Nhiều điều khoản quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng không được tư vấn viên thông tin tới khách hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từ việc diễn viên Ngọc Lan livestream than khóc vì mua bảo hiểm nhân thọ không được tư vấn rõ ràng đến việc một người được cho là làm việc tại công ty bảo hiểm lên báo "mắng" nữ diễn viên, chị Phương Thảo (37 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết đã có nhiều trải nghiệm tương tự về việc mua bảo hiểm nhân thọ.
Theo chị Thảo, chị từng mua tới 4 hợp đồng bảo hiểm cho bản thân và gia đình. Hai gói bảo hiểm nhân thọ có giá trị lớn nhất là 30 triệu và 40 triệu đồng/năm, còn hai gói thấp hơn đều có giá trị 15 triệu đồng/năm. Tổng 4 gói bảo hiểm nhân thọ chị Thảo mua trị giá cũng cả gần trăm triệu/năm.
Nói về lần ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên, chị Thảo cho biết do chưa có kinh nghiệm nên chị đã chọn người quen tư vấn và mang theo suy nghĩ “chẳng may có bị làm sao thì cũng được chi trả để nhẹ gánh tài chính” chứ không đặt nặng vấn đề lời lãi.
“Sau một thời gian, khi đã kinh qua việc đọc hiểu 4 hợp đồng bảo hiểm cho bản thân và gia đình, tôi nhận ra một số sự thật ẩn sau những quy định dài dòng của hợp đồng mà ít nhiều sẽ khác so với thông tin các tư vấn viên đang truyền tải cho khách hàng”, chị Phương Thảo chia sẻ.
Ma trận phí trong những năm đầu
Lần đầu mua bảo hiểm nhân thọ cũng giống nhiều người khác, tôi nghĩ phần lớn số tiền của mình đóng hàng năm sẽ được sử dụng cho mục đích bảo vệ rủi ro và đầu tư sinh lời. Nhưng sự thật không phải vậy.
Đọc kỹ hợp đồng tôi mới phát hiện ra, trong 3 năm đầu tiên, tiền phí tôi đóng hàng tháng được chi trả cho nhiều khoản phí khác nhau. Sơ lược qua gồm 35% phí hoa hồng, 35% phí quản lý và 30% phí bảo hiểm rủi ro/đầu tư.
Cụ thể, 35% số tiền phí sẽ được công ty bảo hiểm trích ra để trả cho tư vấn viên - người đã ký hợp đồng thành công giữa tôi và công ty bảo hiểm.
Bên cạnh đó, 35% số tiền phí sẽ được dùng để chi trả chi phí quản lý vận hành cho chính công ty bảo hiểm đó. Cụ thể gồm phí ban đầu, tính bằng tỷ lệ phần trăm nhất định trên số tiền đóng định kỳ (tùy từng công ty bán bảo hiểm mà mức phí này khác nhau). Đây là chi phí dành cho marketing, bán hàng và một số chi phí vận hành sản phẩm bảo hiểm.
Các công ty bảo hiểm có thể khấu trừ tới 65% phí sản phẩm bảo hiểm chính và 55% phí sản phẩm bảo hiểm bổ sung để trích phí ban đầu. Ảnh: T.H. |
Theo tôi tìm hiểu, vì sản phẩm bảo hiểm được tính toán cho khoảng thời gian dài 10 năm trở lên, nếu khách hàng chỉ tham gia một vài năm đầu rồi dừng, công ty bảo hiểm có khả năng không thu đủ các loại phí này. Vì vậy, thay vì thu dàn trải theo thời hạn hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ thu nhanh các khoản phí này trong 2-3 năm đầu tiên. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc dừng hợp đồng trong những năm đầu người mua sẽ gần như mất trắng số tiền đã đóng. Tiếp theo là phí quản lý hợp đồng, chỉ vào khoảng vài chục nghìn đồng/tháng tùy công ty, nhưng không vượt quá 60.000 đồng/tháng theo quy định của Bộ Tài chính.
Sau khi trừ hai khoản phí chiếm 70% số tiền người mua nộp kể trên, 30% còn lại được dùng cho chi phí bảo hiểm rủi ro, quản lý quỹ. Đây mới là số tiền được trích ra từ phí đóng bảo hiểm để nhận các khoản bồi thường trong trường hợp hiểm nghèo và mang đi đầu tư sinh lời.
Sau năm thứ 3-5, khi tỷ lệ hoa hồng cho nhân viên bán và phí vận hành công ty bảo hiểm giảm thì tỷ lệ tiền đưa vào chi phí rủi ro/đầu tư mới được tăng lên.
Lãi suất đầu tư chỉ là lời hứa suông
Trước khi ký hợp đồng, tôi được nhiều tư vấn viên hứa hẹn về mức lãi suất, có thể không quá cao nhưng cũng bằng lãi suất ngân hàng và ổn định theo từng năm.
Ở vị trí người mua, suy nghĩ tới việc vừa được bảo vệ sức khoẻ, đền bù khi có chuyện không may xảy ra mà kết thúc hợp đồng còn nhận được tiền phí đã đóng cộng lãi suất thì thật là quá hời.
Nhưng sự thật khi đọc hợp đồng bảo hiểm tôi mới phát hiện ra phần lãi suất này là “thả nổi", chủ yếu phụ thuộc vào biến động của thị trường đầu tư.
Tức là lãi suất đầu tư trên bảng tính mà tư vấn viên đưa ra chỉ để làm mẫu, thực tế sẽ không biết chắc chắn số lãi người mua bảo hiểm nhận về là bao nhiêu.
Như một hợp đồng bảo hiểm 30 triệu đồng/năm của tôi đáo hạn sau 15 năm, lúc đó có lãi hay không tôi cũng không thể biết trước. Thậm chí, chính công ty bảo hiểm dùng số tiền này đi đầu tư cũng không thể chắc chắn rằng khoản đầu tư này sẽ sinh lời.
