Karachi (Pakistan) là một trong những thành phố mà tội phạm hoành hành nhất châu Á. Thế nhưng, nhà chức trách địa phương không ghi nhận một trường hợp trộm cắp ôtô nào trong 8 ngày giới nghiêm hồi tháng 3 vì dịch Covid-19. Bên kia đại dương, El Salvador, vốn thuộc nhóm nước có tỷ lệ ám sát cao nhất thế giới, đã trải qua 4 ngày không có người nào bị sát hại trong cùng tháng.
Nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ tội phạm giảm đáng kể, khi các băng đảng như đóng băng hoạt động, theo tạp chí Economist. Italy là nước châu Âu đầu tiên áp dụng giới nghiêm toàn quốc vào ngày 9/3. Tỷ lệ các vụ phạm tội được trình báo tại đây vào giai đoạn 1/3 - 22/3 giảm tới 64% so với cùng kỳ năm 2019.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các số liệu thống kê phạm tội, mà phần lớn là các vụ ít nghiêm trọng như cướp của hoặc tấn công trên đường, lại giảm, ít nhất là trong tạm thời”, Jurgen Stock, tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), nói với Economist.
Tuy nhiên, số liệu chính quyền sở tại cung cấp chỉ phản ánh những trường hợp được trình báo, mà không phải vụ việc nào cũng được khai báo, cụ thể là những hành vi phạm pháp chỉ xảy ra trong một không gian khép kín riêng tư. Trong tháng 3, Italy cho biết tỷ lệ các vụ bạo hành gia đình giảm đến 44%. Nhiều nạn nhân không dám lên tiếng hay tố cáo với cảnh sát khi mà kẻ gây án là người ngay bên cạnh họ.
Cảnh sát Las Vegas cho biết nhiều vụ tội phạm ở thành phố này giảm đáng kể trong giai đoạn giới nghiêm hồi tháng 3 vì dịch Covid-19. Ảnh: KNTV. |
Trong khi đó, tổ chức Dữ liệu bạo lực súng đạn ở Mỹ ước tính hơn 2.000 ca tử vong vì súng xảy ra ở nước này giai đoạn 1/3 - 19/4, mức tăng 6% so với con số trung bình cùng kỳ ba năm trước. Sự việc tương tự từng xảy ra trong dịch cúm 1918-1919. Barry Latzer, giáo sư Trường Tội phạm hình sự John Jay (New York, Mỹ) cho biết số các vụ án mạng năm 1918 tăng ở những bang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì dịch.
Tội phạm công nghệ tăng
Điều đáng lo ngại hơn cả, theo ông Stock, là dịch Covid-19 có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự bành trướng của những băng nhóm tội phạm công nghệ. Dịch bệnh buộc các tổ chức phải phát triển những kỹ năng mới, hoặc thậm chí là tìm thấy cơ hội để xâm nhập vào nền kinh tế chính thống.
Các phi vụ lừa đảo nhanh chóng tràn lan trong mùa dịch, đôi khi chiêu thức rất đơn giản. Ngày 16/3, Ngân hàng dự trữ Nam Phi ra thông báo phủ nhận việc cử nhân viên đến từng nhà để thu hồi tiền giấy bị cho là có thể dính virus corona.
Việc buôn bán dược phẩm giả, mà thường là kém chất lượng, cũng trỗi dậy. Cũng trong tháng 3, chiến dịch Operation Pangaea do Interpol điều phối kết hợp với cảnh sát ở 90 quốc gia đã thực hiện 100 vụ bắt giữ trên toàn thế giới, thu giữ số lượng thuốc giả có thể gây nguy hại sức khoẻ với tổng giá trị đến 14 triệu USD.
Còn tại Brazil, những băng đảng túng thiếu tiền mặt đang gia tăng các vụ cướp bóc ngân hàng.
Trong khi đó, nhu cầu cấp bách những thiết bị bảo hộ chống dịch dẫn đến khả năng trục lợi phi pháp từ việc nhóm bán hàng kém chất lượng, thổi phồng giá, hoặc thậm chí chỉ rao nhưng không có hàng để bán. Hai yếu tố chính đã tiếp tay cho những kẻ phạm tội chính là việc dỡ bỏ những rào cản quy trình thông thường khi chính phủ các nước nóng lòng muốn bảo vệ những y, bác sĩ; và việc không thể gặp mặt trực tiếp giữa kẻ mua - người bán.
Trong một phi vụ táo bạo nhất, một băng nhóm đã thành công lừa được chính quyền vùng Bắc Rhine-Westphalia, địa phương đông dân nhất tại Đức, số tiền 2,6 triệu USD ứng trước cho hợp đồng đặt 10 triệu khẩu trang. Hơn 50 xe tải đã xếp hàng dài chờ nhập khẩu số khẩu trang “vẽ” này từ Hà Lan trước khi âm mưu bị phanh phui.
Nhóm tội phạm được cho là đã sử dụng trang web đăng ký ở Tây Ban Nha, một chi nhánh trung gian ở Ireland, một công ty ở Hà Lan, và một website giả mạo được dựng lên có vẻ đáng tin cậy. Nhờ vào sự phối hợp giữa các tổ chức tài chính ở ba nước mà nhà điều tra ngăn chặn thành công số tiền lọt vào túi bọn tội phạm.
