Trên giá sách của tôi đa số là những cuốn sách chưa đọc. Những cuốn sách chưa đọc cũng có một đời sống riêng cần tôn trọng. Chúng từ chỗ A, chỗ B, chỗ C tìm đến và nằm đấy, gọn ghẽ trong ngăn tủ hay vạ vật ở đầu giường với kẹp sách ở trong. Dù thế nào đi nữa thì những cuốn sách cũng đã nằm đấy, không khác đi được.
Sách cứ âm thầm tăng lên, chẳng thể kiểm soát
Thỉnh thoảng, lại thêm một vài cuốn sách mới về, vài cuốn sách ra đi qua tay những người bạn bè yêu chúng hơn tôi. Chẳng sao, có lúc nghĩ lại cũng tiêng tiếc, nhưng biết làm sao được, cuốn sách đã đi là cuốn sách không thể giữ.
Sách của tôi đến từ nhiều nguồn, từ mua qua mạng, bới lần ở các nhà sách cũ, bạn bè cho, đổi cuốn mình có lấy cuốn mình cần. Sách cứ thế mà âm thầm tăng lên, chẳng thể kiểm soát.
Có nhiều người nói tôi nghiện sách, thật cũng chẳng sai. |
Có nhiều người nói tôi nghiện sách, thật cũng chẳng sai. Nhưng sống trên đời này mà không nghiện ngập hay đam mê thứ gì đó thì thật chán. Mỗi ngày chia ra làm hai tư tiếng, một năm, mười năm, hai mươi năm… Một con người cứ sống đơn giản không ham thích gì thì có khác một cái máy in nhận được lệnh in từ lúc sinh ra cho đến khi hết mực rồi chết đâu.
Tất nhiên, cái máy in đã sống tròn đời sống của nó. Cũng như một con người, làm tròn tất cả mọi nghĩa vụ với gia đình, công việc cơ quan; thêm nữa lại tử tế, chỉn chu, sáng đúng bảy rưỡi có mặt cơ quan, chiều bốn rưỡi về không sai một li, không bia rượu chè thuốc, chim cá, đồ cổ, bóng đá bóng bàn gì; luôn được mọi người quý trọng… nhưng để nhớ người ấy có gì nổi bật thì chịu, lục lọi trí nhớ mãi không nhớ được.
Giá mà người ấy ham thích, đam mê một thứ gì đó, như bóng đá chẳng hạn, thì chắc chắn người cơ quan sẽ nhớ hình ảnh chiều chiều người đó vội vàng quần đùi áo số xuống lấy xe máy phóng ào ào ra sân. Rồi mỗi khi có trận bóng hay thì tìm cách đi xem, xong về kể với mọi người cầu thủ nọ sút hỏng ăn mười mươi thế nào, trọng tài thiên vị ra sao, huấn luyện viên không giữ được bình tĩnh bị cấm chỉ đạo mấy trận… Hay như một người nghiện xăm hình, ấn tượng đầu tiên, cũng có thể lưu lại lâu nhất về họ là một hình xăm quái dị nào đấy trên người.
Ở đây, tôi hình như đang biện bạch cho việc nghiện sách của mình. Cũng đúng, con người ta luôn luôn có xu hướng lẩn tránh sự thật, dù rằng nó rõ ràng, mồn một ở ngay trước mắt. Tôi nghiện sách - đúng.
Có lúc tôi tự hỏi nếu không đam mê sách thì mình sẽ làm gì. Chắc ngày ngày hoàn thành công việc cơ quan, về ăn uống, lướt lèo phèo vài kênh trên tivi rồi ngủ. Thế tôi có là tôi bây giờ không? Chắc chắn không. Tôi sẽ là một người Z người Y nào đấy chứ không phải tôi của hiện tại bây giờ.
Các cuốn sách đã đọc, chưa đọc, sẽ đọc kiến tạo nên một thế giới mà trong đó tôi có thể bơi lặn trong các ý tưởng, hình dung, liên tưởng về quá khứ, hiện tại, tương lai, phân định sẽ đứng ở lằn ranh nào khi các thông tin đại chúng thường nhật liên tiếp ập xuống. Thứ nữa, tôi được sống đời sống của tôi và nhiều đời sống khác qua các trang sách.
“Nhưng nhất thiết phải có nhiều sách đến thế không?”.
