Làn sóng Covid-19 tiếp theo đang quét qua Bangkok, và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt cũng "quét" luôn cảnh nhộn nhịp trứ danh của thành phố này. Những người Việt từng biết đến cảnh kẹt xe "hơn cả Hà Nội hay TP.HCM" miêu tả với Zing về con đường đi làm về chỉ có bóng mình mình.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đã diễn ra ở Thái Lan được hơn 3 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Ngày 8/7, Thái Lan có thêm 7.058 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên 308.230 ca. Số ca tử vong trong ngày đạt mức kỷ lục, với 75 trưởng hợp. Kể từ khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái, Thái Lan đã có 2.462 người không qua khỏi Covid-19.
Một số người Việt sống tại Bangkok, tâm dịch của Thái Lan, cho biết dù có chút nghi ngại, nhưng họ vẫn không thấy quá lo lắng, luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan và tuân thủ các biện pháp phòng tránh để an toàn qua đại dịch. Bên cạnh đó, họ cũng mô tả lại một Thái Lan khác lạ nhưng vẫn có nhiều điều tốt đẹp, trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành.
Cao Uy (31 tuổi), nhân viên văn phòng làm việc ở Bangkok được hơn một năm, mô tả rằng hiện tại, gần như tòa nhà hay công ty nào ở Bangkok cũng có người mắc Covid-19. “Tòa nhà tôi ở và công ty đều có người mắc bệnh. Bệnh viện bên này cũng có hơi quá tải”, anh nói với Zing.
“Không chủ quan, cũng không sợ hãi”
Nguyễn Văn Minh Chiến (31 tuổi), nhân viên chăm sóc khách hàng tại Bangkok, cho biết tại Thái Lan, những bệnh nhân không có triệu chứng nặng và không cần thở máy thì sẽ được kê đơn để cách ly và điều trị tại nhà chứ không được nhập viện, nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Chiến nói thêm: “Chi phí thăm khám, nhập viện điều trị tại Bangkok khá đắt”.
Uy đồng ý, nói rằng chi phí nhập viện và khám chữa tại Bangkok cao đối với người nước ngoài.
“Tôi không biết tiếng Thái, vì vậy nếu lỡ mắc bệnh trước khi tiêm vaccine, tôi rất có thể phải đến khám ở những bệnh viện quốc tế có viện phí đắt đỏ”, anh nói với Zing.
Dẫu vậy, cả Uy, và Chiến đều cho biết dù có hơi nghi ngại về tình hình dịch bệnh leo thang, họ và những người xung quanh, đều không quá lo lắng hay sợ hãi.
“Tôi đã sống ở Philippines trước khi qua Thái Lan. Tình hình dịch bệnh ở đó từ năm ngoái đã căng thẳng hơn Thái Lan và Việt Nam rất nhiều. Vì vậy, khi ở Thái, tôi thấy rất bình thường”, Uy nói.
“Tôi nghĩ, dù biến chủng mới có lây lan nhanh hơn, nếu chúng ta cẩn thận, chăm sóc tốt sức khỏe của mình, thì không có gì cần hoang mang. Chúng ta cũng có thể chuẩn bị cho trường hợp mắc bệnh bằng cách tăng cường sức đề kháng và mua bảo hiểm”, anh chia sẻ thêm.
Chiến đồng tình: “Tôi không chủ quan, nhưng cũng không sợ hãi. Theo tôi quan sát, người dân tại đây cũng không hoảng loạn, nên tôi cũng thấy yên tâm theo. Ngoài ra, tôi cũng đã nghe quen các thông tin về đại dịch ở Thái Lan. Thời điểm này, tôi chỉ biết tìm hiểu thông tin khoa học, cách phòng ngừa để tránh hoang mang và để bảo vệ bản thân tốt hơn”.
Bên cạnh đó, cả hai người đều nói rằng cơ hội tiếp cận vaccine Covid-19 ngày càng gần, chính phủ Thái Lan và các bệnh viện tư nhân đều đã mở đăng ký tiêm chủng cho người nước ngoài. Vì vậy, các anh cảm thấy khá yên tâm, cố gắng nâng cao đề kháng và tuân thủ các biện pháp phòng tránh cho đến khi được chủng ngừa đầy đủ.
“Buồn vì Bangkok không kẹt xe”
Anh Cao Uy, đã làm việc ở Bangkok được một năm và từng nhiều lần đi du lịch đến đây trước đó, cho biết cảnh tượng Thái Lan giờ đây rất khác so với vài tháng trước, khiến anh cảm thấy lạ lẫm.
