Chiến lược JIT được áp dụng hiệu quả nhất khi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có tính chất lặp đi lặp lại. Đặc trưng của chiến lược này là chia việc sản xuất thành những lô hàng nhỏ có quy mô sản xuất gần giống nhau và tiếp nhận vật tư trong suốt quá trình sản xuất để tránh tồn kho, ứ đọng vốn.
Luồng hàng hóa lưu hành trong quá trình sản xuất và phân phối được lên kế hoạch chi tiết từng bước, sao cho công đoạn tiếp theo có thể bắt đầu ngay khi công đoạn trước hoàn thành và chỉ sản xuất đúng số lượng mà công đoạn tiếp theo cần tới. Như vậy, không có nhân công hay thiết bị nào phải đợi sản phẩm đầu vào.
Ngoài ra, phương pháp này còn giúp hạn chế rủi ro sai sót. Mỗi lần chỉ sản xuất một lô hàng nhỏ nên nếu sản phẩm tạo ra không đạt yêu cầu thì số lượng sản phẩm bị loại bỏ không lớn, toàn bộ hệ thống có thể điều chỉnh kịp thời.
Chiến lược sản xuất Just In Time (JIT) được xây dựng vào những năm 1970 bởi hãng ôtô Toyota. |
Muốn áp dụng chiến lược JIT thành công, doanh nghiệp cần kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp. Cụ thể, sản phẩm được vận chuyển theo quy trình sản xuất thay vì theo bộ phận chuyên môn để giảm thiểu chi phí vận chuyển. Biện pháp này được gói là dây chuyền luồng một sản phẩm (One Piece Flow).
Với biện pháp tự kiểm lỗi (Jidoka), người thực hiện công đoạn sau tự kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm nhận được từ công đoạn trước. Với bình chuẩn hóa (Heijunka), doanh nghiệp cần phân bổ công việc đều cho mỗi ngày, tránh trường hợp có ngày quá bận và ngày khác lại ít việc.
Chiến lược JIT hiện được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới nhờ mang đến những lợi ích như giảm tối đa việc tồn kho, ứ đọng vốn; giảm chi phí lưu kho; giảm thiểu sản phẩm lỗi; giúp việc thay đổi quy trình sản xuất diễn ra nhanh chóng, dễ dàng; tăng năng suất làm việc nhờ giảm thời gian chờ; chất lượng sản phẩm được cải tiến liên tục.
Nếu được áp dụng tốt, phương pháp JIT sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm với giá thành cạnh tranh, dễ dàng thay đổi quy trình khi muốn tạo sản phẩm mới.
“Quản trị sản xuất” là một trong 15 chuyên đề thuộc chương trình đào tạo trực tuyến của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hướng dẫn bởi giảng viên Âu Trần Ngọc Mai, giảng viên ngành quản trị tại Học viện Doanh nhân MVV. Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Độc giả tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự tại đây.