Nhớ về những ngày mới bén duyên với đua xe thể thao, tay đua Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ anh cảm thấy mình “như một gã ngớ ngẩn” trong giải đấu quốc tế đầu tiên.
Năm 2007, cựu du học sinh Nga Nguyễn Hồng Vinh bỏ công việc ở nước ngoài, về nước, tham gia thành lập một trong những nhóm đua xe off-road đầu tiên tại Việt Nam, mở gara sửa ôtô và đi buôn phụ tùng.
Mười ba năm sau, Nguyễn Hồng Vinh trở thành người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA) trao bằng đua xe quốc tế hạng C. Cùng với đó là nhiều danh hiệu lớn nhỏ như vô địch giải đua Rainforest Challenge Vietnam 2014, vô địch Vietnam Rally Championship 2016, vô địch Formula Racing 2018 hạng xe sport, 3 lần vô địch Vietnam Off-road Cup hay hạng 9 Muba Auto Gymkhana Championship 2019.
Trải qua hơn một thập niên, Nguyễn Hồng Vinh từ một “gã ngớ ngẩn” – cách anh mô tả bản thân khi tham gia giải đua quốc tế đầu tiên – nay đã nhiều lần được nở nụ cười chiến thắng với chiếc cúp vô địch trên tay.
- Từ lúc nào anh cảm nhận được mình có niềm đam mê với tốc độ?
- Theo tôi, mỗi người đàn ông ít nhiều đều sẵn mang trong mình niềm đam mê với tốc độ, thậm chí không ít phụ nữ cũng như vậy. Quan trọng là ai có cơ hội để phát triển sâu hơn và cao hơn.
Tôi may mắn vì hồi nhỏ du học Nga, được mua cho ôtô và lái xe từ năm 18 tuổi. Thêm nữa, ở bên đó cũng không có nhiều bạn bè nên phần lớn thời gian tôi “chơi” với xe, gắn bó cùng ôtô, tốc độ từ khi còn trẻ và vẫn theo đuổi đam mê ấy đến bây giờ.
- Điều gì khiến anh quyết định theo đuổi con đường trở thành tay đua chuyên nghiệp?
- Hồi trẻ ở bên nước ngoài, tôi cũng chưa có nhận thức, định hướng rõ ràng về việc sẽ theo đuổi bộ môn đua xe. Tôi đơn thuần chạy xe ngoài đường cho thỏa đam mê thôi, và chạy cũng khá ngổ ngáo.
Tôi về Việt Nam năm 2007, trưởng thành hơn. Lúc đó ở trong nước không có nhiều bộ môn để chơi với ôtô ngoài một số giải đua off-road. Đó cũng là xuất phát điểm của tôi.
Với những người đam mê tốc độ, thường họ cũng sẽ đam mê tìm hiểu về cơ khí, cụ thể hơn là cấu tạo của ôtô, cách sửa chữa, “độ” xe. Hai niềm đam mê cứ song hành, lớn dần đến khi có một tay đua Vinh Nguyễn ngồi ở đây.
- Nói một cách dân dã thì anh lớn lên từ đua xe đường phố?
- Chuẩn!
Giai đoạn những năm 2000, Google và thông tin tham chiếu trên Internet chưa phát triển. Ngay cả việc tìm một tổ chức hay hội, nhóm nào đó để tham gia cũng đã rất khó khăn.
Lúc ấy, gặp ai thì tôi cố gắng kết bạn để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, hồi đó mình ở nước ngoài và người nước ngoài thường sống khép kín, không chia sẻ nhiều. Vậy nên tôi chủ yếu lọ mọ tìm tòi, học hỏi một mình thôi.
May mắn là khi về Việt Nam, tôi lại tìm được những người mê xe thông qua một diễn đàn. 2007-2008 là giai đoạn phát triển cực thịnh của diễn đàn ấy, với nhiều thành viên có niềm đam mê giống tôi. Nhờ vậy, việc tạo ra một đội để cùng tập luyện, trao đổi, học hỏi và giữ “lửa” cũng dễ dàng hơn.
- Giải đua đầu tiên mà anh tham dự?
- Tôi tham gia giải đua đầu tiên năm 2009. Đó là giải Vô-lăng Vàng, sau này đổi tên thành VOC (Vietnam Off-road Cup) và hiện vẫn được tổ chức hàng năm.
- Vậy còn giải đua quốc tế đầu tiên?
- Năm 2010, giải Rainforest Challenge (RFC) ở Malaysia. Tại thời điểm đó, đây là một trong 10 giải đua khắc nghiệt nhất thế giới. Hiện tại thì đã vào top 5 về độ khó.
Tôi tình cờ biết đến giải đua này nhờ thông tin được đăng tải trên diễn đàn. Sau đó, các thành viên quyết định cử một đội đi thi đấu. Kinh phí và lệ phí tham gia do mọi người đóng góp và diễn đàn tài trợ một phần.
Đó là cơ hội lớn, cho thấy việc người Việt Nam ra nước ngoài tham gia giải đua xe hoàn toàn khả thi.
- Ấn tượng lớn nhất để lại trong anh sau giải đua quốc tế đầu tiên là gì?
- Hóa ra chúng ta chẳng hiểu gì về đua xe cả!
Tôi không hình dung được phải làm những gì. Cứ nghĩ đơn giản là đem xe vào rồi chạy thôi. Tuy nhiên, ngoài chạy xe, còn rất nhiều yếu tố khiến tôi như một gã ngớ ngẩn trong giải đua quốc tế đầu tiên mình tham dự.
Ví dụ điển hình là đến quy định về an toàn của xe chúng tôi còn chưa đáp ứng nổi. Ở Việt Nam lúc đó chưa có quy chuẩn về an toàn xe đua. Mình cứ nghĩ hàn được cái khung chống lật là đã an toàn nhưng thực ra không phải vậy.
Những điều này khiến tôi thực sự cảm thấy bị “ngợp” khi lần đầu tham dự một giải đua quốc tế.
- Nói vậy thì thành tích ở giải đua quốc tế đầu tiên này…
- Chắc chắn là “bét” rồi! Tham gia giải tôi mới nhận ra mình hoàn toàn không biết gì về đua xe, không biết một chiếc xe đua phải như thế nào.
Sau giải, tôi nghĩ xe thi đấu là yếu tố quyết định và quay về chế tạo một chiếc khác. Năm 2013, tôi trở lại Malaysia, leo lên được top 5.
- Hơn 10 năm tham gia các giải đua xe, thành tích nào khiến anh cảm thấy tự hào nhất?
- Thành tích khiến tôi cảm thấy nỗ lực của mình được đền đáp thực sự là chức vô địch giải đua quốc tế Rainforest Challenge Vietnam 2014, tổ chức tại Hạ Long.
Ở giải đua này, chúng tôi đã vượt qua đội của Anan Tangiaroenchai – huyền thoại đua xe Thái Lan. Có thể ông ấy tham dự RFC Vietnam 2014 với tâm thế trải nghiệm nhưng dù sao đây cũng là một sự may mắn cho chúng tôi. Phần nào đó, thành tích này còn giúp tên tuổi của những tay đua Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
- Anh đã từng gặp phải chấn thương hay sự cố nào đáng nhớ chưa?
- Giải RFC 2016. Trong phần thi leo dốc đứng, xe bị trượt khỏi dốc và rơi thẳng xuống nước, lật ngửa. Tôi nằm trong nước khoảng 3 phút, suýt chết đuối. Sau giải, tôi nghỉ chơi off-road.
Tai nạn này cũng khiến tôi thay đổi tư duy đua xe và hiểu ra rằng Việt Nam cần một hệ thống đua xe chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức, kỹ năng và xe an toàn hơn.
- Theo đuổi đua xe hơn một thập niên, có lẽ anh đã từng gặp phải những lời chê bai, công kích?
- Rõ ràng là có.
Anh bỏ thời gian vào đua xe thì sẽ không làm được việc khác. Trong khi đó, tại Việt Nam đua xe chưa kiếm được ra tiền. Nếu có kiếm được thì cũng rất ít, không đủ bù vào chi phí đầu tư.
Với những ai nhìn nhận tiêu cực về đua xe, họ nghĩ đây là thú chơi tốn tiền, nguy hiểm tính mạng. Thậm chí có những người còn hỏi tôi đua xe là trò vô bổ, sao cứ cắm đầu vào chơi mà không lo nuôi vợ con?
Ở nước ngoài, họ hiểu đua xe là một bộ môn thể thao mà khi anh đủ trình độ, lên được chuyên nghiệp rồi thì thu nhập rất cao, cao hơn tất cả ngành nghề khác, kể cả đá bóng chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam để được như vậy tôi nghĩ cần khoảng 50 năm nữa. Cũng như bóng đá thôi, chúng ta đi sau thì khó để vượt những quốc gia đi trước.