Interpol cho biết các vụ tấn công bằng mã độc nhằm vào các bệnh viện đã gia tăng trong dịch Covid-19. Ảnh: Getty. |
Cộng hoà Czech cũng chứng kiến sự gia tăng của các vụ tội phạm mạng trong giai đoạn giới nghiêm. Đêm 12/3, bệnh viện lớn thứ hai của nước này là Bệnh viện Đại học Brno bị tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) dẫn đến không thể truy cập dữ liệu bệnh nhân cho đến khi chịu thanh toán tiền chuộc.
Hậu quả là những ca phẫu thuật khẩn cấp phải bị hoãn lại và bệnh nhân được chuyển đến các bệnh viện khác. Interpol cho biết nhiều cơ sở y tế cũng bị tấn công tương tự kể từ đầu giai đoạn dịch Covid-19.
Tội phạm truyền thống co hẹp
So với những hoạt động tội phạm mạng thì các hoạt động tội phạm truyền thống chịu ảnh hưởng đáng kể do lệnh giới nghiêm; bởi những nhóm bảo kê hoặc điều hành đường dây mại dâm, tổ chức cờ bạc trái phép hoặc buôn bán ma tuý vốn kiếm lợi dựa trên sự tương tác trực tiếp giữa con người.
Tình hình cũng không khá hơn với những ông trùm băng đảng đã ngồi tù nhưng vẫn nắm quyền điều hành, chẳng hạn như những nhóm buôn ma túy ở Brazil. Trước đây, các ông trùm thường xuyên được cung cấp thông tin bên ngoài qua những đợt thăm tù định kỳ của người nhà. Sự bùng phát của bệnh dịch làm giảm đáng kể các cuộc thăm viếng này. Do vậy, họ chỉ có thể dựa vào luật sư, vốn không ra vào nhà tù thường xuyên, để liên lạc với đàn em.
Tống tiền cũng là cách thức để duy trì dòng tiền mặt của các băng đảng vùng Trung Mỹ. Tuy nhiên, việc thu tiền giữa mùa dịch thực sự là điều khó khăn. Số liệu của tổ chức Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới (GITOC) cho biết những vụ tống tiền trong tháng 3 xảy ra ở Guatemala và El Salvador đã giảm 9% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Honduras, tỷ lệ này giảm đến 80%. Những ông trùm ở Honduras đã cảnh báo các công ty vận chuyển rằng họ phải nhanh chóng chuyển tiền bảo kê ngay khi lệnh giới nghiêm kết thúc.
Trong khi đó, những đường dây máu mặt trong buôn bán ma tuý toàn cầu dường như ít bị ảnh hưởng, hoặc chỉ bị gián đoạn tạm thời và một phần. Ông Stock cho biết một số báo cáo dự đoán nguồn lợi nhuận phi pháp này có thể đến 500 tỷ USD. “Với những băng đảng lớn thì đây không phải vấn đề, vì họ có thanh khoản rất lớn”.
Vụ thu hoạch thuốc phiện ở Afghanistan, nơi cung cấp gần như một nửa heroin cho cả thế giới, bị ảnh hưởng không đáng kể. Những nông dân trồng cây côca ở Colombia cũng vừa có một vụ mùa tốt nhất. Tuy nhiên, việc thiếu hụt hoá chất nhập khẩu từ Peru khiến các băng đảng này tạm thời không thể sản xuất được cocaine.
Đường dây phân phối ma tuý cũng bị gián đoạn do dịch. Hai thành viên băng đảng khét tiếng Sinaloa (Mexico) cho biết những vụ vận chuyển ma túy lậu bằng ôtô bị giảm đáng kể do Mỹ đóng cửa biên giới từ 21/3 để ngăn chặn virus xâm nhập. Nhiều nhóm chuyển sang sử dụng các đường hầm và thiết bị bay không người lái. Hậu quả là giá cocaine ở châu Âu và Mỹ tăng vọt.
Các băng đảng mafia Italy được cho là có nhiều cơ hội "làm ăn" mở rộng hoạt động từ mùa dịch. Ảnh: Getty. |
Một cuộc suy thoái sâu rộng và kéo dài sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhóm tội phạm bành trướng, ít nhất là ở ba lĩnh vực, theo Economist nhận định. Đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ giúp các băng đảng chiêu mộ thành viên dễ dàng hơn. Thứ hai, những chương trình hồi phục của chính phủ sẽ mang lại nhiều hợp đồng béo bở để trục lợi.
Thứ ba, việc lợi nhuận doanh nghiệp giảm khiến các nhóm mafia dễ dàng mua lại những công ty này, từ đó tiến hành rửa tiền cho các nguồn thu nhập bất chính.
Italy là một ví dụ điển hình cho nguy cơ này. Giám đốc cảnh sát quốc gia Italy, ông Franco Gabrielli, cho biết nhân viên của ông tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh đã trông thấy nhiều người mang vali đầy ắp tiền ra vào ở các công ty. Những người này có thể thuộc về các băng mafia đang tiến hành kế hoạch “tiền trực thăng” (helicopter money). Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều công ty Italy chấp nhận mức vay có lãi suất thấp dưới ngưỡng thị trường do các tổ chức tội phạm đề nghị; đổi lại họ phải liên kết và nhận lệnh từ ông trùm những tổ chức này.