Một người bạn tôi ở châu Á có mẹ già ở Anh. Cô ấy nói với tôi là cô đã đọc về sự “đau đớn như phim quay chậm” ở nhiều người do hậu quả của Covid-19.
Cô nói với tôi rằng cô đi chạy và khóc suốt buổi chạy. Tôi cũng phải thừa nhận tôi không ngủ được, bị xúc động bởi những thứ nhỏ nhất. Tôi không dám nghĩ xa vì mọi thứ đều đen tối.
Steve Jackson, người Anh sống ở Hà Nội, làm truyền thông cho các tổ chức NGO. Ảnh: LinkedIn. |
Sau Vũ Hán, tình hình cũng diễn biến nhanh ở Việt Nam. Nhà trẻ của con tôi đóng cửa. Khẩu trang trở thành bắt buộc. Ở đâu cũng nghe thấy truy vết tiếp xúc. Một ứng dụng được tạo ra để chống dịch. Chỉ vài nút bấm thôi là có thể nhân viên mặc đồ bảo hộ sẽ tới nhà bạn.
Những người nhiễm bệnh được nhập viện. Những người đã tiếp xúc với người nhiễm được cách ly ở xa. Những người tiếp xúc với những người tiếp xúc với người nhiễm cũng phải cách ly.
Trong khi đó, Covid-19 ở châu Âu đang vượt tầm kiểm soát, nhất là ở Italy. Hàng trăm người qua đời mỗi ngày vì virus. Nước Anh thì còn chưa tin virus có thật.
Ấn tượng với các cơ sở cách ly
Đối với chúng tôi, nhà trẻ đóng cửa từ vài tuần chuyển sang vài tháng. Tôi làm việc ở nhà. Đầu tiên tôi cố sống với điều đó, nhưng không dễ. Sau vài tuần tôi gửi con đến nhà bà từ thứ hai đến thứ sáu. Hai tuần sau, tôi nhận ra chúng tôi không vui vì nhớ con, và nỗi lo còn khó chấp nhận hơn cả việc con quấy khóc.
Chúng tôi đón cháu về nhà và phải tìm cách thôi.
Đến lúc đó, có điều gì đó đáng kinh ngạc đang diễn ra ở Việt Nam. Hàng chục người đang được cách ly. Tôi thấy hai bức hình tương phản, một là các chiến sĩ ngủ trên sàn xi-măng, hai là các thanh niên Việt Nam, bay về từ nước ngoài, ngồi đeo khẩu trang nói chuyện trên những chiếc giường tầng.
Người từ nước ngoài về Việt Nam được cách ly tập trung. Ảnh: Facebook. |
Các chiến sĩ bỏ giường của mình cho những người cách ly. Họ nấu ăn và dọn dẹp cho những vị khách. Họ đang phục vụ mọi người, cứu mạng người.
Rồi một cô gái nhiễm bệnh bay về từ châu Âu. Khi cô ấy nhập viện, cả phố của cô ấy bị đóng cửa. Mạng xã hội Việt Nam như bùng nổ.
Đó là khác biệt. Dù sự minh bạch có được đẩy quá, luôn có cảm giác rằng mọi ca nhiễm, mọi mạng sống đều đáng chú ý.
Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong.
Hàng nghìn người Việt Nam trở về từ nước ngoài, mỗi người đều được cách ly tập trung. Mọi người đều hiểu phải làm vậy.
Nếu bạn là người nước ngoài da trắng trung tuổi, thật khó để điều chỉnh. Khi bắt đầu có dịch, chúng ta vẫn còn đang đếm số máy thở. Một khi Covid-19 lây lan ở Việt Nam, tôi đã tin chắc Việt Nam sẽ chật vật. Ít ra Anh cũng là nước phát triển. Tôi có nên về nước ngay không? Làm sao tôi dám lạc quan? Việt Nam sẽ chống chọi thế nào?
