Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Tôi tự chăm chồng mắc Covid-19 ở Indonesia'

Một số người Việt có thân nhân bị mắc Covid-19 ở những nước có số ca nhiễm cao đều phải chăm sóc người bệnh tại nhà, đồng thời bảo vệ những thành viên khác khỏi lây nhiễm.

tu chua Covi19 tai nha anh 1

Maika Phan ở Indonesia và Nga ở Malaysia đều có chung một trải nghiệm khó quên trong đại dịch: có chồng mắc Covid-19 và đều phải tự cách ly và điều trị tại nhà.

Chia sẻ với Zing, Nga cho biết chồng chị, anh Cayden, vốn là người Malaysia, tuy nhiên, anh mắc bệnh khi cả hai vợ chồng đang công tác tại Philippines từ hồi tháng 1.

Sau khi mệt mỏi và mất khứu giác, vị giác, anh đi xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với virus. Vợ chồng anh quyết định cách ly và chữa trị tại nhà vì có phòng và nhà vệ sinh riêng.

“Lúc đó tình hình bên ngoài không ổn lắm vì Philippines thời điểm đó mỗi ngày đều có hơn 1.000 ca mắc mới. Trong công ty tôi cũng có người đi cách ly, tôi nghe họ nói trong khu cách ly ít khi có bác sĩ thăm hỏi hay thuốc thang gì, vì lực lượng y tế tập trung chữa cho các trường hợp nặng, không thể tự thở, cần máy oxy và cần quan tâm chăm sóc đặc biệt”, chị nhớ lại.

tu chua Covi19 tai nha anh 2

Bệnh viện tại Philippines chủ yếu tập trung điều trị cho người bị Covid-19 nặng. Các trường hợp nhẹ có thể cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện. Ảnh: AFP.

“Anh Cayden khi đó không có triệu chứng nặng, tự thở được nên tôi bảo anh xin phép chính quyền cho cách ly tại nhà, và hứa rằng sẽ gọi điện báo cáo cho chính quyền hàng ngày”, Nga kể.

Tại Indonesia, Maika Phan (30 tuổi) cũng nhận tin không tốt ngay trong dịp năm mới. Vì chỉ có các triệu chứng nhẹ nên anh Tutus không được nhập viện và cũng không có bác sĩ hỗ trợ tư vấn.

“Trong thời gian tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, tôi mong trải nghiệm của mình sẽ giúp ích được cho những người cần thiết”, Maika nói với Zing.

Chuẩn bị trước cho mọi kịch bản

“Lúc mới nghe tin chồng mắc Covid-19, tôi khá sốc vì sợ nếu cả nhà cùng bệnh thì các con không ai chăm sóc. Bé đầu nhà tôi lúc đó mới gần 3 tuổi, bé thứ hai được 3 tháng tuổi và bú mẹ”, Maika chia sẻ.

Maika cho biết thời điểm đó đang là dịp lễ, nên bạn bè và người thân đều ở xa, không ai giúp đỡ. Chị vừa sinh con 3 tháng. Mọi gánh nặng khi ấy dường như dồn lên vai chị.

Tự nhận là người lạc quan và bình tĩnh, Maika nhanh chóng lấy lại tinh thần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Trước tiên, chị và hai con đi xét nghiệm và nhận kết quả âm tính.

“Thời gian tập sinh tồn đã đến. Phải cố gắng vững tin để đồng hành cùng chồng và chăm sóc hai con nhỏ. Nếu qua được đợt dịch này, không gì có thể làm khó mình nữa”, Maika đã nghĩ khi đó.

Trấn an bản thân xong, chị bắt đầu mua đồ ăn và nhu yếu phẩm để trữ trong vòng hai tuần gia đình chị cách ly.

Chị cũng tìm mua máy đo nồng độ oxy và và bình trữ dưỡng khí để phòng trường hợp trở nặng. Maika cho biết thời gian đó, chị vẫn có thể mua bình oxy trên mạng. May mắn, chồng chị chưa khi nào khó thở đến mức phải dùng đến nó.

tu chua Covi19 tai nha anh 3

Maika Phan và chồng. Ảnh: NVCC.

“Tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng tiền mặt, xe đổ đầy xăng, giấy tờ, quần áo, sữa bỉm đầy đủ, để hễ chồng có triệu chứng nặng, tôi có thể đưa anh đi bệnh viện ngay lập tức. Ngoài ra, tôi còn liên hệ với một các sĩ ở bệnh viện gần nhà để nhờ tư vấn và hỏi ý kiến qua điện thoại khi cần”, Maika kể lại.

