Đây là câu chuyện từ một nhà báo gửi về Zing, chia sẻ về việc tài khoản mạng xã hội của bản thân bị khóa mà không có lý do thuyết phục.
Ngày 15/1, Facebook thông báo tôi bị vô hiệu hóa tài khoản vì đăng bài vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, tài khoản này đã không thể đăng tải nội dung mới vì bị nền tảng giới hạn 3 ngày và vẫn trong thời gian cấm.
Tôi tìm hỏi vài nơi chuyên dịch vụ mở khóa, họ báo giá 100 triệu đồng. Thủ tục khá đơn giản nhưng nếu tôi hoặc các anh chị tự làm sẽ không được. Điều này cũng tương tự cách xin tích xanh trên nền tảng.
Thật ra tôi, gia đình, bạn bè đã chuyển sang dùng các nền tảng khác trong giao tiếp, kinh doanh... nhưng cũng không thể bỏ ngay Facebook vì mức độ tương tác. Những ý kiến trên mạng xã hội đã góp sức với Chính phủ, báo chí trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực xã hội mà sự đồng thuận gần đây nhất là vụ án khởi tố Việt Á, vụ nghi gian lận chứng khoán, vụ nghi thao túng, làm xiếc giá đất qua đấu giá...
Facebook tìm cách khóa tài khoản người dùng với lý do không chính đáng. Ảnh: Getty. |
Việc bé 8 tuổi bị sát hại làm xao xuyến nhân tâm, báo chí và mạng xã hội không chỉ thúc đẩy việc xử lý mà còn gợi mở trách nhiệm của phụ huynh, cộng đồng, hội đoàn với trẻ em. Tuy nhiên những tác giả mạng xã hội khi viết về những đề tài đó đều có thể bị xóa bài, hạn chế tương tác, khóa bình luận... mà không có lý do thuyết phục.
Nếu không can thiệp trực tiếp với các nội dung nêu trên, Facebook sẽ lục tung những bài đã đăng từ chục năm trước để khóa tài khoản cho bằng được. Lý do Facebook đưa ra là bản quyền. Với tôi, khi trích dẫn nội dung, hình ảnh, clip...tôi đều ghi tên tác giả, nguồn trích... nhưng phía Facebook vẫn cho là vi phạm.
Thật ra đó là cách Facebook hạn chế thiệt hại cho các nhóm lợi ích. Hay nói đúng hơn đã đến lúc các nhóm lợi ích chi phối cả truyền thông mạng xã hội. Nhưng điều làm tôi chán ghét Facebook là họ bao che cả tội ác khi xóa các bài bảo vệ bé 8 tuổi bị sát hại, trên cả những diễn đàn công khai và nhóm riêng tư.
Bản thân tôi và gia đình đã cắt toàn bộ quảng cáo trên Facebook vì chúng tôi không thể góp tiền cho một tập đoàn ủng hộ tội ác bằng cách riêng của họ.
Trong phạm vi bài viết này tôi được nhiều nhà báo, tác giả mạng xã hội yêu cầu không nêu tên vì sợ bị khóa tài khoản. Chỉ cần bị report (tố cáo) là "bay màu". Một nỗi sợ thật sự vì mấy ngày gần đây không thấy các anh chị viết bài về các vụ việc nêu trên. Cả bé 8 tuổi cũng bị quên lãng.
Người dùng cần chi trả số tiền lớn để thuê dịch vụ mở khóa Facebook. Ảnh: Getty. |
Facebook quả thật lợi hại. Nếu hiện nay họ dùng chính sách bản quyền thì mấy năm trước Facebook dùng chiêu không chính chủ. Vì sao tôi biết? Vì chính tôi đã bị khóa tài khoản, lý do bị report (tố cáo) là tôi không phải là Hoàng Linh. Theo hướng dẫn của đội ngũ hỗ trợ Facebook tôi đã gửi chứng minh thư, bằng lái xe, hình ảnh và nhiều tài liệu khác để chứng minh "tôi là tôi" nhưng vẫn không mở được tài khoản.
Thậm chí đại diện của tôi đã sang văn phòng Facebook tại Singapore nhưng vẫn không được trả lời. Nhưng khi một người trong gia đình tôi đã nhờ ai đó thân quen với các Agency Facebook, với thủ tục nhỏ và số tiền không nhỏ, tài khoản của tôi mở được ngay hôm sau.
Có vẻ như việc làm không ồn ào này cũng khấm khá. Chỉ cần một vài người báo cáo bạn vi phạm điều gì đó thì bạn sẽ bị khóa tài khoản ngay và luôn. Muốn mở lại thì nhờ vào các kênh cá nhân và công ty truyền thông có quan hệ bí mật nào đó với Facebook. Thủ tục không quan trọng vì nó rất đơn giản.
Đã đến lúc người Việt nên chọn lại kênh phát biểu ý kiến của mình. Đồng thời chúng ta nên giật mình vì nhóm lợi ích có vẻ như đã thao túng được cả ông lớn "vô tư" Facebook.