Chủ một doanh nghiệp ở làng nghề Đũi Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình, nói rằng thông tin việc nhập hàng lụa Trung Quốc về bán tương đối phổ biến hiện nay.
Ở góc độ kinh doanh, hàng Trung Quốc rẻ hơn, bắt mắt hơn, nhiều mẫu mã hơn, lãi cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc lấy hàng Trung Quốc về “phù phép” thành hàng Việt thì "hơi khó chấp nhận".
Nhiều người biết Khaisilk đặt lụa Hàng Châu
Theo bà, trong ngành lụa nhiều người biết Khaisilk đặt hàng tại chợ đầu mối về lụa ở Hàng Châu (Trung Quốc). Hàng lụa Trung Quốc rất khác với hàng Việt Nam, nhìn vào mẫu mã sản phẩm có thể phân biệt được ngay.
Dễ nhận thấy là hàng Trung Quốc quá bóng và mượt mà, bởi công nghệ phát triển từ lâu mà Việt Nam không thể theo kịp. Sản phẩm lụa Việt Nam đẹp nhưng dễ nhăn, hoa văn họa tiết không sắc sảo như lụa Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, nhưng đó là hồn sản phẩm, gần như là đặc trưng của chất lụa, đũi Việt.
Lụa Việt chủ yếu làm thô, yếu trong khâu thiết kế và nhiều làng nghề vẫn còn tư tưởng "ai đặt gì làm nấy". Ảnh: VD. |
“Làm nghề, nhìn qua ai cũng biết hàng Trung Quốc nhưng chúng tôi không quan tâm lắm. Mỗi người có một cách làm và để thị trường đánh giá. Nhưng tôi cam đoan là rất lâu nữa hàng lụa Việt Nam mới đạt được tới trình độ tạo nên sản phẩm bắt mắt như vậy”, doanh nhân này chia sẻ.
Bà còn cho biết theo xếp hạng của một diễn đàn về ngành lụa, lụa Trung Quốc đang là số 1 thế giới mà Việt Nam chỉ đứng thứ 9, đủ cho thấy sự chênh lệch về công nghệ. Hàng Việt Nam thực sự chỉ có lợi thế chính là lụa nguyên bản và làm thủ công mà các nước phát triển không còn mặn mà với ngành này.
“Bản thân tôi rất khâm phục anh Hoàng Khải vì cách làm thương hiệu tốt và tìm tòi về các mặt hàng lụa rất kỹ. Đặc biệt, lợi thế của anh ấy là biết rất nhiều thứ tiếng, quan hệ rất rộng để có thể phát triển mẫu mã sản phẩm phù hợp, vì họ hiểu khách hàng.
Trong khi đó, các cơ sở thủ công làm lụa ở Việt Nam vẫn đang dò dẫm vào thị trường, nên chưa thể hình dung được làm điều gì thực sự tốt nhất", chủ thương hiệu này nói thêm.
Một điều dễ nhận thấy nữa, đa phần lụa Việt vẫn là làm để duy trì làng nghề truyền thống, cung ứng nguyên liệu thô. Thành phẩm để đưa vào những cửa hàng như Khaisilk rất khó.
Hơn nữa, ở góc độ kinh doanh, hàng Việt Nam bán lãi thấp, nên con đường để đi vào các cửa hàng phân phối lớn như Khaisilk rất hẹp.
Quốc tế biết Khaisilk nhưng ít biết lụa Việt
Hiệp hội Lụa Việt Nam cũng nhìn nhận thực tế lụa Việt rất yếu trong khâu thiết kế, cũng không có nhiều chi phí để thiết kế một cách bài bản.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng ngành lụa của chúng ta “đi lên từ làng” nên còn rất thụ động. Vẫn còn các cơ sở chỉ ngồi chờ ai đặt gì làm nấy, chứ chưa có ý thức phát triển sản phẩm ra sao để thu hút.
“Tất nhiên cũng muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất để đang dạng hóa sản phẩm và giảm giá thành xuống. Tuy nhiên, nhìn lại thì đa phần đơn vị làm lụa ở việt Nam đều là các làng nghề thủ công, không thể chịu nổi mức đầu tư lớn, trong khi lại phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khác, nên chỉ còn cách lấy thủ công để cạnh tranh với hàng công nghệ”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Những năm gần đây, ngành lụa đang cố gắng hết sức để cải thiện cả chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm. Khi đó, hàng cao cấp, hàng bình dân sẽ thực sự được nhìn nhận đúng nghĩa.
Theo các doanh nghiệp, nghệ nhân kinh doanh hàng lụa, chính họ đang định giá sản phẩm của mình quá thấp. So với các nước, mình chưa xây dựng được chiến lược đúng đắn để nâng tầm hàng Việt.
Bà nói: “Tôi đi rất nhiều nước, nhưng chưa thấy ai nhắc về lụa Việt Nam, họ chỉ nói lụa Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia. Quốc tế biết nhiều về anh Khải, nhưng điều lạ là họ lại không biết nhiều về lụa Việt Nam. Tôi mong muốn thời gian tới hàng lụa Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên thế giới”.
Chiều nay, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra cửa hàng Khaisilk ở 113 Hàng Gai, nơi bán khăn lụa 'made in China' khiến dư luận bất bình những ngày qua.
Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết đơn vị này tiến hành kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Cơ quan quản lý thị trường thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Câu chuyện khởi đầu từ một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua 60 sản phẩm khăn của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Mỗi khăn tay lụa tơ tằm kích thước 50 x 50 cm có giá 644.000 đồng.
Khách sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”.