Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Kệ nó đi’ - lời khuyên vàng cho sự nghiệp Đào Hải Phong

Thời trẻ, Đào Hải Phong vẽ theo nhiều trào lưu hội họa khiến người thân hoang mang. Nhà phê bình Nguyễn Quân thản nhiên bảo họa sĩ cứ làm điều mình muốn.

Thuộc thế hệ nghệ sĩ đổi mới, Đào Hải Phong từ lâu đã định hình phong cách riêng trong làng mỹ thuật. Như một dịp để họa sĩ và công chúng hiểu nhau hơn, cuốn sách Lối phong giới thiệu tới bạn đọc phong cách hội họa Đào Hải Phong. Một triển lãm cùng tên cũng được thực hiện, đang diễn ra từ 19 tới 30/11 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Hà Nội.

"Tôi cứ vẽ, mải miết vẽ"

Đào Hải Phong kể khi thực hiện cuốn sách này, người bạn của ông là họa sĩ Lê Thiết Cương góp ý ông là nghệ sĩ đã định hình phong cách riêng, vì thế tên sách nên đặt là “Cách Phong”. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, họa sĩ lấy tên Lối Phong vì cái tên mềm mại, đúng với chất của ông, lại gần gũi với bạn đọc.

Suốt mấy chục năm vẽ, tạo ra một cách riêng khi sử dụng đường nét, màu sắc, đến nay họa sĩ Đào Hải Phong mới tự tin đặt tên triển lãm, tên sách của mình là Lối Phong.

Sach nghe thuat "Loi Phong" anh 1
Bình yên đỏ - tranh của Đào Hải Phong.

Họa sĩ chia sẻ ông đến với hội họa một cách tự nhiên: “Khi còn nhỏ tôi vẽ như cách các bạn chơi các trò chơi khác, như các bạn đá bóng, bắn bi... Tôi vẽ trên mặt sau của tất cả tờ giấy mà mẹ tôi xin ở trường về”.

Từng là một đứa trẻ hiếu động, nhìn thấy cái gì cũng muốn tháo tung ra khám phá, tìm hiểu nguyên lý, cách thức hoạt động, họa sĩ Đào Hải Phong bảo nếu thời kỳ ấy mà ông không vẽ thì có lẽ đã “phá” biết bao đồ đạc của mọi người rồi.

Cậu bé Phong cứ vẽ, vẽ mãi, cho rằng mình chỉ có một việc là vẽ mà thôi. Học xong lớp 12, trường mỹ thuật quá cao giá khiến gia đình e ngại. Đào Hải Phong chọn thi điện ảnh vì bố ông làm trong ngành, có thể định hướng nghề nghiệp cho con trai.

Ra trường, làm việc mười mấy năm trong xưởng phim nhưng Đào Hải Phong cảm thấy đó không phải công việc thuộc về mình. “Tôi thích vẽ hơn, mải miết với nó như một định mệnh”, Đào Hải Phong nói.

Nói về quá trình định hình phong cách của mình, Đào Hải Phong bảo ông đã vẽ qua rất nhiều trường phái. Khi học đại học đến khi đi làm, Đào Hải Phong vẫn mải miết vẽ. Thậm chí bố của ông còn hoang mang khi thấy con trai lúc vẽ trừu tượng, khi siêu thực, lúc cổ điển như họa sĩ Phục Hưng.

Sach nghe thuat "Loi Phong" anh 2
Họa sĩ Đào Hải Phong.

“Mình thích ai thì đi theo trào lưu ấy như một tín đồ, sau rồi thấy trào lưu ấy không thuộc về mình thì sẽ chán nó và chuyển qua cái khác. Cũng may là tôi bỏ những cái tôi đi theo nhanh hơn các họa sĩ khác. Có những họa sĩ quá yêu và đi theo những trào lưu nghệ thuật quá sâu. Còn tôi, trong nghệ thuật tôi ‘trở mặt’ rất nhanh, thấy không hợp với mình thì chuyển luôn”, họa sĩ kể.

Ngoài bố, một nghệ sĩ ảnh hưởng tới họa sĩ Đào Hải Phong đó là nhà phê bình, họa sĩ Nguyễn Quân. Khi Đào Hải Phong, bố ông đưa tập tranh của con trai cho nhà phê bình Nguyễn Quân nhờ góp ý, vì “chẳng biết Phong đi theo trường phái nào”. Nhà phê bình khi xem tranh, chia ra thành từng tập với những phong cách khác nhau, đã nói: “kệ nó đi, cứ để cậu ấy thích gì thì tự đi theo”.

Với nhiều người, “kệ nó đi” là sự mặc kệ, nhưng với Đào Hải Phong đó là lời khuyên của một bậc thầy. Ở bước khởi đầu, khi gặp một người đưa ra lời khuyên đúng sẽ rất hữu ích cho sự nghiệp. Và Đào Hải Phong đi theo lối riêng của mình.

Giờ đây khi đã tạo dựng phong cách và sự nghiệp vững vàng, Đào Hải Phong nói: “Tôi khuyên các bạn khi vẽ điều gì ta thấy thanh thản nhất thì cái đó thuộc về mình. Ta đừng vẽ cái mà người ta thấy thích, người ta khen. Cũng không cần quá cao siêu, lớn lao, vẽ một cánh hoa chứ không cần một lọ hoa mà ta thoải mái sẽ mang lại cảm xúc nhất. Cảm xúc thì ta mới mang tới sự đồng cảm cho người xem được”, Đào Hải Phong nói.

Một cuộc chơi để họa sĩ, công chúng hiểu nhau hơn

Phong cách nghệ thuật và những quan điểm về nghệ thuật của Đào Hải Phong được thể hiện trong cuốn sách Lối phong. Họa sĩ kể cuốn sách được thực hiện từ một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông và các bạn trẻ. Dịp Tết, con trai ông đang du học về thăm nhà. Trong bữa ăn với bạn bè tại nhà, ông được tiếp xúc với những người bạn của con, được thấy những đam mê cháy bỏng của lớp trẻ.

Sach nghe thuat "Loi Phong" anh 3
Sách Lối phong.

Vì vậy ông đã mời các bạn trẻ thực hiện cuốn sách cùng mình. “Lối phong cũng chỉ là một cuộc chơi, một kỷ niệm, một phương tiện để qua đó chúng ta hiểu lẫn nhau”, họa sĩ Đào Hải Phong nói.

Cuốn sách do hai bạn trẻ Duy Đào và Lê Hải chủ biên, thiết kế. Qua góc nhìn của thế hệ 9X, chuyện tranh, chuyện đời của Đào Hải Phong được giữ nguyên bản chất, nhưng khoác lên mình dáng vẻ trẻ trung và hơi thở thời đại.

Trong sách, độc giả có cơ hội tìm hiểu về nguồn cảm hứng sáng tác, câu chuyện ẩn sau những biểu tượng thường gặp trong tranh Đào Hải Phong, tâm sự về tuổi thơ, sự nghiệp, lối sống, những va vấp, suy tư và nhiều thú chơi mang giá trị tinh thần.

Về ý tưởng thiết kế sách, Duy Đào nói với một nghệ sĩ chân chính, tác phẩm là sự phản ánh tâm hồn họ. Ở cuốn sách này, công chúng xem tranh, nếu là người duy mỹ sẽ thấy đẹp; để hiểu tranh thì phải hiểu một phần nào đấy người nghệ sĩ. Vì thế, khác với những cuốn sách của các họa sĩ thường chỉ có tranh, ở Lối Phong, Duy Đào tách sách làm hai phần đối xứng: phần tranh và phần đời nghệ sĩ.

Sach nghe thuat "Loi Phong" anh 4
Buổi sáng kiêu sa - tranh của Đào Hải Phong.

Ở phần tranh, những tác phẩm chọn lọc của Đào Hải Phong được in ấn với kỹ thuật cao. Còn ở phần đời là những câu chuyện nhỏ, những mẩu vẽ trên giấy báo, giấy vụn… của Đào Hải Phong. Chính những mẩu chuyện, mảnh tranh nhỏ ấy làm nên con người nghệ sĩ. “Đó là cách sáng tác tạo nên Đào Hải Phong. Lợi thế lớn nhất khi tôi làm cuốn sách này ở chỗ tôi là con của ông. Tôi hy vọng khi đọc sách, mọi người hiểu hơn về tác phẩm Đào Hải Phong”, Duy Đào nói.

Đồng tác giả Lê Hải cho biết Lối Phong là cuốn sách thứ hai Duy Đào thiết kế ở Việt Nam, cuốn trước là Việt vị - một tác phẩm về bóng đá thế giới. Lê Hải nói những cuốn sách thiết kế như này còn khá mới mẻ, chưa tiếp cận tới rộng rãi công chúng. Nhưng thay vì tiếp cận số nhiều, sách thể loại này để lại ấn tượng sâu đậm với người đọc qua thời gian.






Bạn có thể quan tâm