'Không thể nói thiếu nhận thức'
“Việc cắt mác hàng Trung Quốc rồi dán mác Việt Nam không thể nói là quản lý không sát sao và thiếu nhận thức, đặc biệt là đối với doanh nhân lão làng như anh (ông Hoàng Khải)". Đây là dòng chia sẻ của doanh nhân Đoàn Hiếu Minh, ông chủ Regal Motor Cars Corporation - công ty phân phối Rolls-Royce tại Việt Nam, ngay sau dòng trạng thái của Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk trên Facebook.
Doanh nhân Đoàn Hiếu Minh cũng nói về thế hệ đàn anh là ông chủ Khaisilk dũng cảm đương đầu với khủng hoảng. Nhưng nếu chân thành hơn, ông Hoàng Khải có thể sẽ được rất nhiều người đồng cảm và ủng hộ.
Theo một số doanh nhân, sự việc Khaisilk bán hàng "made in China" không chỉ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân và thương hiệu của ông Hoàng Khải. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp. |
Trước việc ông chủ hệ thống Khaisilk thừa nhận suốt thời gian dài bán khăn lụa "made in China", nhiều doanh nhân khác cũng bày tỏ quan điểm của mình.
Doanh nhân Lâm Minh Chánh cho rằng việc ông Hoàng Khải bán lụa Trung Quốc mà để nhãn "Khaisilk made in Vietnam" không chỉ tổn hại đến danh dự cá nhân, đến thương hiệu Khaisilk mà còn làm tổn hại niềm tin của người dân vào thương hiệu Việt, vốn đã rất giảm.
Nhưng quan trọng hơn, theo ông Chánh, điều này còn làm tổn hại đến lòng tin của nhiều người. Bởi ông Hoàng Khải cũng là một tấm gương thành công, người có ảnh hưởng đến giới trẻ và ảnh hưởng đến các doanh nhân làm ăn chân chính.
Vị doanh nhân này cho hay ông chủ Khaisilk nên làm cái gì đó thật đặc biệt cho xã hội, để chứng tỏ sự hối lỗi của mình, bằng không sẽ rất khó để lấy lại uy tín.
Khách hàng tố trên cùng 1 chiếc khăn mua tại cửa hàng thuộc hệ thống Khaisilk lại có 2 mác, 1 "made in China" và 1 là Khaisilk made in Vietnam. Ảnh: Facebook Dangnhuquynh. |
“Tôi mà như ông thì tiền lời và cơ nghiệp dựng lên từ việc này, tôi sẽ hiến 80% cho những tổ chức từ thiện. Chính xác thì không phải là hiến mà là trả lại xã hội”, vị CEO này cho hay.
Ông Lâm Minh Chánh cũng viết trên Facebook cá nhân, cho hay từ năm 2002-2003, câu lạc bộ doanh nhân 2030 tổ chức một buổi nói chuyện với ông Hoàng Khải. Khi đó, có một người đã nói ông Khải buôn hàng không đúng xuất xứ.
Trước đó, trả lời sự việc bị khách hàng tố một cửa hàng thuộc hệ thống Khaisilk bán sản phẩm "made in China", ông chủ Khaisilk Hoàng Khải đã xác nhận với Zing.vn về việc thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
“Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk.
Và sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn”, ông Hoàng Khải chia sẻ.
'Tại sao phải kiếm tiền bằng mọi giá'
CEO Nguyễn Sĩ Trung Kỳ, Tổng giám đốc Salinda Resort Phú Quốc Island chia sẻ sự kiện Khaisilk nhập lụa Trung Quốc rồi thay mác Việt Nam bán cho khách hàng bằng một câu cảm thán ngắn gọn: Tại sao cứ phải kiếm tiền bằng mọi giá?.
Vị CEO nói thêm ông rất buồn trước sự việc diễn ra với ông chủ Khaisilk. Ông cũng chính là nạn nhân khi những chiếc cravar, rất đắt nhưng cũng không dùng được. Thậm chí, doanh nhân này còn mua rất nhiều đồ Khaisilk để tặng đối tác nước ngoài.
“Làm giàu mà không nghĩ đến cộng đồng, giàu mà làm gì?”, ông Kỳ đặt câu hỏi.
Với ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị thì: Vụ Khải Silk thay nhãn mà nhân viên cắt để sót cái nhãn "made In China" trên một sản phẩm thì đúng là "không có cái xui nào giống cái xui nào".
Ông Hòa cho biết khi chia sẻ với đàn em khởi nghiệp, có một số "bí kíp" mà các đàn anh thành đạt thường không chịu chia sẻ, và đây có lẽ là một trong những "bí kíp kinh doanh" ấy.
Câu chuyện kinh doanh thành công (không chỉ riêng ở Việt Nam mà môi trường nào cũng vậy) thì thường luôn có hai mặt, mặt trắng và mặt đen.
Và những câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông, tại các hội thảo, được in thành sách... chỉ mới phản ánh mặt trắng. Còn mặt kia thì không bao giờ người ta chia sẻ.
Qua sự việc gây bức xúc này, ông Hòa cũng đặt câu hỏi về vai trò quản lý thị trường của cơ quan chức năng.
“Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay, báo chí và doanh nghiệp đã kêu ca rất nhiều rồi. Từ hàng công nghiệp cho đến hàng tiêu dùng, từ hàng xuất khẩu cho đến hàng tiêu dùng trong nước đều có tình trạng hàng hóa Trung Quốc dán nhãn 'made in Viet Nam', dẫn đến sự kiệt quệ của ngành sản xuất trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, không lẽ không biết.
Chừng nào người Việt Nam mà còn chưa biết quý trọng, chưa biết giữ gìn chữ 'made in Vietnam' thì Viet Nam còn chưa có thương hiệu mạnh”, ông Đỗ Hòa khẳng định.