GS Huỳnh Như Phương. |
Gần đây ở một vài cơ sở đào tạo đại học và trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, có ý kiến kêu gọi sinh viên nên xưng “tôi” với thầy giáo, cô giáo, thay vì xưng “em” như cách xưng hô phổ biến lâu nay.
Nhiều sinh viên của tôi muốn biết tôi nghĩ gì về đề nghị này.
Tôi trả lời là tôi hoan nghênh những bạn sinh viên nào xưng “tôi” khi trao đổi trên lớp cũng như khi giao tiếp ngoài giờ học. Chắc chắn tôi không bao giờ định kiến với cách xưng hô đó. Bởi vì từ khi ra trường làm nghề dạy học cho đến nay, trên bục giảng không bao giờ tôi gọi sinh viên là “các em” mà luôn gọi là “các anh, các chị” hay “các bạn”. Tôi vẫn thường nhắc sinh viên khi thuyết trình trước cả lớp, hãy xưng “tôi” mà đừng bao giờ xưng “em” hay “mình”. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, tôi không khỏi cảm thấy dị ứng khi một nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ mà lại xưng “em” với hội đồng giám khảo.
Tuy nhiên, tôi cho rằng không phải trong bất cứ tình huống nào việc xưng “tôi” cũng phù hợp. Nếu bây giờ có ai bảo tôi hãy xưng “tôi” với những thầy giáo, cô giáo mà tôi đã học, dù người khuyên đó có uy tín đến mức nào, tôi cũng xin phép không nghe theo lời khuyên ấy.
Tôi không thể tưởng tượng được rằng một hôm nào đó, tôi sẽ nói với những người thầy mà tôi hằng thương yêu và kính trọng rằng: “Thưa Thầy, tôi đến thăm Thầy đây…”. Và giả sử rằng (giả sử thôi, chứ điều này chắc không có khả năng xảy ra!), một hôm nào đó, cơ quan quản lý của tôi ra chỉ thị quy định rằng ở đại học, mọi người không được xưng “em” mà phải xưng “tôi” cho có tư thế, tôi cũng xin được phép không chấp hành chỉ thị ấy: tôi vẫn cứ giữ cách xưng “em” với những người thầy giáo cũ của tôi bây giờ là đồng nghiệp ở cùng một cơ quan, như bao lâu nay vẫn thế.
Nhà văn Võ Hồng có lần kể với tôi: Hồi mới hòa bình, có mấy người học trò cũ của thầy đi làm cách mạng về, giờ giữ trọng trách ở địa phương, đến thăm thầy. Để chứng tỏ mình là cách mạng thứ thiệt, trong buổi tiếp họ xưng “tôi” và gọi thầy là “anh”. Thầy vẫn nói chuyện vui vẻ, tự nhiên nhưng trong lòng thầy nghĩ: sao các em phải lên gân, uốn giọng cho khổ vậy, thầy thấy các em tự ép mình mà thương các em quá!
Thỉnh thoảng trên báo chí xuất hiện lời than phiền tiếng Việt mình sao mà rắc rối! Cùng một từ trong tiếng nước ngoài là “I” hay “Je” mà tiếng Việt mình lúc thì “tôi”, lúc thì “tao”, “tớ”, “em”, “anh”, “chị”, “thầy”, “cô”, “chú”, “bác”, “cậu”, “dì”, “ba”, “má”, “cha”, “mẹ”, “ông”, “bà”, “trẫm”, “thần”,… Ôi thôi, đủ các cách xưng hô. Phải chi thống nhất dùng chỉ một chữ “tôi” thôi thì sẽ đỡ phiền phức biết bao nhiêu.
Tôi nghĩ, để tránh những rắc rối, phiền phức như vậy, chỉ có một cách là hãy nói ngoại ngữ và đừng nói tiếng Việt nữa! Bởi vì chính những “rắc rối” đó góp phần làm thành linh hồn của tiếng Việt. Ngôn ngữ không phải chỉ là chuyện thói quen. Xưng hô với một ai đó như thế nào chính là biểu hiện tấm lòng của người nói!
Thú thật, tôi không tin rằng hễ cho phép sinh viên xưng “tôi” với thầy giáo thì sẽ giúp họ tự tin, có tư thế và tinh thần độc lập suy nghĩ. Hồi tôi mới bước chân vào trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ở Ban Triết học Tây phương có những thầy giáo trẻ vừa học xong cao học được cử làm trợ giảng cho những thầy giáo nổi tiếng.
Một trong những thầy giáo trẻ đó, trong một bài viết, đã từng tranh luận về một khía cạnh trong cuốn sách của vị giáo sư mà vài năm sau ông được cử làm trợ giảng. Một hôm, sau khi dạy chúng tôi những chương tổng quan về lịch sử triết học, vị giáo sư đã đến lớp giới thiệu một cách trân trọng người dạy tiếp các trào lưu triết học cũng chính là người đã từng viết bài phê bình ông. Vị giáo sư có cách ứng xử đẹp đó là Thầy Trần Thái Đỉnh đã quá cố.
Để người sinh viên khẳng định tư chất của mình, cần phải thay đổi cả một não trạng trong ứng xử quan hệ thầy trò và những mối quan hệ khác trong xã hội, chứ không phải là thay một từ “em” bằng từ “tôi”. Thay cách xưng hô để khơi gợi tinh thần dân chủ ở đại học chỉ là giải quyết vấn đề từ ngọn. Hãy để người sinh viên tự quyết định cách xưng hô theo tiếng gọi tình cảm tự nhiên của họ và đừng thay thế sự rập khuôn này bằng một sự rập khuôn khác.
Thực hiện được tinh thần câu nói của Aristotle “Amicus Plato, magis amica veritas” (Tôi yêu Plato, nhưng tôi còn yêu chân lý hơn) không phải là việc dễ dàng. Ở một trường đại học, dẫu sinh viên có được phép xưng “tôi” với thầy, mà họ không được tạo điều kiện để tiếp cận với chân lý trong khoa học, và vây quanh họ là một bộ máy quản lý như kiểu một gia đình, thì câu chuyện nâng cao tầm văn hóa ứng xử của sinh viên vẫn chỉ là ước vọng mà thôi.