Đây cũng là một câu hỏi mà tôi thường hỏi mình. Sau, cũng tặc lưỡi bảo chắc cần. Các cuốn sách giúp tạo ra một thứ như “hang ổ” trong truyện ngắn cùng tên bỏ dở của Franz Kafka; chỉ khác “hang ổ” của tôi không đào sâu vào lòng đất mà được vây quanh bốn bề bởi sách, nhìn là nhìn thấy sách, chạm là chạm thấy sách; sách ở trên bàn, ở giá sách, lèn chặt các tủ mà mỗi lần muốn tìm là khốn khổ; mơ tôi cũng mơ thấy sách; hơi thở của tôi cùng với hơi thở của sách; các cuốn sách không được phân loại nằm chen với nhau; văn học, trinh thám, hồi kí, kiếm hiệp, truyện thiếu nhi, lịch sử, biên khảo, lẫn cả vào một số ít truyện tranh…
Sách chưa đọc quan trọng hơn sách đã đọc
Tôi chỉ có thể làm việc hiệu quả nhất khi được các cuốn sách vây quanh, lúc mệt rút bất kì cuốn nào ra và bắt đầu đọc. Đọc sách là một điều tốt, đọc sách trong một không gian chỉ có sách còn tốt hơn gấp bội.
Jorge Luis Borges trong bài Thơ về những ân sủng đã viết: “Từ thành phố sách này Người chỉ lối / cho những con mắt không ánh sáng, chỉ có thể/ đọc trong thư viện của những giấc mơ / những trang sách nhàm chán mà bình minh”.
Người nghiện sách là người theo một tôn giáo mà vị giáo chủ là sách. Tín đồ lúc nào đó bất kì cũng có thể quay lại phản bội tôn giáo của mình, nhưng thường chẳng người nào làm thế.
Vây quanh tôi bốn bề là sách. |
Nguyễn Việt Hà, tác giả Cơ hội của Chúa, cũng đã ngồi lì nhiều ngày ở Thư viện Quốc gia, để đọc, nghĩ và rồi viết, với tất cả sự cùng quẫn mà cá nhân một con người có thể tạo ra với chính số phận của anh ta, chỉ anh ta mà thôi.
Hình như khi viết đến đây tôi lại khuyến khích người ta cố công đọc sách để trở thành nhà văn. Chẳng phải, văn chương hay trở thành nhà văn là một thứ khó cắt nghĩa rõ ràng, cũng chẳng sung sướng gì. Ai cũng có một chỗ đứng cho riêng mình trên đời này. Chết đi cũng nằm riêng mộ, chẳng mấy người chung nhau một chỗ nằm xuống lấp đất lên.
Tôi chỉ đang cố bảo vệ sự bảo thủ của riêng tôi về những cuốn sách đang có. Vì tình yêu nữa, đôi khi tôi cũng phải an ủi chúng rằng chúng vẫn cần thiết với tôi, chẳng phải nằm đấy phủ bụi đâu.
Và sách chưa đọc nhiều khi còn quan trọng hơn sách đã đọc. Chúng giúp ta giữ được khoảng cách nhất định với chúng; nhắc nhở rằng còn nhiều thứ quan trọng hơn cần đọc trước, làm trước; nhắc cả cách chấp nhận có những thứ chẳng bao giờ hoàn thành được.
Sách chưa đọc hiện diện cả ở ba vai: thiện - ác - dửng dưng. Lúc chúng giúp người ta xóa nhòa đi các ảo tưởng về điều đang sở hữu; lúc khác an ủi điều chưa sở hữu có thể sở hữu qua một số cuốn sách chưa mua, chưa ở đây; còn lại trạng thái thường xuyên nhất của sách chưa đọc là dửng dưng, thờ ơ.
Đã có lúc tôi quyết định sẽ chẳng mua sách nữa, thanh lí bớt để tủ sách được nhẹ nhàng, thanh thoát, không còn lớp lớp phủ lên nhau. Nhưng khi bắt tay vào lọc mới thấy khó, chạm vào gáy sách thôi là cảm giác tiếc nuối lập tức lùa về.
Mỗi cuốn sách đều kể cho tôi về kí ức, đã mua chúng thế nào, tìm kiếm ra sao, mỗi cuốn sách lại gắn với vài ba khuôn mặt thân quen. Cứ thế, lần hết tủ sách, để lại một cuốn là để lại tất cả.
Thế cho nên sách của tôi đến giờ vẫn nằm yên đấy. Ngày ngày, được bổ sung thêm sách mới nhiều thể loại, cả cũ lẫn mới. Những cuốn sách chưa đọc thì tăng lên theo cấp số cộng, chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Chúng tạo nên lớp thành trì vững chắc để tôi trốn vào, thanh thản, bình tĩnh hơn nhìn cuộc sống bon chen, chật chội ngoài kia. Chúng còn giúp tôi biết mình vẫn đang sống, như một cuốn sách đang được đọc, tỉ mẩn từng dòng, từng trang…