Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi lên tàu sân bay và sửa máy bay nhanh nhất có thể'

Ăn ở chật hẹp như trong chiếc “hộp”, không biết ngày hay đêm, đang ở đâu trên Trái Đất, rồi biến boong tàu thành bãi biển là cuộc sống trên tàu sân bay Mỹ.

Tham quan chiến hạm uy lực hạng nhất của Hải quân Mỹ Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào vùng biển Đà Nẵng sáng 5/3, đi cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill.

Đại úy thủy quân lục chiến Louis tràn đầy tự hào khi chia sẻ với Zing.vn về cuộc sống trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, bên lề chuyến thăm của nhóm tàu này tới Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 5/3.

Khi nhiều thủy thủ trong số hơn 5.300 người phục vụ trên tàu sân bay và tàu hộ tống lần này có dịp lên bờ, xả hơi tại Đà Nẵng, ông sẽ phải lên tàu làm việc. Đóng ở Nhật Bản, công việc của Louis là sửa chữa, bảo trì máy bay, nhờ vậy ông từng làm trên nhiều tàu sân bay khác nhau.

Câu chuyện của Louis - người đề nghị giấu họ vì lý do an ninh - có thể đại diện cho câu chuyện của khá nhiều lính Mỹ theo nghiệp quân nhân.

Ông gia nhập quân đội Mỹ vì “ưa thử thách”, vượt qua giai đoạn “gian khổ” ban đầu trong quân đội để theo chuyên nghiệp. Giờ hơn 20 năm làm lính, ông tự hào được đi nhiều nơi, tự hào mở lại ảnh phi đội Osprey mà ông chụp khi còn bay, tự hào khoe hình xăm lính thủy đánh bộ trên ngực.

Ông đến từ một bang ít dân, có chiều hướng bảo thủ là Arizona, nơi ông có “nhiều súng đến mức không đếm được, và đó mới chỉ là một tủ”. Như các lính Mỹ khác, ông tự hào khi các con gái dưới 18 tuổi muốn đi theo binh nghiệp của cha.

Tau san bay My tham Viet Nam anh 5

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo đậu tại phao số 0 ngoài cảng Tiên Sa, trong chuyến thăm bắt đầu từ ngày 5/3. Ảnh: Thuận Thắng.

Đọc được email gia đình, nhưng không thể trả lời

- Công việc của ông là gì?

- Tôi lên các tàu sân bay và bảo trì máy bay. Tôi xem xét, báo giá cho các chỉ huy, rồi phải sửa máy bay nhanh nhất có thể, nhưng an toàn nhất có thể. Tính mạng của đồng đội phụ thuộc vào tôi.

Công việc của 5.000-6.000 người trên tàu đều kết nối với nhau, từ giặt giũ, nấu ăn, đổ xăng. Nếu một người thất bại, tất cả đều thất bại.

- Cuộc sống trên tàu sân bay như thế nào?

- Bạn luôn phải chăm lo cho nhau. Có những khi không biết là ban ngày hay ban đêm, bạn như bị “kẹt” trong một cái “hộp”. Ngày nào cũng như thế, nên khi thăm cảng, bạn sẽ rất vui.

Bạn luôn phải có thái độ tích cực, không thể nghĩ tiêu cực, vì sẽ không làm tốt nhiệm vụ. Luôn nghiêm túc coi đây là công việc mà chính mình đã chọn - đó là điều tôi nói với cấp dưới.

Có người này người kia, có người yêu ghét công việc, nhưng tôi khuyên ai cũng phải cố để lấy được những điều tốt nhất từ công việc. Vì các bạn đã hy sinh nhiều rồi.

- Sự hy sinh đó là những gì?

- Bạn hy sinh vì ở xa gia đình rất lâu, có thể xa nhà 9 tháng. Bạn không thể luôn gọi điện hay email cho họ. Chỉ một số hôm có email. Cuộc gọi có thể bị giới hạn vì lý do an ninh, và bạn sẽ mất liên lạc hàng tuần, hàng tháng trời. Bạn không biết gia đình có ổn không. Gia đình thì có thể email cho bạn, bạn đọc được email, nhưng bạn không thể trả lời.

- Các thủy thủ có hào hứng khi được thăm cảng?

- Đó là thời gian để họ nghỉ ngơi, lấy lại sức. Mọi ngày chúng tôi đều làm việc trên tàu. Nhìn đâu, nhìn hướng nào cũng chỉ thấy nước. Chúng tôi ở trong các phòng nhỏ, vài mét nhân vài mét, toàn thấy giường là giường, 5 tầng giường xếp lên nhau, như một cái hộp.

Nên khi có tin thăm cảng, ai cũng hào hứng. Như tôi, chưa bao giờ tới Việt Nam, nên bắt đầu tìm hiểu nên đi đâu. Có người thì muốn đi mua sắm, có người thích uống rượu. Mỗi người khác nhau.

