Theo Reuters, tình trạng thiếu hụt bình oxy đang xảy ra tại nhiều bệnh viện ở Ấn Độ. Trên thị trường chợ đen, bình oxy trở thành mặt hàng được nhiều người săn đón với giá cao gấp nhiều lần thông thường.
Truyền oxy là phương pháp điều trị quan trọng cho các bệnh nhân dương tính với loại virus chết người. Tuy nhiên, hôm 22/4, 6 bệnh viện ở Ấn Độ đã thông báo hết mặt hàng thiết yếu này.
Theo Indian Express, nếu quốc gia 1,3 tỷ dân tiếp tục báo cáo hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, nhu cầu về bình oxy y tế sẽ tăng mạnh ở 12 bang của Ấn Độ.
Cuộc khủng hoảng ca bệnh khiến giá các thiết bị y tế này tăng chóng mặt. Theo Times of India, để mua một bình oxy, người mua phải bỏ ra 250–330 USD. Thậm chí, nhiều đoạn quảng cáo rao bán bình oxy với giá dao động 400–460 USD xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Chia sẻ với AFP, hôm 22/04, một người đàn ông Ấn Độ cho biết ông phải trả 600 USD/bình oxy, mức giá này cao gấp 9 lần so với thời điểm trước khi dịch bùng phát mạnh. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tổng thu nhập của người dân Ấn Độ hàng năm chỉ khoảng 2.120 USD.
Số ca nhiễm Coivd-19 tăng vọt tại Ấn Độ khiến giá bình oxy y tế tại đây trở nên vô cùng đắt đỏ. Ảnh: Getty. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhu cầu về oxy y tế đang tăng vọt ở 25 quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là châu Phi. Hơn nửa triệu bệnh nhân mắc Covid-19 cần được điều trị bằng oxy mỗi ngày, đồng nghĩa với việc các bệnh viện cần 1,1 triệu bình oxy để sử dụng trong vòng 24 giờ.
Brazil, Mexico, Peru, Ai Cập, Nigeria và các quốc gia khác đều ban bố tình trạng thiếu hụt bình oxy khi số lượng ca nhiễm tăng cao. Đáng nói, gia đình các bệnh nhân nguy kịch buộc phải tìm mua bình oxy y tế trên thị trường đen để cứu sống người thân.
Theo Guardian, ở Peru vào năm 2020, giá một bình oxy từng bị đẩy lên tới 1.000 USD. Tại Anh, Washington Post ghi nhận trường hợp một phụ nữ phải trả 1.300 USD cho một bình oxy, đắt gấp 1.000% thông thường.
Theo New York Times, nhu cầu về oxy y tế tăng gấp 7 lần ở Mexico đã tạo điều kiện cho thị trường đen phát triển mạnh. Các báo cáo địa phương cho biết tình trạng tranh chấp, chặn xe chở oxy đã diễn ra ở một số nơi. Không lâu sau, giá bình oxy y tế bán tại chợ đen đã tăng gấp 3 lần.
Brazil cũng trải qua tình trạng thiếu hụt oxy y tế trong thời điểm số ca nhiễm ở mức báo động. Ở Manaus, thành phố của Brazil, để mua một bình oxy 50 lít, các gia đình phải trả gần 1.200 USD, đắt gấp 6,5 lần so với thông thường.
Tuy nhiên, thị trường chợ đen không phải lý do duy nhất khiến giá cả của loại thiết bị y tế này tăng mạnh. Giao thông và cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố khiến tình trạng này diễn ra.
Oxy y tế thường được sản xuất bởi các nhà máy và làm mát trong suốt quá trình vận chuyển. Tại các quốc gia phát triển, oxy thường được vận chuyển dưới dạng lỏng, giúp chúng chiếm ít không gian và tiết kiệm chi phí vận chuyển hơn. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển chỉ đủ khả năng vận chuyển oxy y tế dưới dạng khí.
Cục Báo chí ở Anh cho biết so với bệnh viện trung tâm ở London, các bệnh viện ở Kenya và Nigeria phải trả gấp 5 đến 10 lần để mua một bình oxy y tế.
Theo The Times, vào thời kỳ khó khăn nhất của Mexico, một bình oxy có giá hơn 800 USD, gấp 10 lần chi phí mà bệnh viện ở Mỹ phải trả.
Theo Indian Express, hầu hết bang ở Ấn Độ đã chuyển hướng sản xuất oxy. Thay vì phục vụ các nhu cầu công nghiệp như sản xuất thép, sắt và thủy tinh, oxy sẽ được sử dụng phần lớn cho mục đích y tế. Tuy nhiên, giao thông ở quốc gia 1,3 tỷ dân vẫn là trở ngại lớn. Đặc biệt, các trung tâm sản xuất bình oxy y tế tập trung chủ yếu ở miền đông, trong khi nhu cầu về mặt hàng này tăng cao ở các khu vực khác. Chi phí hậu cần bị độn, đẩy giá một bình oxy lên gấp 5 lần, từ khoảng 5 USD lên đến 26 USD.
All India Radio News cho biết cảnh sát Ấn Độ đã thẳng tay ngăn chặn sự sinh sôi của thị trường “oxy đen”. Chính quyền bang Uttar Pradesh tuyên bố sẽ viện dẫn Đạo luật An ninh quốc gia và Đạo luật Xã hội đen để chống các hành vi tiếp thị, quảng bá thị trường này.
Ngoài ra, để đối phó với cuộc khủng hoảng, Ấn Độ đang lập kế hoạch nhập khẩu 50.000 tấn oxy y tế. Đồng thời, nước này cũng thiết lập chuyến tàu “Oxygen Express” để tiếp tế cho các bang đang hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh. Chuyến tàu này sẽ khởi hành từ nhà máy thép Bokaro, chở theo oxy dạng lỏng.
Chính phủ Ấn Độ hứng chịu nhiều chỉ trích khi không nâng cấp cơ sở hạ tầng từ đầu để tránh tình trạng thiếu hụt như hiện tại.
“Chúng tôi đã không lên kế hoạch cho tình trạng thiếu hụt này dù biết đợt khủng hoảng thứ 2 đang đến”, Tiến sĩ Lalit Kant, nhà dịch tễ học, chia sẻ với BBC.