Một bệnh viện ở Hà Nội có dịch. Số ca tiếp tục tăng. Việc tẩy trùng và cách ly bệnh viện là một nỗ lực lớn.
Chúng tôi đang đợi thời điểm bùng nổ, lúc mà mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhưng điều đó không xảy ra.
Từng bước một, biểu đồ chủ yếu là các ca đã hồi phục. Có nhiều ngày không có lây lan trong cộng đồng. Số ca tử vong vẫn là 0.
Không lâu sau là nhiều tuần, rồi một tháng mà không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Trường học được mở lại. Vui quá. Tôi muốn lôi cờ Việt Nam vẫn hay dùng để đi cổ vũ bóng đá ra mà cắm vào xe máy khi đưa con đi học. Tôi muốn đập tay với mọi phụ huynh và giáo viên.
Cuộc sống bình thường đã trở lại. Tắc đường trông thật huy hoàng. Ngay cả ngày 40 độ C cũng được. Trời xanh tương phản với ký ức lo sợ của mùa đông. Tôi cảm thấy mình vừa trúng xổ số.
Người tới lấy gạo miễn phí tại một “ATM gạo” ở Hà Nội đứng vào vị trí để giữ khoảng cách. Ảnh: AFP. |
Nhớ bài hát Ghen Cô Vy
Ở Anh, gia đình tôi đang vất vả và tôi lo cho họ. Các chị/em gái của tôi là giáo viên và trường học đang mở lại. Anh rể tôi phải làm việc qua đợt phong tỏa vì những học sinh mà anh dạy là trẻ em đặc biệt.
Cha mẹ tôi phải ở nhà, chỉ được ra ngoài để dắt chó. Giờ đây mọi thứ đang mở lại dần dần. Họ không đặt mình vào nguy hiểm, nhưng vẫn cố tận hưởng những chuyến ra ngoài mà vẫn giữ khoảng cách.
Nhưng sẽ mất nhiều năm để tôi gặp lại họ.
Ở Anh, số ca tử vong vì Covid-19 là 42.000. Trên thực tế, con số đó nhiều khả năng cao hơn 50%. Ở Việt Nam số ca tử vong vẫn là 0.
Một tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tôi tìm video bài hát Ghen Cô Vy với phụ đề tiếng Anh trên YouTube. Vài tháng trước, tôi đã nghe chán bài này, trên loa của xe lái khắp phố chúng tôi. Bài hát đã lan đi khắp thế giới, chỉ dấu đầu tiên cho thấy Việt Nam sẽ phản ứng ở đẳng cấp thế giới. Giờ đây, tôi ngạc nhiên vì bài hát làm mình cảm thấy nhớ.
Tôi nợ Việt Nam. Có thể tôi phải làm gì đó để đền đáp, có thể tôi cứ làm tốt công việc của mình thôi.
Việt Nam cũng có thể cứ tốt như thế này, như sự minh bạch, sự cởi mở, sự đoàn kết. Họ có thể áp dụng điều đó với mọi thứ, đó là tiêu chuẩn mới.
“Việt Nam không bỏ lại ai phía sau” - hãy làm mọi thứ đạt được kỳ vọng như hashtag đã nhìn thấy khắp nơi trong thời gian chống dịch Covid-19.
Người ta từng nói người Việt chăm làm nhưng thiếu sáng tạo. Bài hit trên toàn cầu đã bác bỏ điều đó. Họ nói Việt Nam có thể gia công nhưng không thể tự phát triển, thì bộ xét nghiệm hay ứng dụng đã bác bỏ điều đó.
Tôi cũng nghĩ tới vắcxin nữa, Việt Nam có thể làm được.
Tôi từng nghe những ý kiến nói đây là “chủ nghĩa dân tộc” hay “dân túy” đang nổi lên ở Việt Nam. Tôi không đồng tình, mà tôi gọi đó là lòng tự hào, tự hào và tự tin.
Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong.