Tại Thái Lan, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng trên toàn quốc, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở người dân vẫn thấp. Theo các chuyên gia y tế, những yếu tố này có thể khiến Thái Lan bỏ lỡ mục tiêu mở cửa trong thời gian tới, Bloomberg đưa tin.
Dịch bệnh bùng phát
Sau Trung Quốc, Thái Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận các ca mắc Covid-19. Nước này từng phải vật lộn với đại dịch trong thời gian đầu. Sau khi áp đặt lệnh phong tỏa hồi năm ngoái, Thái Lan đã đẩy lùi dịch bệnh thành công.
Song biện pháp nghiêm ngặt này đã khiến ngành du lịch trọng điểm của Thái Lan bị đình trệ, đẩy nền kinh tế xuống mức chạm đáy trong hơn hai thập kỷ. Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha mong muốn đất nước sớm mở cửa trở lại, nhằm giảm mức thiệt hại với thị trường lao động và ngành du lịch.
Song lúc này, các bệnh viện tại Thái Lan đều quá tải do số ca mắc mới tăng nhanh gấp 10 lần kể từ đầu tháng 4. Tình hình căng thẳng buộc các nhà chức trách phải mở thêm cơ sở điều trị tạm thời, thậm chí trưng dụng một số khách sạn thành bệnh viện.
Người dân Thái Lan tại một sân bay trong thời dịch. Ảnh: AFP. |
Trước biến chủng Delta siêu lây nhiễm, nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á, như Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha hay Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đều siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo chuyên gia Anan Jongkaewwattana về virus học phân tử tại Trung tâm Quốc gia về Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học, kế hoạch mở cửa có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng ở Thái Lan.
Ông Jongkaewwattana cho biết: “Một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt là lối thoát duy nhất. Phương án này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, song về lâu dài, tình hình sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh”.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Chan-ocha đã đặt thời hạn 120 ngày để Thái Lan mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo ông Chan-ocha, đây là “rủi ro được tính toán” để giảm bớt gánh nặng cho những người mất đi thu nhập.
Thủ tướng Thái Lan mong muốn ngành du lịch, vốn đóng góp khoảng 20% vào GDP nước này, sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp được hoạt động trở lại, dù các thành phố lớn ở Thái Lan đang ghi nhận nhiều cụm dịch.
Lo ngại trước kế hoạch mở cửa
Trước đó, chính phủ đã ra lệnh hạn chế đối với các nhà hàng và công trình xây dựng, song các ổ dịch vẫn xuất hiện. Trong tuần qua, Thái Lan mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 5.000 ca mắc mới.
Hôm 7/7, lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 cho biết họ đang cân nhắc đến khả năng phong tỏa thủ đô Bangkok và các điểm nóng khác về dịch tễ. Viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra nếu giới chức y tế đưa ra đề xuất.
Chuyên gia Jongkaewwattana cho biết: “Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, đợt bùng phát ở Thái Lan sẽ tồi tệ hơn tình hình tại Indonesia. Trong vài tháng tới, nước này có thể ghi nhận hơn 20.000 ca mắc trong một ngày”.
Theo ông Jongkaewwattana, tình trạng lây nhiễm đang trở nên phức tạp và lan rộng trong cộng đồng. Do đó, các biện pháp hạn chế hiện tại là chưa đủ.
Dịch bệnh bùng phát cũng làm giới đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán và giá trị tiền tệ của quốc gia này.
Chiến lược gia Koraphat Vorachet từ công ty tư vấn tài chính Capital Nomura Securities cho biết khách hàng nên chọn lọc các khoản đầu tư, đồng thời cân nhắc tới những yếu tố bất ổn từ đại dịch.
Đảo du lịch Phuket của Thái Lan. Ảnh: Bloomberg. |
Theo ông Vorachet, những mô hình du lịch thử nghiệm như đảo Phuket cần được kiểm soát chặt chẽ. Nếu mô hình này gây ra một đợt bùng phát nghiêm trọng, hoạt động kinh tế sẽ bị trì hoãn và không thể phục hồi.
Các công ty tại Thái Lan cũng cảnh giác với chính sách mở cửa trở lại, khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Đa số các giám đốc điều hành thuộc Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan đều mong muốn chính phủ chỉ mở cửa đất nước khi tỷ lệ lây nhiễm giảm đáng kể.
Theo nhà kinh tế học Somprawin Manprasert từ Ngân hàng Ayudhya Pcl, Thái Lan chưa thể phục hồi nền kinh tế khi kế hoạch tiêm chủng còn đình trệ và kém hiệu quả. Ông Manprasert nói các chính sách đều phải phục vụ những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch.
“Những gì Thái Lan có thể làm bây giờ là ban hành thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế”, chuyên gia này nhận định. “Giống như việc cấp cứu, bác sĩ trước tiên phải đảm bảo bệnh nhân còn sống, rồi mới tính đến việc chữa trị”.
Khi dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng, chính phủ phải loại bỏ quy định bắt buộc bệnh nhân Covid-19 nhập viện và cho phép họ tự cách ly tại nhà.
Theo ông Anutra Chittinandana, Chủ tịch Đại học Y Hoàng gia Thái Lan, người dân nên cân nhắc việc tự nguyện cách ly xã hội để tránh mắc bệnh.
“Thực tế cho thấy dịch bệnh đã lan rộng và những biện pháp hạn chế hiện tại sẽ không giúp ngăn chặn sự bùng phát đó”, ông Anutra nói. “Nếu chúng ta không thắt chặt các hạn chế, tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân”.
Tính đến ngày 8/7, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 308.230 ca mắc và 2.462 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.