“Tình hình dịch phức tạp, không thể nói trước được điều gì, nên việc chuẩn bị sẵn sàng là điều cần thiết”, chị nói.

Chữa trị

Cả Nga và Maika đều cho biết chồng họ chỉ mắc các triệu chứng nhẹ như sốt, mất vị giác, khứu giác, mỏi cơ, đau họng, đau ngực, nghẹt mũi. Hai người vợ chủ yếu chuẩn bị thuốc cho chồng theo triệu chứng và bổ sung rau củ, trái cây có nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng, và không ăn đồ nhiều dầu mỡ để tránh khó tiêu.

Phần lớn các loại thuốc mà họ sử dụng là thuốc cơ bản, rất dễ tìm thấy tại các nhà thuốc như vitamin tổng hợp, vitamin C, thuốc hạ sốt, giảm đau, bù điện giải, uống theo hướng dẫn của dược sĩ.

Nga cho biết thêm sáng và tối anh Cayden đều súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng để vệ sinh khoang miệng, nhằm giúp làm dịu tình trạng khô hoặc kích ứng nhẹ của miệng và cổ họng, chữa đau họng, tiêu đờm, diệt vi khuẩn gây ngứa và virus ở cổ họng.

Ngoài thuốc thang, thực đơn hàng ngày, các bài tập thể dục và việc vệ sinh cũng đóng vai trò quan trọng. “Tôi cho anh uống 3 lít nước mỗi ngày, ngoài ra còn nấu thêm nước gừng để tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Ngoài các loại trái cây giàu vitamin như bơ, cam, đu đủ,... mỗi sáng sớm tôi cũng chuẩn bị cho anh một muỗng dầu dừa và một muỗng mật ong tự nhiên”.

tu chua Covi19 tai nha anh 4

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người dân ở Philippines. Ảnh: Reuters.

Chị lưu ý khi ngủ không được mở máy lạnh và nên mở cửa sổ cho trong nhà thoáng và liên tục có không khí mới vào nhà. Khi thức, thỉnh thoảng anh Cayden cũng chỉ mở máy lạnh ở 26 độ C, đồng thời vẫn mở cửa sổ.

Bên cạnh đó, mỗi ngày chị Nga đều hối thúc chồng tập yoga, thiền plank để toát mồ hôi và tăng cường trao đổi chất. “Các bài tập này thường rất dễ, ngay cả người chưa tập bao giờ cũng có thể thực hiện được. Vì cơ thể mệt mỏi, người bệnh có thể rất lười tập, tôi phải thường xuyên nhắc anh và bắt anh quay video lại mỗi khi tập để tôi kiểm tra”.

Vì là bệnh về hô hấp, nên tập thở là điều cần thiết để tăng cường oxy vào phổi. “Mỗi sáng sớm ngủ dậy, chồng tôi đều phải tập thở bằng cách hít sâu. Lúc mới bệnh, việc này khá khó khăn vì mỗi lần hít thở sâu sẽ đau ngực, vì vậy, cần tập từ từ, ban đầu là ngày 2 lần, sau đó tăng dần lên 5 lần, 10 lần”.

Cả Nga và Maika đều nói rằng họ đã quan sát nhiều người từng mắc Covid-19 xung quanh và thấy rằng tùy cơ địa và sức khỏe tổng thể của mỗi người mà có thời gian phục hồi khác nhau. Chồng Maika phục hồi trong 10 ngày, trong khi chồng Nga sau 14 ngày điều trị vẫn còn các triệu chứng mất khứu giác và vị giác và khoảng 6 tháng sau anh mới nếm và ngửi được bình thường.

tu chua Covi19 tai nha anh 5

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia đang diễn biến phức tạp, vì vậy, đã 2 tháng nay Maika không ra khỏi nhà. Ảnh: Reuters.

Sức khỏe tinh thần

Cả Nga và Maika đều cho rằng tinh thần tốt là yếu tố quan trọng giúp người bệnh mau khỏe, cũng như tiếp sức cho các chị vượt qua thời điểm khó khăn.

“Nếu đi cách ly tập trung, lủi thủi một mình không ai ở bên động viên chăm sóc, chắc tình trạng của chồng tôi khó có thể nhẹ được như vậy. Biết có mẹ con tôi luôn túc trực bên ngoài phòng, anh sẽ đỡ tủi thân hơn. Nằm ngay trong nhà mà anh còn bảo rằng nhớ mẹ con tôi nữa”, Nga nói.

