Những đối tượng lừa đảo được tố báo bán thuốc giả, ngụy trang bình chữa cháy thành bình oxy, thậm chí là tái chế thiết bị bảo hộ y tế cá nhân đã qua sử dụng. Có lúc, mục đích kiếm lợi bất chính này gây ra hậu quả chết người.
SCMP đưa tin Chandrakant - chồng của Komal Taneja - đã qua đời trong tình trạng khó thở tại nhà riêng ở New Delhi vào tháng trước. Trước đó, gia đình Chandrakant bỏ ra 200 USD để đặt mua bình oxy trên mạng. Tuy nhiên, mặt hàng y tế này không bao giờ được giao tới.
Giai đoạn người dân ráo riết tìm mua bình dưỡng khí, giường bệnh trở thành cơ hội béo bở cho tội phạm lừa đảo kiếm lợi. Ảnh: The Straits Times. |
“Tôi gần như tuyệt vọng vì không thể tìm được giường bệnh cho chồng trong suốt một tuần. Gia đình tôi tình cờ thấy một nhà cung cấp bình oxy trực tuyến, hứa hẹn sẽ giao hàng trong vòng một giờ sau khi thanh toán 15.000 rupee (205 USD). Ngay khi tôi đặt mua, họ đòi thêm tiền rồi biến mất”, Komal chia sẻ.
Anh Chandrakant, 36 tuổi, là nhân viên công ty chứng khoán, qua đời hôm 1/5, bỏ lại người vợ đang tìm việc làm để chăm sóc bố mẹ ốm yếu.
Narang - Giám đốc công ty tư nhân ở Noida - mong muốn tìm được máy thở oxy cho người bạn mắc Covid-19 của mình. Anh tìm thấy đường link dẫn đến một nhà cung cấp “trông giống như chính hãng” với nhiều mẫu bình oxy khác nhau, giá cả cạnh tranh.
“Tôi gọi điện cho nhà cung cấp đó. Người đàn ông trong điện thoại yêu cầu tôi trả 45.000 rupee (616 USD), chia làm 2 lần. Tôi đã tin tưởng họ. Thậm chí tôi còn giới thiệu nhà cung cấp đó cho người quen”, Narang chia sẻ. Tuy nhiên, chiếc bình oxy anh đặt mua chỉ là ảo.
Các nhà điều tra cho biết bọn tội phạm hướng tầm ngắm vào những bệnh nhân Covid-19 và thân nhân của họ - những người đang tuyệt vọng vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở Ấn Độ.
Shibesh Singh - cảnh sát cấp cao của Delhi - nhận định giai đoạn người dân đang ráo riết tìm mua bình dưỡng khí và giường bệnh là “thời điểm vàng” để băng nhóm tội phạm lộng hành.
Đội cảnh sát của Shibesh đã bắt giữ nhiều tổ chức lừa đảo, bao gồm băng nhóm sản xuất và bán thuốc kháng virus Remdesivir giả với mức giá cao gấp 40 lần giá thị trường. Một băng nhóm bị bắt giữ còn nguỵ trang bình chữa cháy và bán chúng dưới dạng bình oxy. Nhóm lừa đảo khác thậm chí đóng giả y bác sĩ, lôi kéo bệnh nhân mua giường bệnh.
Trong tuần này, 6 người đàn ông đã bị bắt vì nghi ngờ tái chế hàng tấn găng tay phẫu thuật đã qua sử dụng và bán ra thị trường.
“Chúng tôi chỉ có thể kêu gọi người dân thận trọng với những bên cung cấp dịch vụ y tế trực tuyến”, ông Singh nói.
Ngay sau khi nhóm lừa đảo bị bắt giữ, một số nạn nhân thậm chí yêu cầu cảnh sát áp dụng khung hình phạt cứng rắn như treo cổ hay tù chung thân. “Chúng đang trêu đùa tính mạng con người chứ không chỉ gây ảnh hưởng đến tài chính và tinh thần của nạn nhân nữa", Narang khẳng định.