Bù lại, tôi thực sự rất may mắn khi được gia đình thấu hiểu niềm đam mê này.
- Tháng 7/2020, anh được Hiệp hội Ôtô thể thao Việt Nam (VMA), tổ chức trực thuộc FIA, trao bằng đua xe quốc tế hạng C. Xin anh cho biết rõ hơn về hạng bằng này?
- Các giải đua xe chia ra nhiều cấp bậc, tùy độ khó và sự nguy hiểm. Đua ở nội dung càng cao, nguy hiểm hơn, nhanh hơn và tốn tiền hơn thì càng đòi hỏi hạng bằng cao hơn.
Trong hệ thống bằng của Việt Nam mà VMA ban hành có bằng cấp quốc gia theo định dạng môn đua. Sau khi người nhận bằng tham gia các giải đua và đạt thành tích tốt, VMA sẽ cấp bằng quốc tế. Lúc đó thì mới có thể tham gia đua quốc tế được.
Bằng của tôi là bằng hạng C thì sẽ giới hạn đến nội dung GT3 chứ chưa lên được cao hơn. Tuy nhiên, đó vẫn là thành công rất lớn với những người như tôi – có thể xem là dân amateur khi so sánh với các tay đua chuyên nghiệp trên thế giới.
Đối với tôi, những tay đua được lĩnh lương và có thể sống bằng nghề đua xe thì mới được coi là chuyên nghiệp.
- Đây đã phải là cái đích cuối cùng mà anh hướng tới?
- Tôi không coi bằng cấp là một cái đích. Nó chỉ đóng vai trò chứng nhận anh có thể tham gia một giải đua. Nói đúng hơn thì nó là giấy phép để một cá nhân có thể bước chân vào đua xe chuyên nghiệp.
Theo tôi, người thực sự đam mê đua xe thì đích đến của họ là được góp mặt ở một giải đua nào đó, chứ không phải là bằng cấp, thậm chí giải thưởng.
- Tuổi tác và thể lực có phải trở ngại với anh?
- Tại thời điểm này thì tôi phải thừa nhận là có. Càng già thì phản xạ trong các tình huống tốc độ cao càng giảm đi. Đổi lại, thứ mà tôi đạt được là kinh nghiệm.
Vì vậy, đến một thời điểm nào đó, tôi không tham gia được các nội dung đua với tốc độ cao thì vẫn có thể thi đấu ở nội dung chậm hơn.
Trên thế giới hiện vẫn có những tay đua cao tuổi. Giải Dakar Rally 2020 vừa rồi người chiến thắng cũng là một tay đua 58 tuổi (Carlos Sainz – PV), và đã vô địch liên tiếp nhiều lần rồi.
- Kinh nghiệm đạt được sau nhiều năm tháng gắn bó với đua xe, anh có muốn truyền lại cho những tay đua trẻ?
- Có chứ! Không chỉ mình tôi mà Việt Nam có rất nhiều tay đua trẻ tiềm năng. Thế hệ trẻ hiện tại tiếp thu rất nhanh. Nhờ vậy, họ sớm có kiến thức tốt, hiểu biết sâu rộng.
Ba năm gần đây, qua nhiều chương trình dạy đua xe, kỹ năng lái xe an toàn và các CLB người đam mê đua xe, tôi xây dựng được một nhóm sáu, bảy thành viên, cố gắng truyền tải kiến thức đến mọi người để phổ biến và phát triển bộ môn đua xe tại Việt Nam.
- Theo anh, rào cản lớn nhất với việc phát triển bộ môn đua xe ở Việt Nam là gì?
- Cái thiếu lớn nhất của đua xe ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng. Ví dụ như golf, nếu không có sân golf thì không thể quảng bá hay phổ biến bộ môn này được.
Nếu một ngày nào đó Việt Nam có trường đua, có nơi luyện tập thực sự thì tôi nghĩ bộ môn đua xe sẽ phát triển tốt, vì người Việt đi sau nhưng tiếp thu và học hỏi rất nhanh.
- Với người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, thể hình và thể lực bị coi là hạn chế trong nhiều môn thể thao. Theo anh, điều này có đúng với đua xe?
- Tôi nghĩ thể lực hay vóc dáng không phải rào cản với người Việt Nam ở bộ môn đua xe. Với đua xe, chúng ta cần làm những việc chính xác ở tốc độ rất cao, chứ không cần bê to vác nặng.
Bản thân F1 vẫn có sự xuất hiện của những tay đua gốc Á. Người Nhật cũng từng tạo ra nhiều kỳ tích ở bộ môn này vì họ sống cùng văn hóa ôtô và đua xe rất sớm. Hiện tại ở một số nội dung, ví dụ như drift (kỹ thuật trượt bánh sau – PV), người Nhật đang đứng đầu thế giới.
- Trong vài năm trở lại đây, đua xe thể thao nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam. Theo anh, chúng ta cần những gì để đào tạo ra các tay đua đủ khả năng cạnh tranh trên đấu trường quốc tế?
- Trước hết cần hiểu và nhìn nhận đúng đắn về đua xe. Cũng như bóng đá, chúng ta không thể xây dựng một đội tuyển tốt nếu không hiểu bóng đá là gì.
Với bộ môn đua xe, chúng ta cần có những giáo trình luyện tập thể lực và kỹ năng. Cao hơn thì cần có hạ tầng như trường đua hay nơi luyện tập.
Ngoài ra, cũng cần những người nắm vững kiến thức và có khả năng truyền đạt tốt.
Một điều may mắn là sau khi Việt Nam công bố đăng cai tổ chức giải đua Công thức 1 (F1), VMA được thành lập. Bên cạnh công tác phối hợp tổ chức F1, VMA còn có mục tiêu phát triển bộ môn đua xe tại Việt Nam. Tôi cho rằng trong tương lai gần, đua xe sẽ có những bước tiến lớn.
- Theo anh, đâu là độ tuổi phù hợp để bắt đầu tìm hiểu và luyện tập đua xe?
- Nếu xác định theo đuổi đua xe chuyên nghiệp – con đường khó khăn và dài nhất, thì nên bắt đầu từ khi 11 hay 12 tuổi.
Với những người không định theo chuyên nghiệp mà coi đua xe như niềm đam mê, một cách giải tỏa, hàng ngày vẫn làm việc khác, cuối tuần hay khi rảnh rỗi mang xe đi đua như tôi thì không có giới hạn về độ tuổi.
- Khi nào cha mẹ nhận biết được con mình có đam mê và khả năng đua xe?
- Đam mê và khả năng đua xe của trẻ em thể hiện ngay từ những điều đơn giản trong cuộc sống. Bố mẹ có thể để ý sở thích của con, chẳng hạn như con thích xem phim tình cảm hay phim đua xe, có hay chơi game đua xe không và chơi có giỏi không.
Một ví dụ điển hình về tay đua trưởng thành từ game và eSports (thể thao điện tử - PV) là Lando Norris, tay đua sinh năm 1999 của đội F1 McLaren.
Theo tôi thấy, ở Việt Nam không nhiều phụ huynh quan tâm con mình thực sự muốn gì. Thay vào đó, con cái lại thường là bản sao của những điều mà bố mẹ ước mong.
Trẻ em có thể có đam mê, nhưng việc nuôi dưỡng và phát triển nó phụ thuộc rất nhiều vào bố mẹ. Tất nhiên, đến một mức phát triển nhất định, bắt buộc sẽ phải có sự đầu tư, hỗ trợ từ bên thứ ba. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ không khó, miễn là tay đua đó giỏi và có tiềm năng thực sự.
- Việc luyện tập và tham gia các giải đua xe có mang lại lợi ích khi tham gia giao thông không?
Đối với tôi thì có rất nhiều lợi ích. Các tay đua chỉ cần học và luyện tập trong thời gian ngắn là đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt khi lái xe hàng ngày. Họ nhận thức được tình huống nào nguy hiểm, việc gì nên làm và không nên làm. Điều đó đem đến khả năng lái xe vượt hẳn so với bình thường.
- Lời khuyên của anh dành cho người đam mê tốc độ và muốn theo đuổi con đường đua xe chuyên nghiệp?
Hãy bắt đầu sớm lên, vì thời gian để trở thành tay đua chuyên nghiệp, đủ khả năng thi đấu đỉnh cao không hề ngắn. Nếu cứ chờ đợi, chần chừ thì sẽ muộn và khó đạt thành tích cao bằng những người đi trước.