2021 là năm khái niệm metaverse (thế giới ảo) nổi lên nhờ các hãng công nghệ lớn. Trong khi Facebook đổi tên thành Meta để phản ánh hướng đi mới, Microsoft và nhiều công ty khác cũng bày tỏ quan tâm đến metaverse, cho rằng đây là tương lai của Internet.
Dù được nhắc đến nhiều trong năm 2021, metaverse vẫn chưa tồn tại và sẽ không xuất hiện trong tương lai gần. Những gì hiện có chỉ là ý tưởng, tham vọng và sự cạnh tranh.
Theo Washington Post, 2021 không phải năm của metaverse. Các công ty chỉ thay đổi thương hiệu, dựa trên công nghệ sẵn có để tạo nên hình ảnh của metaverse. Trở ngại hiện có trên các nền tảng khiến metaverse chưa thể thành sự thật.
Những định nghĩa khác nhau về metaverse
Ngày 28/10/2021, Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty Facebook thành Meta, phản ánh hướng đi tập trung vào metaverse, không gian ảo cho phép mọi người tương tác cùng nhau. Kính thực tế ảo Oculus là "cánh cổng" dẫn đến metaverse của Facebook, tương tự cách smartphone giúp chúng ta truy cập Internet như hiện nay.
Trong 2 tháng từ khi Facebook đổi tên công ty, thuật ngữ metaverse được quan tâm nhiều hơn. Thống kê từ Factiva cho thấy 12.000 bài báo tiếng Anh đăng trong 2 tháng qua có chữ "metaverse". Lượng bài viết nhắc đến "metaverse" trong 9 tháng đầu năm 2021 thấp hơn 4.000, cả năm 2020 là chưa đến 400 bài báo.
Metaverse được nhắc đến nhiều hơn sau khi Mark Zuckerberg đổi tên công ty Facebook thành Meta. Ảnh: Meta. |
Trong các bài báo về metaverse, Facebook là công ty có số lần xuất hiện nhiều nhất, gấp 10 lần so với Microsoft. Dữ liệu từ Google Trends cho thấy lượng tìm kiếm liên quan đến metaverse tăng gấp 20 lần từ giữa tháng 10/2021.
Không ít bài báo khẳng định metaverse đã hiện diện trước mắt chúng ta, tương tự World Wide Web hay mạng xã hội. Tuy nhiên, sự thật chưa phải vậy.
Trong khi metaverse có nhiều định nghĩa khác nhau, đa số ý kiến nhận định đây không chỉ là môi trường trong kính thực tế ảo (VR) hay thực tế tăng cường (AR), người dùng tương tác dưới dạng avatar. Định nghĩa được chấp nhận phổ biến của metaverse là cầu nối giữa các thế giới ảo khác nhau, mỗi người có avatar, mối quan hệ và tài sản ảo xuyên suốt các thế giới.
Metaverse không chỉ được tạo ra bởi một công ty
Mark Zuckerberg, CEO Meta
Trong cuốn tiểu thuyết về khoa học viễn tưởng Snow Crash năm 1992, tác giả Neal Stephenson mô tả metaverse không chỉ là một ứng dụng, thiết bị hay trải nghiệm, mà là hệ thống gồm nhiều ứng dụng, thiết bị và trải nghiệm. Trong tiếng Hy Lạp, "meta" nghĩa là "beyond" hoặc "after" ("vượt ra khỏi" hoặc "sau đó").
Trong khi đó, nhà đầu tư mạo hiểm Matthew Ball viết rằng metaverse là "trạng thái kế thừa của Internet di động", "mạng lưới thế giới ảo 3D được dựng theo thời gian thực, quy mô lớn và có thể mở rộng" tồn tại theo thời gian trên mọi nền tảng và thiết bị.
Mark Zuckerberg mô tả metaverse là "Internet hiện thân, nơi bạn trải nghiệm chứ không chỉ nhìn vào". Nhà sáng lập Facebook cho biết metaverse không chỉ được tạo bởi một công ty.
Thế giới ảo của Facebook không phải metaverse
Dựa vào những định nghĩa trên, khả năng tương tác là yếu tố quan trọng của metaverse. Tuy nhiên, đó cũng là thứ còn thiếu trong đa số thế giới ảo bỗng dưng được gọi là metaverse.
Tháng 12/2021, New York Times đưa tin một cặp đôi tổ chức hôn lễ trong metaverse, thông qua nền tảng có tên Virbela. Khách tham dự cần tải phần mềm độc quyền của công ty và tạo avatar riêng. Vấn đề của Virbela là không tương thích với những nền tảng khác. Ngoài ra, thủ tục hôn nhân của cả 2 vẫn phải thực hiện ngoài đời để được pháp luật công nhận.
Horizon Worlds chỉ là bước đầu trong kế hoạch biến metaverse thành hiện thực của Facebook. Ảnh: Meta. |
Các lãnh đạo của Meta đã tổ chức một buổi phỏng vấn trong Horizon Worlds, nền tảng ảo do công ty tự phát triển. Với nhiều không gian 3D khác nhau, hỗ trợ chơi game và ứng dụng công việc, Horizon Worlds thể hiện tầm nhìn của Meta về tương lai của metaverse. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể trải nghiệm không gian này bằng kính VR Oculus với giá bán 300 USD, thông tin đăng nhập nền tảng được liên kết với tài khoản Facebook.
Dựa vào những yếu tố hiện có, Horizon Worlds chưa phải metaverse. Đó chỉ là không gian ảo thuộc thế giới Internet rộng lớn hơn. Đại diện Meta cũng nói với Washington Post rằng Horizon Worlds chỉ là bước khởi đầu.
"Chúng tôi xem Horizon Worlds là một trong những bước đầu để biến metaverse thành hiện thực trong 5-10 năm tới. Cũng giống Internet, metaverse không được tạo ra bởi một công ty, Horizon Worlds là ví dụ về cách mọi người sẽ cùng xây dựng không gian xã hội thế hệ tiếp theo", Eliza Kern, phát ngôn viên Meta cho biết.
Metaverse thực sự là gì?
Hiện tại, ví dụ tốt nhất về các yếu tố có thể xuất hiện trong metaverse là Roblox, nền tảng trực tuyến cho phép trải nghiệm và lập trình trò chơi. Người dùng có thể tham gia game của người khác, hoặc mời bạn bè tham gia trò chơi do chính họ thiết kế, mỗi người đại diện bằng một hình nhân ảo. Các môi trường trong Roblox sử dụng tiền ảo có tên Robux, mỗi giao dịch được trích một phần cho công ty phát triển. Tuy Roblox hỗ trợ kính VR, nền tảng này phổ biến nhất trên smartphone và máy tính.
Một metaverse thực thụ sẽ liên kết Roblox, Horizon Worlds, Virbela và mọi thế giới ảo khác, với giao thức chuyển đổi thông tin và tiền tệ. Ví dụ, cần một sàn giao dịch để chuyển Robux sang V-Bucks, tiền ảo trong Fortnite, tựa game có các yếu tố tương tự metaverse do Epic Games phát triển.
Roblox là ví dụ tốt nhất về những yếu tố của metaverse. Ảnh: Roblox. |
Tim Sweeney, CEO Epic Games tích cực ủng hộ metaverse khi chia sẻ tầm nhìn về thuật ngữ này trong cuộc chiến pháp lý giữa Epic và Apple, cho rằng đây là tương lai công nghệ nằm ngoài tầm kiểm soát của Táo khuyết. Satya Nadella, CEO Microsoft cũng đặt niềm tin vào "metaverse doanh nghiệp", hệ thống thế giới ảo dành cho công việc.
Tuy nhiên, để các công ty đối thủ kết hợp thế giới của họ vào một metaverse cần sự cởi mở và hợp tác nhất định. Trước đây, sự phát triển của các công nghệ tương tác như Web hay email được thúc đẩy bởi chính phủ, học viện và các tổ chức phi lợi nhuận, không phải công ty công nghệ như Meta hay Microsoft.
Thế giới ảo đã tạo ra nhiều vụ đầu cơ bất động sản ảo dựa trên blockchain, gọi là Decentraland. Với những người ủng hộ blockchain, họ sẽ muốn metaverse tồn tại độc lập khỏi các hãng công nghệ lớn, dùng blockchain nhằm phá vỡ thế độc quyền của Meta hay Google.
Tuy nhiên, trở ngại của các giao dịch blockchain hiện nay là tốc độ chậm, chưa an toàn và ảnh hưởng đến môi trường tùy nền tảng. Do đó, blockchain trong metaverse có thể gặp khó khăn khi cần mức độ xử lý chuyên sâu, nhanh chóng trên quy mô rất lớn.
Một metaverse thực thụ sẽ kết hợp các thế giới ảo hiện có với giao thức chuyển thông tin, tiền tệ. Ảnh: Bloomberg. |
Với những kế hoạch dành cho metaverse, rõ ràng Meta, Microsoft, Roblox, Epic Games và nhiều công ty khác đang quảng bá sản phẩm của họ như là một phần của metaverse. Định nghĩa về metaverse có thể phụ thuộc vào công ty nắm quyền lớn nhất.
Trong định nghĩa về metaverse, Ball nhấn mạnh mọi thứ có thể thay đổi trong tương lai. "Chúng ta không nên đợi một định nghĩa duy nhất, toàn diện về metaverse, đặc biệt khi metaverse chỉ mới xuất hiện", ông cho biết. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên áp dụng thuật ngữ này một cách bừa bãi.