Với điều khoản này, rõ ràng người mua nằm ở thế bị động, vì khoản tiền đã hoàn toàn được phó thác cho công ty bảo hiểm.
Cũng có một số hợp đồng bảo hiểm được phía công ty cam kết lãi suất tối thiểu (thường là hợp đồng liên kết chung) nhưng mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, chỉ vào khoảng 4-4,5%/năm trong năm đầu và giảm về 2%/năm cho các năm sau.
Mất trắng nếu rút sau 1-3 năm
Khi mua bảo hiểm nhân thọ, tôi không nghĩ nhiều về chuyện rút trước hạn, vì xác định sẽ đóng đến khi nào hết hạn (tức trong vòng 15 năm). Nhưng khi đọc hợp đồng thì tôi cũng đôi phần lo lắng vì có điều khoản phạt nếu khách hàng rút hợp đồng trước hạn.
Như trường hợp rút hợp đồng quá sớm (chưa đến 2-3 năm), tỷ lệ giá trị hợp đồng bị phạt lên tới 100%, coi như người mua mất trắng khoản phí đã đóng.
Trường hợp rút hợp đồng sau 3-5 năm, người mua vẫn bị phạt và mất đa phần khoản phí đã nộp do bị khấu trừ các chi phí kể trên (khoảng 70-90% số tiền đã đóng).
Khách hàng có thể mất trắng số tiền đã đóng bảo hiểm nếu chấm dứt hợp đồng trong 1-3 năm đầu. Ảnh: T.H. |
Từ năm thứ 5-7 trở đi, nếu rút hợp đồng sẽ không bị phạt nhưng phần tiền nhận về vẫn thấp hơn số tiền đóng do đã bị trừ các khoản phí hoa hồng, phí quản lý vận hành của công ty bảo hiểm.
Mới đây, tôi đã chấm dứt hợp đồng bảo hiểm 30 triệu/năm sau hơn 5 năm tham gia và rút ra được hơn 80 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với tổng mức phí khoảng 160 triệu đồng đã đóng từ ban đầu.
Tương tự, với một hợp đồng khác có mức phí 40 triệu đồng/năm, tôi cũng dừng tham gia sau 2 năm với tổng phí đã đóng hơn 80 triệu đồng, nhưng khi rút về chỉ nhận được 8 triệu.
Thực tế, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tôi mua đều dưới dạng liên kết đầu tư, được hãng mang vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu. Theo tính toán, với các hợp đồng này, tôi cần theo trong khoảng 10 năm mới có thể nhận về đủ số phí đã đóng và không có bất kỳ đồng tiền lãi nào.
Phải đóng bảo hiểm 99 năm?
Sau sự việc của diễn viên Ngọc Lan, thời hạn đóng bảo hiểm 70 năm, 80 năm hay thậm chí 99 năm cũng là vấn đề khiến tôi quan tâm. Dưới góc nhìn của người mua bảo hiểm, đây rõ ràng là điều khoản quan trọng vì quyết định trực tiếp tới số tiền tôi phải đóng cũng như quyền lợi sau này khi chấm dứt hợp đồng.
Về phía công ty bảo hiểm, hợp đồng thường chỉ dành 3-5 dòng để quy định về thời hạn hợp đồng và thời hạn bảo hiểm.
Cụ thể, thời hạn hợp đồng được tính theo năm và bằng 99 năm trừ đi tuổi của người được bảo hiểm vào ngày hợp đồng có hiệu lực. Thời hạn bảo hiểm bằng thời hạn hợp đồng. Trường hợp tham gia bảo hiểm nhân thọ khi 25 tuổi, thời hạn hợp đồng cũng như thời hạn bảo hiểm sẽ là 74 năm.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc khách hàng phải đóng phí 74 năm mới nhận lại được tiền, bởi còn có quy định về chấm dứt hợp đồng kể trên. Thông thường, từ năm thứ 5-7 trở đi, phí chấm dứt hợp đồng đã giảm về 0% và người mua bảo hiểm có quyền rút tiền.
Dù vậy, số tiền rút chắc chắn sẽ thấp hơn số tiền phí đã đóng trong những năm trước đó do phần lợi suất chưa đủ bù đắp chi phí ban đầu công ty bảo hiểm đã thu. Nhưng ít nhất, tôi vẫn có thể yên tâm rằng mình sẽ không phải đóng phí đến khi 99 tuổi.
Không được tư vấn về con số 21 ngày
21 ngày là con số quan trọng khi mua bảo hiểm nhân thọ mà tôi phát hiện ra trong hợp đồng nhưng tuyệt nhiên không nhận được tư vấn, dù đã mua tới 4 hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, 21 là số ngày tôi có để cân nhắc và suy nghĩ về hợp đồng đã trao đổi với tư vấn viên. Sau 21 ngày này, nếu không có thắc mắc hay thay đổi về điều khoản hợp đồng, người mua sẽ ký hồ sơ, nộp khoản phí ban đầu và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chính thức được phát hành.
Trong 21 ngày này, người mua có thể thay đổi mệnh giá sản phẩm, thay đổi các sản phẩm đang tham gia. Thậm chí, có thể hủy hợp đồng mà không mất phí.
Như trường hợp của tôi, công ty bảo hiểm sẽ chỉ thu lại khoản phí kiểm tra sức khỏe ban đầu. Với điều kiện là chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm và chưa yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nào.
Với tôi, bảo hiểm nhân thọ vẫn là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai. Nhưng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một phạm trù phức tạp mà người mua không nên cả nể hay hời hợt trong mọi vấn đề, đặc biệt là các điều khoản trong hợp đồng ký kết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.