Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi từng dịch cho web truyện tranh lậu giá 5.000 đồng một chương

Người dịch truyện tranh lậu thường là sinh viên, học sinh hoặc người đã đi làm nhưng làm thêm vì yêu thích truyện tranh.

Hương (tên nhân vật được thay đổi) từng dịch cho một web truyện không bản quyền. Dưới đây là lời kể của cô về thời gian dịch truyện và cách thức hoạt động của web truyện tranh lậu.

Năm 3 đại học, do dịch bệnh bùng phát nên tôi bắt buộc phải từ bỏ công việc làm thêm và trở về quê, tham gia vào việc học online. Thời gian rảnh khá nhiều, lại không thể kiếm thêm công việc gì khác, nên tôi quyết định xin vào một nhóm dịch truyện tranh lậu mới thành lập.

Công việc dịch truyện tranh, so với các công việc dịch thuật khác khá nhàn. Đa phần là lời thoại ngắn, ngữ pháp đơn giản, tôi còn được đọc những trang truyện mới nhất mà không phải bỏ ra đồng nào, nên thời điểm đó tôi khá thích công việc này.

Nhưng đã là dịch truyện lậu thì tất nhiên là không thiếu vấn đề. Và tôi đã chứng kiến nhiều chuyện.

Môi trường phức tạp

Người dịch truyện tranh lậu thường là sinh viên, học sinh, hoặc người đã đi làm nhưng làm thêm vì yêu thích truyện tranh. Vì là dịch lậu nên lương khá thấp, chỉ 5.000-10.000 đồng/chương truyện, nếu truyện nào hot, giá là 30.000 đồng/chương.

dich truyen tranh lau anh 1

Lương thấp và đa phần là tự lập, các cuộc trao đổi bàn giao công việc được thực hiện hoàn toàn online. Điều này cũng dẫn đến những bất cập như chậm lương, quỵt lương. Vì chỉ cần tắt điện thoại đi thì dịch giả sẽ không thể liên lạc lại với chủ trang web được nữa.

Thời điểm tôi bắt đầu dịch truyện cũng chính là thời điểm vàng của các nhóm dịch lậu. Dịch bùng phát, nhiều nơi giãn cách xã hội, lượng người truy cập vào các website gia tăng đáng kể. Đánh hơi thấy món hời béo bở, vô số trang web mọc lên như nấm sau mưa, thị trường web truyện lậu cạnh tranh hơn.

Đầu tiên là cạnh tranh về số lượng truy cập. Các web thường sẽ cố gắng là nhóm dịch đầu tiên đăng chương mới nhất, truyện mới nhất để câu kéo được những độc giả đang “đói” truyện. Nghĩa là ngay lập tức sau khi truyện ra mắt ở nước ngoài, các đối tượng này phải huy động mọi công suất để tải truyện về, dịch và chỉnh sửa thật nhanh rồi đăng lên.

Một bộ truyện mới ra mắt có thể đăng 20 chương truyện trong một đêm. Chủ web sẽ liên kết và huy động hơn 30 người cùng dịch, biên tập và đăng tải trong đêm. Vì lẽ này, truyện dịch có nhiều lỗi. Nhưng vì là truyện dịch lậu, nhiều độc giả cũng tặc lưỡi cho qua, hoặc cùng lắm đọc ở website lậu khác đăng chậm hơn nhưng dịch tốt hơn.

Sau khi câu kéo được những lượt truy cập đầu, các nhóm dịch sẽ tìm cách để câu kéo độc giả từ các bên khác bằng cách bêu riếu, nói xấu và chỉ trích các nhóm dịch khác.

Nhiều bên sẽ tố nhóm dịch này biên tập xấu, nhóm dịch kia chất lượng dịch thấp hoặc cho rằng dịch giả bên này sao chép lại bản dịch của bên kia. Thường chủ sở hữu web này đã dịch truyện này rồi thì web khác không được dịch nữa (dù cả hai bên đều là dịch lậu).

Thậm chí có bên còn cho người xin vào nhóm dịch khác để chụp các cuộc nói chuyện riêng tư, các tư liệu dịch và truyện để “bóc phốt”. Những bộ truyện tưởng chừng rất đơn giản, lại gây ra các cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng.

Ảnh hưởng đến tác giả và cộng đồng truyện tranh Việt Nam

Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các chủ sở hữu web truyện không bản quyền cũng như các nhóm dịch khiến cho nhiều người đã tìm đến những phương pháp khá cực đoan để “bóc phốt” nhau. Một số vụ việc đã làm ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng yêu thích truyện tranh ở Việt Nam.

dich truyen tranh lau anh 2

Thời gian giãn cách xã hội, lượng người truy cập vào các website gia tăng đáng kể. Ảnh: wallpaperaccess.

Tiêu biểu, trong khoảng thời gian tôi còn làm việc, một dịch giả của nhóm A nhắn tin riêng với chính tác giả để tố cáo một nhóm dịch khác.

Tất nhiên, các tác giả Hàn Quốc không lạ gì với việc truyện của họ bị dịch lậu sang nhiều thứ tiếng. Hàng năm có hai đến ba cuộc kiểm tra và càn quét trên mọi nền tảng mạng xã hội để kiểm soát do các công ty đứng ra thực hiện.

Nhưng vấn đề ở đây chính là việc báo cáo trực tiếp này của A đã khiến tác giả tức giận và lên án hành vi dịch lậu ở Việt Nam ngay trên trang Twitter cá nhân. Ngay lập tức, một lượng lớn độc giả Việt đã tràn vào để chỉ trích và quấy rối tác giả.

Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của tác giả và khiến bộ mặt của người hâm mộ truyện tranh Việt Nam ngày càng trở nên xấu đi.

Là một người thực sự yêu thích truyện tranh, chứng kiến cảnh các web đăng truyện không bản quyền cắn xé lẫn nhau, những ảnh hưởng nặng nề của việc dịch lậu đối với chính tác giả và ngành truyện tranh Việt Nam, tôi quyết định dừng công việc này lại.

Bẵng đi một thời gian, tôi phải quay lại với việc học và việc làm, không có thời gian để đọc truyện nữa, cơn sốt webtoon ở Việt Nam cũng dần hạ nhiệt, nhưng rõ ràng đến nay, các web vẫn tiếp tục dịch lậu, hậu quả vẫn còn kéo dài.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn về địa chỉ email: toasoan@zing.vn.

App nhận đánh giá một sao vì bán truyện tranh bản quyền

Nhiều trang truyện tranh lậu bị cơ quan chức năng xử lý xong lại lập ra những trang khác. Độc giả và đại diện các đơn vị làm truyện tranh chia sẻ góc nhìn.

Cuộc chiến giữa ứng dụng truyện tranh bản quyền và các kênh đăng lậu

Thời gian qua, các ứng dụng đọc truyện tranh bản quyền dần phát triển tại Việt Nam. Một trong những khó khăn của các app này là cuộc cạnh tranh với các kênh đăng lậu.

Hương

Bạn có thể quan tâm