Đêm 9/12/2019 tại khu Makati sang trọng của Manila, một phụ nữ gào thét khi bị lôi vào chiếc xe tải trước sự hãi hùng của các nhân chứng. Cảnh sát sau đó xác định nạn nhân là Zhou Mei, đến từ Trung Quốc, và những kẻ bắt cóc là những người cùng quốc tịch. Đây là vụ án mới nhất trong chuỗi các vụ bắt cóc liên quan tới người từ Trung Quốc đại lục.
Gần như tất cả vụ việc đều có liên kết với các nhà điều hành cờ bạc hải ngoại Philippines (Pogo). Họ có trụ sở tại địa phương nhưng phục vụ các con bạc ở Trung Quốc, nơi hoạt động này là bất hợp pháp.
Một trang web đánh bạc trực tuyến ở Philippines nhắm vào các con bạc Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Tập đoàn Giải trí và Cờ bạc Philippines (Pagcor) bắt đầu cấp giấy phép Pogo sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016, khi chính quyền của ông dự kiến nhận hàng tỷ tiền thuế từ các công ty cờ bạc và sòng bạc trực tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình này, đất nước đã trở thành lãnh địa mới cho hoạt động bất hợp pháp.
"Philippines đang trở thành thiên đường cho tội phạm và tập đoàn tội phạm Trung Quốc", Teresita Ang-See, Chủ tịch Phong trào Khôi phục Hòa bình và Trật tự, một tổ chức giám sát chống tội phạm, nói với South China Morning Post.
Dụ dỗ, bắt cóc con bạc từ Trung Quốc
Đã có 67 vụ bắt cóc liên quan đến cờ bạc kể từ năm 2017, gần như tất cả nạn nhân là người Trung Quốc, theo Nhóm Chống bắt cóc của Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP AKG). Tuy nhiên, Ang-See cho biết con số này cao hơn thế nhiều.
"Trước đây, nó xảy ra một lần một tháng, rồi trở thành một lần một tuần, hai lần một tuần. Giờ có đến hai, ba vụ việc liên quan đến người Trung Quốc mỗi ngày ở Metro Manila", bà nói.
Thông thường, các nạn nhân là mục tiêu của bọn lừa đảo. Họ bị dụ dỗ đến Philippines đánh bạc hoặc là nhân viên của Pogo. Họ thường được cho vay tiền để đánh bạc, với người cho vay lấy một phần tiền thắng. Nếu người chơi thua bạc, họ bị bắt cóc và chỉ được thả khi người thân trả tiền chuộc.
Theo truyền thông địa phương, một số nhân viên Pogo muốn nghỉ việc hoặc chuyển sang công ty khác cũng bị bắt cóc. Nhiều nạn nhân được giải cứu từ chối hợp tác với chính quyền.
PNP AKG phải đào tạo thêm nhân viên để đối phó với các vụ bắt cóc gia tăng. Ang-See cho biết cảnh sát phải phối hợp với cộng đồng người Philippines gốc Hoa và "rất thiếu phiên dịch viên".
Công dân Trung Quốc bước ra khỏi tòa nhà văn phòng điều hành cờ bạc ở nước ngoài tại thành phố Paranaque, Philippines. Ảnh: SCMP. |
Hồi tháng 8, Bắc Kinh kêu gọi Manila trừng phạt Pogo cũng như các sòng bạc sử dụng trái phép công nhân Trung Quốc và ngược đãi họ. Tuy nhiên, vấn đề là Pogo đóng góp lớn cho nền kinh tế Philippines. Dựa trên hồ sơ của Pagcor, các Pogo đã đóng góp 6,1 tỷ peso (118 triệu USD) trong tổng doanh thu của doanh nghiệp là 67,85 tỷ peso vào năm 2018.
Chính quyền Philippines phải đối mặt với ba vấn đề lớn khi xử lý các tội phạm liên quan: hàng chục, thậm chí hàng trăm Pogo ngầm mọc lên qua đêm và hoạt động không có giấy phép, không mang lại doanh thu cho chính phủ; sự gia tăng lao động không có giấy tờ từ Trung Quốc; và phản ứng yếu ớt, thiếu đồng bộ từ các cơ quan chính phủ.
Tháng trước, nghị sĩ Joey Salceda tuyên bố có ít nhất 100 Pogo hoạt động bất hợp pháp, trong khi vào tháng 10/2019, tờ Daily Inquirer của Philippines báo cáo rằng chính phủ đã đóng cửa gần 200 hoạt động đánh bạc bất hợp pháp trong năm.
Lỗ hổng thị thực
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, Pogo rõ ràng có khả năng xuất hiện ở bất cứ đâu.
"Những người này sẽ đến, tìm một người môi giới, thuê văn phòng, dựng lên và hoạt động mà không có giấy phép", Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian, Phó chủ tịch ủy ban thượng viện về các vấn đề kinh tế, nói với South China Morning Post.
Khi các đội từ cảnh sát, Pagcor, BIR và Cục Di trú đột kích và đóng cửa Pogo, họ cũng tập trung các lao động Trung Quốc bất hợp pháp. Hàng trăm người đã bị bắt trong năm nay, bị gửi đến các trại giam và sau đó bị trục xuất với sự giúp đỡ của cảnh sát Trung Quốc trên các chuyến bay thuê bao.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cảnh báo tất cả Pogos đăng ký và đóng thuế nhưng tình hình không thay đổi là bao. Ảnh: AP. |
Tình hình càng tồi tệ hơn bởi chương trình "visa khi nhập cảnh" được cựu bộ trưởng Du lịch Wanda Teo khởi xướng vài năm trước. Chương trình này giúp người Trung Quốc dễ dàng vào Philippines, sau đó biến mất và cuối cùng làm việc cho Pogos.
Chuyên gia Ang-See từ Phong trào Khôi phục Hòa bình và Trật tự cho biết những công nhân bất hợp pháp này bị dồn vào các khu chung cư, với một đơn vị có tới 40 người làm việc trong hai hoặc ba ca.
"Thị thực khi tới nơi là một lỗ hổng thực sự lớn. Chúng ta cần hủy bỏ thủ tục đó và quay lại con đường cũ khi họ nộp đơn vào đại sứ quán Philippines (ở Trung Quốc) và được kiểm tra", Thượng nghị sĩ Gatchalian nói.
Thượng nghị sĩ cũng cho biết hệ thống này giúp tội phạm Trung Quốc dễ dàng xâm nhập và rời khỏi đất nước, chỉ ra rằng những kẻ phạm tội ở Philippines "không đến đây rồi trở thành băng đảng, họ là các băng đảng ngay từ đầu".
Ang-See nói thêm rằng chìa khóa để cắt giảm tội phạm liên quan đến công dân Trung Quốc là thực hiện các quy tắc nhập cư chặt chẽ hơn, ngừng cấp giấy phép Pogo và trấn áp hoạt động đánh bạc bất hợp pháp.
Ang-See cho biết, đại sứ mới của Trung Quốc tại Manila, Huang Xilin, nói với bà rằng: "Trung Quốc đã sẵn sàng đàn áp Pogo, chính Philippines mới chưa sẵn sàng".
Bà đồng ý và nói rằng chính phủ Philippines không sẵn sàng đối đầu với các vấn đề với Pogo: "Tôi nghĩ rằng họ đã nhắm mắt làm ngơ".