Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiên Giang chi hơn 100 tỷ đồng để xét nghiệm tầm soát

Trong chiến dịch tầm soát cộng đồng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tỉnh Kiên Giang sẽ thuê máy móc của doanh nghiệp để kịp xét nghiệm RT-PCR.

Ngày 1/9, tỉnh Kiên Giang bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch tầm soát cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay với mục tiêu bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Trong đợt 1, ngành y tế địa phương đã xét nghiệm cho 716.000 người bằng phương pháp RT-PCR.

Trao đổi với Zing, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết sàng lọc cộng đồng là phương pháp hữu hiệu nhất để tầm soát F0. Như tại thành phố Hà Tiên, nơi đây từng được cho là khá an toàn nhưng qua tầm soát đã phát hiện hàng chục người nhiễm SARS-CoV-2.

Chà đi sát lại để bóc tách F0

Những ngày cuối tháng 8, Kiên Giang ghi nhận 225 F0 qua sàng lọc cộng đồng. Cùng lúc này, 221 F0 được phát hiện tại nơi phong tỏa, khu cách ly và các ca dương tính ngoài cộng đồng khi người dân tự test nhanh tại nhà hoặc sàng lọc tại bệnh viện.

“10 ngày đầu sàng lọc, chúng tôi phát hiện 446 F0. Việc sàng lọc cộng đồng giúp địa phương thấy được dịch đang ở đâu. Lúc trước, mình nghĩ một số chỗ an toàn, nhưng sàng lọc mới biết nơi đó âm thầm bùng phát dịch”, ông Nguyễn Lưu Trung chia sẻ.

Kien Giang chi tren 100 ty dong xet nghiem cong dong anh 1

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Phương Vũ.

Từ việc biết được dịch Covid-19 đang diễn ra như thế nào, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đưa TP Hà Tiên vào danh sách vùng đỏ để xét nghiệm nCoV cho 100% người dân, như đã thực hiện tại TP Rạch Giá, huyện Châu Thành và Vĩnh Thuận. Ngoài ra, một số xã của huyện Hòn Đất và Kiên Lương cũng được ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV toàn dân căn cứ kết quả sàng lọc trước đó.

“Trước đây, chúng tôi xét nghiệm một mẫu trên 600.000 đồng, đó là chưa tính tiền công lấy mẫu. Bây giờ tỉnh mua sinh phẩm, xét nghiệm bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Dự kiến chi trên 100 tỷ đồng để sàng lọc quy mô lớn. Bộ Y tế quy định vùng xanh sàng lọc 5% nhưng chúng tôi thực hiện 10-15%”, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.

Xác định TP Rạch Giá là địa bàn trọng điểm của Kiên Giang, lãnh đạo tỉnh quyết định mỗi người dân được xét nghiệm 5 lần. Việc chà đi sát lại nhằm sàng lọc sạch F0 theo quy trình xen kẽ 3 lần test nhanh và 2 lần RT-PCR.

Tốn kém tiền xét nghiệm còn hơn phải huy động nguồn lực dập dịch

Cũng như tỉnh Cà Mau, chính quyền tỉnh Kiên Giang cho phép ngành y tế xét nghiệm test nhanh nCoV tất cả tài xế chở hàng vào địa phương này, dù họ có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 từ nơi khác. Tùy theo số lượng tài xế tập trung tại các cửa ngõ, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ test đơn hoặc thực hiện mẫu gộp để hàng hóa được lưu thông, tránh ùn ứ.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, 3 ngày sau khi có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, họ có thể đi nhiều nơi, giao hàng nhiều chỗ. Trong thời gian này, nguy cơ mầm bệnh từ tài xế chở hàng sẽ xuất hiện ở nhiều nơi, việc tầm soát sẽ rất khó khăn nếu lái xe mắc Covid-19.

Kien Giang chi tren 100 ty dong xet nghiem cong dong anh 2

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) và ông Nguyễn Lưu Trung (áo xám) cùng kiểm tra nơi điều trị Covid-19 của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Phương Vũ.

Việc thứ hai được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đặt ra là người dân từ vùng dịch Covid-19 trở về tỉnh nhưng không khai báo y tế. Trường hợp này tỷ lệ nhỏ, nhưng nếu họ mắc Covid-19 sẽ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Khi đó, chi phí điều trị cho các F0 và truy vết F1, F2… sẽ rất lớn. Tỉnh Kiên Giang chấp nhận tốn kém một lần để xét nghiệm tầm soát diện rộng thay vì huy động nguồn lực để dập dịch khi đã lan rộng.

“Qua tầm soát đợt 1, cơ bản phát hiện dịch đang ở đâu. Nói nôm na là biết 'địch' chỗ nào, không phải đánh mò như trước đây. Như vậy, giai đoạn 1 tìm kiếm địch, giai đoạn 2 tập trung đánh, tách F0 ra cộng đồng. Giai đoạn 3 sàng lọc lần cuối để khẳng định, quét sạch F0”, Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang nói.

Với chiến dịch “càn quét” lớn nhất từ trước đến nay, ông Trung đặt mục tiêu trong 10 ngày đầu của tháng 9, tỉnh Kiên Giang sẽ kiểm soát được dịch Covid-19. Hiện, Phú Quốc là địa phương an toàn nhất nhưng UBND tỉnh vẫn duy trì giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại đảo ngọc.

“Dịch Covid-19 ở Phú Quốc ổn nhưng tỉnh vẫn chưa cho địa phương này nới lỏng giãn cách xuống Chỉ thị 15. Nếu áp dụng Chỉ thị 15, người dân nhiều nơi sẽ đổ về đây. Vì vậy, chúng tôi cho Phú Quốc tự kiểm soát, tự nới lỏng dần”, ông Nguyễn Lưu Trung chia sẻ.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tính đến sáng 2/9, tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận 1.743 F0. Các địa phương có nhiều người nhiễm nCoV là TP Rạch Giá (772 ca), huyện Kiên Lương (193), Châu Thành (182), Vĩnh Thuận (141) và Giồng Riềng (123).

Kiên Giang áp dụng Chỉ thị 16 thêm 5 ngày

Sau một tháng rưỡi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục giãn cách xã hội lần thứ 5 để phòng, chống dịch Covid-19.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm