỗi ngày có 3-4 lượt tàu cập cảng bốc dỡ ước đạt 195 tấn thủy sản các loại. Giá thu mua sản phẩm đánh bắt giảm trung bình từ 25%-35% so với trước đây.
Tại Phú Quốc, các mặt hàng nông sản được chuyển từ đất liền ra cung cấp tại các chợ truyền thống và các cửa hàng tiện ích ổn định, giá các mặt hàng tươi sống chủ yếu như rau, củ, quả, thịt heo, thịt gà, thủy sản ổn định. Chợ Hà Tiên giá rau, củ, quả, thịt heo, thịt gà tương đối bình ổn.
Đối với thủy, sản ngư dân đánh bắt tại Hà Tiên giảm nhẹ do thương lái thu mua, chi phí vận chuyển cao. Nghêu giá còn 20.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng; cá bớp 120.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng và cá mú từ 180.000 đồng giảm xuống còn 160.000 đồng/kg.