Anh kể lúc mới sang, Thái Lan đã có dịch nhưng rất nhẹ. Hàng quán tuy mở ít hơn trước khi có dịch, du lịch cũng có chững lại một chút, nhưng nhìn chung cuộc sống vẫn diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, đợt bùng dịch này khiến mọi thứ khác hẳn.
“Những con phố sầm uất bậc nhất Bangkok không có người đi lại. Bangkok trước giờ nổi tiếng kẹt xe, thậm chí còn hơn cả TP.HCM và Hà Nội rất nhiều, vậy mà bây giờ, nhiều hôm đi làm về, cả con đường chỉ có một mình tôi”, Uy nói.
Anh cho biết thủ đô ngày thường đến 21h, 22h vẫn rất "sầm uất, lung linh, tươi sáng". Thế nhưng bây giờ, những gì anh nhìn thấy là sự "thưa thớt, buồn thảm và ảm đạm".
“Tôi cảm tưởng như mình đang ở năm 2000 vậy”, anh so sánh.
Nhiều tháng sống trong quang cảnh đìu hiu vì đại dịch, Uy đùa rằng mình cảm thấy “thèm khát” các lễ hội nổi tiếng vốn tạo nên tên tuổi của ngành du lịch Thái Lan. “Hai năm rồi tôi không được tham gia lễ hội té nước. Tôi thèm được đi ra ngoài, thèm cầm súng nước tham gia lễ hội”.
“Bangkok hiện tại sống chậm, vắng vẻ và yên ắng, mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm và góc nhìn mới, nhưng tôi nhớ một Bangkok nhộn nhịp, ồn ào hơn”, Uy nói.
Chiến cũng có mô tả tương tự: “Tôi thấy buồn vì thời gian này không thấy ‘đặc sản’ kẹt xe ở Bangkok. Tôi vẫn chưa quen với một Bangkok vắng vẻ và buồn đến vậy”.
Đều là những người thích du lịch, Uy và Chiến đã phải huỷ bỏ nhiều kế hoạch đi chơi vì ảnh hưởng của đợt dịch lần này. Cả hai anh đều mong muốn chính phủ Thái Lan sẽ sớm có kế hoạch “sống chung với Covid-19” sau khi tiêm chủng cho đủ dân số, như Singapore đang có ý định, để họ sớm có thể nhìn thấy một Bangkok, một Thái Lan tấp nập và vui như xưa.
Sự lạc quan của người Thái
Cả Uy và Chiến và đều thừa nhận rằng họ cảm thấy không quá lo lắng dù đại dịch leo thang một phần là nhờ được truyền năng lượng tích cực từ người dân Thái Lan.
“Số ca nhiễm ở Thái Lan lớn hơn Việt Nam nhiều và họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì không có khách du lịch. Dẫu vậy, mỗi lần ra đường mua sắm, tôi đều thấy người Thái vẫn rất vui vẻ, lạc quan. Khi tiếp xúc với họ, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà họ mang lại”, Chiến nói.
Anh cũng cho biết thêm bản thân trước đây là người khá tiêu cực và dễ căng thẳng. Tuy nhiên, sau thời gian sống ở đây, anh thấy tinh thần thoải mái hơn nhiều dù đang sống nơi tâm dịch.
Uy bổ sung: “Điều tôi thấy ấn tượng nhất khi ở Thái trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là sự vui vẻ, lạc quan, nhiệt huyết và nụ cười thường trực ở người dân Thái. Dù là người nước ngoài, tôi vẫn cảm thấy không hề xa cách”.
Uy cho rằng trong bối cảnh đại dịch, tinh thần đóng vài trò rất quan trọng. Anh khuyên nhủ người dân ở Việt Nam không nên hoảng loạn, mà hãy giữ vững tinh thần lạc quan và tin tưởng như người Thái. Anh tin rằng vaccine sẽ sớm được đưa đến tay mọi người dân, và chính phủ sẽ đưa đất nước qua khỏi đợt bùng dịch lần này, dù ở Thái Lan hay Việt Nam.
Bên cạnh đó, Uy cũng nhận thấy nhiều giá trị tốt đẹp khác ở Thái Lan trong đại dịch, chẳng hạn như chính sách 50-50 của chính phủ Thái Lan. Theo đó, người dân đến mua hàng của những tiểu thương đăng ký chương trình này sẽ được trợ giá 50%.