Chị nói rằng trong những ngày bị bệnh, tâm lý bệnh nhân thường chán chường vì mệt mỏi và uể oải, vì vậy gia đình cần luôn quan tâm và động viên. Chị kể: “Mẹ con tôi ngày nào cũng hát hò, nhảy múa và quay video rồi gửi anh xem để anh phấn chấn”.

Maika cũng kể lại trải nghiệm tương tự. Chị cho biết ngay khi biết mình bị bệnh, chồng chị bắt đầu căng thẳng, xuống tinh thần vì lo lắng sẽ lây cho vợ và hai con nhỏ. “Anh hay khó ngủ. Vì bị mỏi cơ nên thường sau 23h anh mới ngủ được. Có đêm, anh mải suy nghĩ, phần vì buồn khi phải gác lại nhiều kế hoạch của gia đình, phần vì lo lỡ anh có chuyện gì thì không ai lo cho vợ con. Có hôm anh suy nghĩ đến tận 3h, khiến hôm sau nhịp tim tăng cao vì thiếu ngủ”.

Những lúc như vậy, Maika phải “gọi video để nói chuyện cho anh đỡ chán và suy nghĩ lung tung”.

“Nói vậy chứ thật ra đôi khi tôi cũng sợ. Tôi sợ anh ngủ rồi hôm sau sẽ ‘đi xa’ luôn. Thời gian đó, tôi thấy biết ơn và quý trọng những ngày bình thường gia đình có thể ăn uống, ngủ nghỉ bên nhau”, Maika chia sẻ.

Dẫu vậy, chị vẫn nhanh chóng gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và cố giữ tinh thần lạc quan. “Chuyện gì đến cũng đã đến, cứ bình tĩnh đón nhận để giải quyết mọi việc một cách sáng suốt. Nếu cứ áp lực hay cuống lên mãi, mọi chuyện sẽ chỉ thêm rối và tốn thời gian”, Maika tự động viên bản thân.

tu chua Covi19 tai nha anh 6

Nga cho biết chồng chị sắp được tiêm vaccine tại Malaysia trong tuần tới. Ảnh: Reuters.

Cách phòng bệnh cho người nhà

Để tránh lây bệnh cho người nhà, anh Tutus, chồng chị Maika luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng. Mỗi lần ra vào phòng đều xịt khử trùng xung quanh. Mọi đồ dùng sinh hoạt như ly uống nước, khăn mặt… đều dùng riêng.

“Sau khi chuẩn bị đồ ăn xong, tôi đem đến để trước cửa phòng và anh tự ra lấy. Sau khi ăn uống, tắm rửa xong, chén dĩa và quần áo đều để gọn trong phòng, sáng sớm hôm sau anh sẽ tự đem ra rửa chén và giặt quần áo riêng”.

“Về phần tôi và các bé, chúng tôi rửa tay và tắm rửa thường xuyên, ăn ngủ đủ bữa đủ giấc, bổ sung trái cây và uống nước cam hàng ngày để tăng sức đề kháng”, Maika thuật lại.

“May mà con không sao chứ tôi cũng lo ngay ngáy. Hàng này, tôi đều cho bé uống vitamin C và và vitamin tổng hợp dạng syrup, 16h mỗi ngày là xay sinh tố uống. Cũng may con gái tôi ngoan, chịu ăn rau và trái cây”, Nga chia sẻ tương tự.

Ngoài việc tránh tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất có thể, tăng cường dinh dưỡng, đề kháng, Nga tin rằng rèn luyện thể chất và giữ vững tinh thần cũng là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cho mẹ con chị.

“Mẹ con tôi thường xuyên mở nhạc rồi trải thảm nhảy theo. Nhà tôi cũng có máy Nintendo Switch, thỉnh thoảng mẹ con mở lên chơi để vừa giải trí vừa vận động tay chân. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường tập thể dục, thể thao như tập yoga hay ngồi thiền”, Nga kể.

Người Việt ở Indonesia: 'Hoặc tự khỏi Covid-19, hoặc chết'

Một số người Việt ở các điểm nóng Covid-19 ở Indonesia mô tả họ chỉ có thể tự mình xoay xở khi mắc bệnh vì bệnh viện không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân.

Đại dịch cướp đi 'đặc sản' kẹt xe của Bangkok

Một số người Việt tại thủ đô Thái Lan cho biết họ thấy lạ lẫm với một Bangkok buồn tẻ và vắng vẻ vì Covid-19.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm