Tôi bắt đầu áp dụng những lý luận khi làm thương hiệu trong công ty để lên kế hoạch xây dựng hình ảnh cá nhân của mình. Mùa hạ năm 2015, bộ phận của tôi có một tổng giám đốc thương hiệu được phái đến. Tôi đã làm giám đốc thương hiệu suốt 5 năm, cuối cùng đã nhìn thấy tia hy vọng của bộ phận mình. […]
Công ty cho rằng tôi chưa xứng đáng được lên chức tổng giám, thế nên mới tuyển một người mới vào. Điều này tôi có thể hiểu được, đối với tôi đây cũng là một quá trình học hỏi, dù sao thì lăn lộn bươn chải suốt 5 năm, mặc dù có được chút thành tích, nhưng tôi lại thiếu tính hệ thống.
Tổng giám mới vừa đến công ty đã bắt đầu thị uy, tranh thủ lúc tôi được tập đoàn phái ra nước ngoài khảo sát, tìm đến cấp dưới của tôi để đàm phán, đồng thời tuyên bố chủ quyền, nói cho mọi người biết anh ta mới là lãnh đạo, chuyện gì cũng phải hỏi ý kiến anh ta.
Nói thật, chiêu này quá ngu ngốc, nhưng một lãnh đạo mới đến sợ bị làm bù nhìn, mong có được nhiều thực quyền trong tay để đem lại cảm giác an toàn cho chính mình là chuyện đương nhiên.
Song, một lãnh đạo mới đến, nếu như không có năng lực chuyên môn, không thể làm cho mọi người tâm phục, mà chỉ được cái mác có chuyên ngành quản lý, dùng cách lôi bè kéo phái, phân chia quyền lực, thì quả đúng là thiếu kỹ năng quản lý.
Tôi vừa về nước đã cảm thấy bầu không khí trong cả đội ngũ có gì đó khang khác, xâu chuỗi lại mọi việc, đại khái trong lòng cũng hiểu cấp trên mới đến muốn loại trừ tôi, đổi hết thành người mình để dễ dàng quản lý.
Đây là nước cờ thường thấy. Nhân viên cũ ở mọi đội ngũ đều khó trị. Một là có rất nhiều nhân viên kỳ cựu bởi vì quanh năm không được tăng lương thăng chức nên dễ dàng biến thành những con lươn con trạch khó bắt, lãnh đạo mới đến rất dễ bị thành bù nhìn, hoặc không quản lý nổi. Hai là có nhiều nhân viên kỳ cựu thường có địch ý đối với sếp mới đến: Anh đến đây để cướp vị trí của tôi.
Sách Đừng bận mà vẫn nghèo. Ảnh: Thúy Diễm. |
Tôi không thích trò mách lẻo, cũng không muốn trở thành một người giống như vị phó giám đốc trước kia. Có điều, ở chốn công sở này cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, đâu phải bạn không đụng chạm đến ai thì sẽ không ai đụng chạm đến bạn để cho thiên hạ thái bình.
Cấp trên mới đến cần có cảm giác an toàn, muốn thị uy, tôi nằm im vẫn trúng đạn. Có điều, tôi đã không còn là “thằng ngốc” năm xưa bị Lão Tôn mắng cho một trận trong cuộc họp mà sợ đến run lẩy bẩy nữa rồi.
Nếu như anh mong muốn mình có được chỗ đứng trong công ty, có lẽ tiểu tốt như chúng tôi không thể đạt tới mức không thay thế, nhưng anh phải luôn đánh giá đúng vị trí và nội dung công việc mà anh phụ trách: Thứ đã rời bỏ anh, công ty cần phải bỏ ra cái giá lớn hơn mới bù đắp lại được.
Nếu phải trả giá, công ty ắt sẽ cân nhắc được mất. Mặc dù có những công ty sẽ trao quyền sinh quyền sát cho lãnh đạo mới, có thể thay người. Nhưng bạn chỉ có thể đào thải những người không mấy quan trọng, chứ nếu vừa nhậm chức đã đuổi hết thành phần cốt cán, làm vậy sẽ để lộ tầm nhìn quản lý hạn hẹp của bạn.
Đối với doanh nghiệp, dùng một lãnh đạo mới đến sẽ luôn tồn tại rủi ro, bởi vì đối với nhân viên kỳ cựu, đó là sự tổn thương, mà người mới đến thì công ty chưa rõ năng lực thế nào.
[…]
Bắt đầu từ giây phút tổng giám mới đến đoạt đi cấp dưới của tôi, anh ta đã thua rồi. Nhiều năm sau, cuối cùng tôi cũng hiểu, nếu cấp trên của bạn sợ cấp dưới “công cao hơn chủ”, vậy thì cấp trên đó chẳng có gì đáng sợ cả, bởi người đó đã thua về cái tầm ngay từ ban đầu rồi.
Không dám làm bạn với kẻ mạnh, sợ dùng kẻ mạnh làm cấp dưới, lo lắng kẻ mạnh sẽ cướp đi vị trí của bạn, nếu một người quản lý hàng ngày chỉ suy xét đến mấy vấn đề này, vậy thì cả êkíp ấy cũng không cần phải lưu luyến gì thêm nữa, bởi vì sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để đấu đá nội bộ, khó khăn khi trao đổi thống nhất với nhau, hơn nữa, một cấp trên như thế chắc chắn sẽ rất khó để phối hợp cùng lúc làm việc.
Đương nhiên, tôi của khi ấy vẫn chưa thể đúc rút ra được những chân lý này. Khi đó, tôi đã xuất bản được 2 cuốn sách, cuốn sách thứ ba cũng đang chuẩn bị lên kệ. Điều đáng tự tin nhất với tôi chính là tôi có thể tự nuôi được mình nhờ việc viết sách, hơn nữa, tôi cũng có thể đánh giá đúng vị trí và giá trị của mình trong bộ phận thương hiệu.
Nếu tổng giám mới đã muốn thay thế tôi, vậy thì tôi sẽ để công ty tự đánh giá về rủi ro này. Quả nhiên, không bao lâu sau, cấp trên trực tiếp của tôi đã biết được chuyện này. Cô ấy đưa ra quyết định mà gần như không do dự chút nào, cho vị tổng giám mới kia ra khỏi cuộc chơi. Cô ấy hỏi tôi có ấn tượng gì đối với tổng giám mới, tôi đã đưa ra những nhận xét và đánh giá một cách khách quan, bao gồm cả các mối quan hệ, năng lực tư duy của đối phương.
Tiếp đó, tôi tỏ ý đang có ý định xin thôi việc, bởi vì tôi được biết cấp dưới của mình đã thuộc sự quản lý của người khác, còn mình đang bị hạn chế quyền hạn, tôi không hề thích môi trường làm việc như vậy.
Cấp trên trực tiếp của tôi nói: “Anh vừa nói năng lực quản lý của anh ta tương đối tốt, nhưng tôi lại thấy, nếu anh ta không thể trị được anh, thế thì người này cũng không đủ tư cách”.
Tổng giám mới đã “dừng chân” khi thời gian thử việc chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc. Tôi không hề có cảm giác mình là người chiến thắng, nhưng tôi cảm thấy ngay từ đầu người kia đã thua chính bản thân anh ta. Đầu năm 2016, tôi được thăng chức lên làm tổng giám. Đương nhiên, cấp bậc của tôi là thấp nhất trong những tổng giám của công ty.