Bãi biển làm bằng thép

- Những ngày như thế nào được coi là những ngày khó nhọc trên tàu sân bay?

- Ngày làm việc bình thường dài 18 tiếng. Những ngày khó khăn có thể do không biết mình đang ở đâu, nhìn đâu cũng thấy nước, tất nhiên bạn không thể mở ứng dụng bản đồ ra xem mình đang ở đâu.

Tất nhiên tàu Hải quân Mỹ phải biết vị trí mình đang ở đâu, nhưng chỉ một số cấp được biết. Bạn sẽ không được biết, vì lý do an ninh.

Nói vui để hình dung nhé, anh biết mình đang ở Đà Nẵng bây giờ đúng không. Tưởng tượng, tôi bịt mặt anh lại, quay anh vài vòng, đưa anh đi đâu đó mà không nói, không biết ở Việt Nam hay nước nào, bắt anh ở đó hai tuần. Khó lắm phải không? Mình đang ở đâu nhỉ - anh sẽ luôn tự hỏi.

Khó khăn nữa là khi có tình hình căng thẳng, như Iran hay Triều Tiên, tất nhiên bạn biết điều đó. Nhưng bạn không biết ngày mai sẽ là chiến tranh hay hòa bình, ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì.

- Còn những ngày tốt lành, dễ thở sẽ thế nào?

- Những ngày dễ dàng là những ngày mà sau khi đã lênh đênh trên biển quá lâu, chẳng hạn như 100 ngày liên tiếp, thì sẽ có “steel beach picnic” (picnic trên bãi biển thép). Bãi biển của chúng tôi không có cát, mà làm bằng thép, tức boong tàu làm bằng thép.

Chỉ huy tàu sẽ nói “tuy không vào cảng, nhưng cho mọi người nghỉ một buổi, nướng thịt BBQ trên tàu”.

Vậy là bạn ở giữa biển, trên một tàu sân bay có hạt nhân, nhưng được ăn bít tết nướng. Sau nhiều ngày dài làm việc, bạn sẽ rất hào hứng với “bãi biển thép” đó. Nhưng không phải nghỉ cả ngày nhé, chỉ vài giờ thôi. Rồi có bể bơi trẻ con, thổi phồng lên, rồi “tắm” trong đó. Lúc đấy mới lại thấy nụ cười trên mặt mọi người.

Tau san bay My tham Viet Nam anh 8

Dàn máy bay hùng hậu trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Thuận Thắng.

Tàu sân bay như “tổ kiến, tổ ong”

- Khi máy bay được tăng tốc để cất cánh bằng hệ thống phóng catapult thì sao?

- Trời, ngồi trong máy bay được đẩy để cất cánh bằng trăm lần đi tàu lượn. Nếu đã ngồi trong đó, sau này bạn đi tàu lượn, chắc sẽ khoanh tay ngồi im, và thấy nhàm chán.

- Sự kỷ luật, tập luyện trên tàu sân bay ra sao?

- Ai cũng phải nhớ rằng, cuộc sống tôi phụ thuộc anh, mạng sống anh phụ thuộc tôi. Viễn cảnh tệ nhất trên tàu là hỏa hoạn, nên ai cũng là lính cứu hỏa. Luôn phải để ý hỗ trợ nhau. Cũng phải nhớ cấp bậc, trên dưới, nhưng cũng phải đối xử mọi người với sự tôn trọng.

Bạn cũng phải luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Như chơi thể thao vậy, như bạn là vận động viên chuyên nghiệp. Nếu bạn không chơi mỗi ngày, bạn sẽ không giỏi được, nên mỗi ngày bạn đều tập luyện.

- Ông có nói tàu sân bay như một tổ ong?

- Khi lên tàu, anh sẽ thấy kho chứa máy bay khổng lồ, với những máy bay hiện đại bên trong. Nhưng đằng sau đó là sự đoàn kết, mọi người làm việc đều kết nối, hỗ trợ nhau, 24 giờ mỗi ngày.

Giống như một tổ kiến hay tổ ong, mọi người trên tàu cũng di chuyển bận rộn khắp nơi, nhưng mọi người đều có mục đích.

Thủy thủ tàu sân bay Mỹ muốn thưởng thức món Việt vì đã ngán McDonald Làm việc liên tục trên tàu sân bay, cứ khoảng 35-90 ngày lại vào bến. Đây là cơ hội để các thủy thủ vào bờ, tham quan.

Đoàn tham quan tàu sân bay Mỹ phải quay về bờ vì biển động

Một đoàn tham quan chiều 5/3 đã lên thuyền ra gần phao số 0 ngoài cảng Tiên Sa, nơi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo đậu. Nhưng do biển động, việc lên tàu phải tạm hoãn.

Dàn máy bay hùng hậu trên tàu sân bay ở Đà Nẵng

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt với mặt boong rộng hơn 3 sân bóng đá có thể mang theo tới 90 máy bay các loại, tương đương không quân một quốc gia nhỏ.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm